Vì sao IoT và ERP lại là “bộ đôi sức mạnh”?
Diễn đàn - Ngày đăng : 09:39, 15/06/2018
Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu Gartner, mỗi ngày có 5,5 triệu thiết bị mới đang được kết nối với Internet - một vài trong số đó là nhiệt kế, dụng cụ nhà bếp, thiết bị báo cháy hay các thiết bị cảnh báo rủi ro ở người cao tuổi, v.v...
Việc hiện đại hóa hệ thống Quản lý Hiệu suất Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) có ý nghĩa như thế nào với các Giám đốc Tài chính (CFO)?
Hệ thống này hoạt động dựa trên nền tảng nào? Thế hệ các CFO đương thời đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thích nghi với bối cảnh công nghệ thay đổi từng ngày. Ví dụ, nhiều người vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào những kết quả đến từ việc phân tích dữ liệu lớn (big data). Một khi học được cách dành trọn niềm tin vào kết quả của những phân tích tân tiến, họ cũng đồng thời sẵn sàng để tiến về phía trước khi áp dụng trí tuệ thích ứng (adaptive intelligence) và trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) tự động hóa để lọc kết quả từ dữ liệu.
Công nghệ Tự động hóa Quy trình bằng Robot (Robot Process Automation) đang dần dần trở thành một trong những ưu tiên của các CFO. Để hiện thực hóa điều này, các CFO cần phải thay đổi cách suy nghĩ của mình và chủ động đón nhận các công nghệ đột phá nhằm khai thác được tiềm năng tối đa của chúng. Việc áp dụng các công nghệ trí tuệ có khả năng dự đoán trong thời gian thực giờ đây đã trở thành một điều tất yếu mà mỗi CFO cần thực hiện để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Nếu một CFO không thể thích nghi được với thực tế này, họ đang tự đẩy mình đến với nguy cơ tụt hậu so với đối thủ.
Bằng cách sử dụng dữ liệu và và các công cụ hỗ trợ dựa trên dữ liệu, các CFO có thể phá vỡ các khuôn mẫu truyền thống, vốn làm giảm hiệu quả giao tiếp cũng như sự phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp. Tận dụng những dữ liệu được liên kết và bổ trợ lẫn nhau, các CFO sẽ có được cái nhìn toàn cảnh về toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp, cũng như các điều kiện ngoại cảnh có thể tác động đến doanh nghiệp.
Sử dụng IoT, các doanh nghiệp hiện đại có khả năng tiếp cận với những mô hình kinh doanh mới và đem lại lợi nhuận cao hơn, như việc coi ‘sản phẩm như một dịch vụ’ với các dòng lợi nhuận định kì. Nhờ các bộ cảm biến được gắn vào sản phẩm, các CFO có thể hiểu hơn về trải nghiệm của khách hàng, từ đó xác định tình hình của các dòng lợi nhuận. Cũng nhờ có IoT, các CFO có thể kiểm soát chặt chẽ các tài sản phân tán và khấu hao chúng một cách hợp lý, thay vì không thể liệt kê phần tài sản này trong bảng cân đối tài chính do không có khả năng theo dõi. Ngoài ra, việc tự động hóa các công việc không có giá trị gia tăng sẽ đảm bảo một cách làm việc có hệ thống và chặt chẽ hơn, cũng như quá trình xử lý nhanh hơn. Ví dụ, doanh nghiệp có thể bồi hoàn và phân bổ chi phí qua các công ty con, để sử dụng các tài nguyên bao gồm các thiết bị kết nối và truyền thông. Từ đó, các CFO sẽ có thể điều khiển các hoạt động một cách toàn diện, năng suất và hiệu quả, từ các công tác hậu trường tại văn phòng đến chuỗi chung ứng thông qua trải nghiệm khách hàng và có tác động tích cực trong việc cắt giảm chi phí, cải thiện dòng tiền và khả năng dự báo.
Tại sao IoT và ERP lại là một “bộ đôi sức mạnh” đưa doanh nghiệp đến với thành công?
Theo một nghiên cứu dự báo thị trường của IDC, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu về IoT trên toàn cầu, với khoảng 8,6 tỉ thiết bị kết nối sẽ được cài đặt tính đến năm 2020 (không bao gồm Nhật Bản). Thị trường châu Á - Thái Bình Dương được kì vọng sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2017-2023. Sự gia tăng về số lượng của các thiết bị IoT trong khu vực sẽ là một động lực quan trọng cho việc chuyển đổi sang dữ liệu số, cho phép các doanh nghiệp tiếp cận với các thông tin chuyên sâu theo thời gian thực và đưa ra được những quyết định chính xác hơn.
