Thiết bị bay không người lái hỗ trợ “dọn” rác nhựa trên đại dương
Diễn đàn - Ngày đăng : 17:25, 15/06/2018
Từ những năm 1950, thế giới đã bắt đầu sản xuất nhựa. Lượng chất thải phát sinh từ đó cũng gia tăng nhanh chóng. Thế nhưng đến tận những năm 2010, các chính phủ và các tổ chức quốc tế mới bắt đầu quan tâm và giải quyết vấn đề ô nhiễm từ rác thải nhựa. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy trong năm 2014 các luật giới hạn các loại nhựa chỉ sử dụng một lần đã tăng đột biến, mặc dù trước đó các quy định này rất hạn chế.
Một phần của vấn đề này là do nhiều người không biết về quy mô và mức độ ảnh hưởng của nó. Mãi cho đến khi người dùng trên các phương tiện truyền thông xã hội chia sẻ hình ảnh “súp rác đại dương”, cùng với các bộ phim tài liệu truyền hình như Blue Planet, nhiều người mới nhận ra mức độ thiệt hại nghiêm trọng do rác nhựa gây ra đối với hành tinh.
Hàng triệu tấn rác nhựa trên đại dương đang hàng ngày thải ra nhiều loại hóa chất chưa từng có trong tự nhiên, gây nguy hiểm cho môi trường biển thế giới, đe dọa cuộc sống và sức khỏe của con người. Và giờ đây, cả thế giới đang chung tay giải quyết vấn đề này. Trong đó, việc giám sát lượng rác thải và nguồn gốc của chúng có vai trò rất quan trọng. Và các thiết bị bay không người lái có thể hỗ trợ tích cực trong tiến trình này. Các bức ảnh do thiết bị bay không người lái chụp đang được các thuật toán học máy sử dụng để phát hiện từ xa nguồn xả chất thải nhựa ra biển.
Giám sát biển
Ông Peter Kohler, Giám đốc công ty nhựa Tide, đã phát triển tầm nhìn chiến lược cho công ty của mình sau một chuyến đi trên biển ở Nam Thái Bình Dương vào năm 2008. Mặc dù đến bất cứ nơi nào, biển xung quanh ông tràn ngập rác. Do gần như không thể quan sát và theo dõi rác trên biển nên ông cũng không thể biết chúng đến từ đâu.
Kể từ đó Kohler đã cố gắng khai thác công nghệ để đo lường quy mô cũng như đánh giá sự thành công của các sáng kiến hạn chế nhựa. Ý tưởng ông đưa ra là sử dụng các máy ảnh được gắn trên những thiết bị không người lái để chụp hàng ngàn bức ảnh từ trên không. Sau đó, những hình ảnh này được sử dụng để phát triển một thuật toán AI nhằm nhận biết hình ảnh của rác thải nhựa và phân biệt giữa vỏ sò, con sứa với túi nilong hoặc vỏ chai.
Nhiều tình nguyện viên và các nhà khoa học công dân đã tham gia dự án. Họ thu gom rác nhựa được tìm thấy trên bờ biển và phối hợp cùng những người khác để giúp máy học cách xác định chính xác nhựa.
Kết quả cuối cùng là đưa ra bản đồ nguồn mở chính xác về các đường bờ biển bị ô nhiễm nặng nhất. Mặc dù dự án được bắt đầu ở Anh nhưng nó cũng có thể mở rộng trên phạm vi toàn cầu, từ đó cho phép chúng ta giám sát đáy biển và mặt biển.
Nỗ lực nhắm mục tiêu
Bản đồ này còn được sử dụng để tập trung sự chú ý ở những nơi cần nhất.
“Trong ngắn hạn, điều này có thể được sử dụng để giúp với các hoạt động làm sạch đại dương hiệu quả hơn bằng cách giúp chúng ta nhận biết được các khu vực bị ảnh hưởng nhất đối với con người, sinh vật biển và cuộc sống của các loài chim”, Kohler cho biết.
Về lâu dài, công ty nhựa Tide hy vọng sẽ xây dựng được một hệ thống có thể chứng minh mức độ tràn lan của rác nhựa theo một cách gần gũi hơn trong thời gian thực. Đồng thời, nó cũng sẽ cho phép đánh giá mức độ tác động của các chính sách, ví dụ như chính sách cấm sử dụng túi nilon.
Sự tích tụ nhựa trong đại dương là một vấn đề phức tạp, cần sự phối hợp và chung tay của nhiều cấp. Việc cung cấp thông tin chính xác về vấn đề này là bước quan trọng đầu tiên để có thể giải quyết được nó.