Trong năm nay, Oracle cũng kỳ vọng các doanh nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng cường sử dụng các ứng dụng IoT trong việc cung cấp dữ liệu IoT cho doanh nghiệp. Công nghệ IoT sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin chuyên sâu có chất lượng hơn tới tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp. Từ nguồn cung nguyên liệu thô đầu vào tới hoạt động kiểm soát kho hàng, thông tin tài sản để đánh giá và chuẩn bị cho công tác bảo trì, dự báo chất lượng hàng hóa đang sản xuất, theo dõi chặt chẽ công tác giao vận và đội phương tiện chuyển hàng, đảm bảo chất lượng trải nghiệm dịch vụ khách hàng v.v... – đây chỉ là một vài trong số các trường hợp mà tại đó công nghệ IoT có thể phát huy khả năng vận hành hiệu quả của doanh nghiệp, đặc biệt ở mảng quản lý chuỗi cung ứng.
Ứng dụng IoT trên nền tảng đám mây cho phép các CFO truy cập trực tiếp tới các dữ liệu bên ngoài cũng như nội bộ trong thời gian thực, giúp họ đưa ra quyết định nhanh chóng hơn. Ví dụ, nhờ có các bộ cảm biến được gắn trên các máy móc trong nhà máy và tại điểm bán hàng, CFO sẽ luôn nhận được những phân tích đa chiều mới nhất về hoạt động sản xuất cũng như nhu cầu thị trường, từ đó dễ dàng xác định và giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Trước kia, CFO không nhận được các thông tin này một cách kịp thời thông qua công tác quản lý chuỗi cung ứng - nhưng nhờ những tính năng của công nghệ đám mây và IoT, CFO có thể chủ động tiếp cận nguồn thông tin chuyên sâu lớn hơn về tổng quan toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp một cách nhanh chóng hơn.
Trong tương lai, hệ thống Quản lý Hiệu suất Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) sẽ hoạt động như thế nào? Với IoT, trí tuệ nhân tạo, công nghệ học máy và các công nghệ khác, hệ thống hiện tại sẽ phát triển đến mức nào? Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Allied, giá trị của thị trường phần mềm Quản lý Hiệu suất Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) toàn cầu sẽ vượt mức 41 tỉ USD tính đến năm 2020. Cùng với đó, IDC cũng dự đoán trong khoảng thời gian tương tự, chi phí dành cho IoT trên toàn cầu sẽ đạt gần 1,4 nghìn tỉ USD, do các tổ chức đang tiếp tục đầu tư vào phần cứng, phần mềm, các dịch vụ và những thiết bị kết nối cần thiết để kết nối với IoT.
Không chỉ cho thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ, cả hai quá trình này còn sở hữu những điểm tương đồng. Đến năm 2022, hệ thống Quản lý Hiệu suất Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) được hỗ trợ bởi IoT sẽ mang đến cơ hội khổng lồ cho các doanh nghiệp khi thị trường này đang được kì vọng sẽ đạt gần 50 tỷ đô-la Mỹ. Sự “đồng điệu” giữa ERP và IoT dường như là một điều tất yếu. Dữ liệu từ IoT sẽ nâng cao hiệu suất, trong khi thông tin chuyên sâu từ trí tuệ nhân tạo và công nghệ học máy sẽ củng cố hơn nữa các hệ thống ERP. Sự kết hợp này sẽ cho phép lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra những quyết định sáng suốt hơn dựa vào những thông tin chuyên sâu từ dữ liệu số. Ví dụ, các bộ cảm biến có thể đưa ra thông tin chi tiết về những trường hợp thiếu hụt hay dư thừa hàng hóa lưu kho, giúp nhà quản lý kiểm soát tốt hơn việc đặt hàng và bổ sung hàng hóa, đồng thời giảm thiểu lỗi do con người. Đồng thời, sự kết hợp giữa IoT và hệ thống Quản lý Hiệu suất Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) sẽ đem đến những lợi ích cho tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp - liên quan đến hiệu quả sản xuất, hoạt động kiểm soát chất lượng, dịch vụ khách hàng v.v...
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc một số vấn đề khi lựa chọn tích hợp ERP và IoT. Các nền tảng ERP trước hết phải xử lý được lượng thông tin khổng lồ cung cấp bởi các cảm biến IoT, bên cạnh các dữ liệu mà hệ thống này vẫn luôn xử lý. Bên cạnh đó, khả năng bảo mật thông tin trên cả hai nền tảng cũng cần được xét đến. Để có thể vừa cung cấp những số liệu hỗ trợ tích cực cho các quyết định của nhà quản lý, cũng như đảm bảo tính bảo mật, doanh nghiệp cần phải thắt chặt công tác bảo vệ đầu cuối, đặc biệt khi các dữ liệu có khả năng di chuyển từ hệ thống này sang hệ thống khác.
Tuấn Trần