Ra mắt Công ty VNPT-IT: Hiện thực hóa khát vọng là trung tâm số của châu Á

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:06, 12/06/2018

Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) chính thức đi vào hoạt động, có mục tiêu trở thành trung tâm số (digital hub) ở châu Á.

Ngày 12/6/2018, tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đã tổ chức Lễ ra mắt Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT-IT). Tham dự Lễ ra mắt có Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng chúc mừng ra mắt VNPT-IT

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng đã nhiệt liệt chúc mừng ra mắt Công ty VNPT-IT và mong muốn VNPT-IT nhanh chóng trở thành công ty trụ cột của VNPT.

Thứ trưởng khẳng định việc ra đời của VNPT-IT là xu thế tất yếu bởi vì Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn chuyển đổi số hết sức quyết liệt, đặc biệt là quá trình xây dựng chính phủ điện tử. VNPT cũng đã cho thấy khát vọng của VNPT, người lao động VNPT mong muốn trở thành một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, trở thành trung tâm số của khu vực trong thời gian tới. VNPT cũng mong muốn chuyển đổi thành công từ nhà mạng truyền thống sang tập đoàn cung cấp dịch vụ số hàng đầu.

Sự ra đời của VNPT-IT cũng thể hiện tính thời điểm. Tập đoàn đã cung cấp các dịch vụ CNTT từ lâu nhưng phân tán, rải rác mà chưa tập trung được sức mạnh. Việc thành lập VNPT-IT là cơ hội để VNPT tập hợp sức mạnh để thực hiện vai trò của mình trong thời gian tới, là tập đoàn hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ số.

Việc thành lập VNPT-IT và mong muốn công ty này trở thành trụ cột của VNPT trong việc cung cấp các dịch vụ số, theo Thứ trưởng, cũng thể hiện trách nhiệm của Tập đoàn VNPT đối với Chính phủ “Hiện nay, Chính phủ có một mong muốn rất lớn là VNPT cùng một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sẽ đóng vai trò trụ cột trong việc hỗ trợ chính phủ xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), và xây dựng một chính phủ số trong một nền kinh tế số với tầm nhìn 2030. Đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của VNPT đối với người lao động nhiều thế hệ khát vọng đưa VNPT trở thành tập đoàn hàng đầu của quốc gia không chỉ trong lĩnh vực Viễn thông mà còn là tập đoàn hàng đầu trong cung cấp dịch vụ số”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, VNPT cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong “thỏa mãn” ước mơ của mình. Thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực. VNPT là Tập đoàn nhà nước, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã thực sự được ưu đãi nguồn nhân lực hay chưa là một vấn đề lớn. Bên cạnh số lượng cán bộ CNTT đông đảo, VNPT cũng rất cần những chuyên gia có ý tưởng, kỹ năng quản trị về CNTT. Nếu VNPT không có cơ chế đãi ngộ tốt thì chắc chắn không thể cạnh tranh với các Tập đoàn, Tổng công ty khác. Theo đó, VNPT cần hết sức quan tâm vấn đề này trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng, đối với lĩnh vực CNTT, việc thu hút chuyên gia có ý tưởng, nhà quản trị CNTT trình độ cao rất quan trọng, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt. Các cơ quan Trung ương cần có chính sách, tháo gỡ cho Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có điều kiện để tăng sự cạnh tranh thông qua việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều “cốt tử” để thực hiện giấc mơ của VNPT là trở thành trung tâm số của châu Á, cung cấp các giải pháp, dịch vụ số cho xã hội, người dân.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT phát biểu

Thay mặt cho Tập đoàn VNPT, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng bày tỏ vui mừng khi chỉ sau 5 tháng chuẩn bị kể từ ngày Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2018 - 2020, VNPT đã chính thức ra mắt VNPT-IT.

“Công ty VNPT-IT sẽ là trụ cột của Tập đoàn VNPT trong việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam. Tính đến ngày hôm nay, hơn 1.000 nhân lực về CNTT đã được Tập đoàn điều chuyển từ các đơn vị về VNPT-IT. Để đáp ứng được các mục tiêu đã đặt ra, chúng tôi dự kiến đến 2020, tổng số nhân lực của VNPT-IT phải là 5.000 người”, ông Trần Mạnh Hừng cho biết.

Ông Trần Diên Hy, Giám đốc Công ty VNPT-IT mong muốn đưa Công ty trở thành trụ cột của VNPT

Là người đứng đầu Công ty, ông Ngô Diên Hy, Giám đốc Công ty VNPT-IT cho biết, VNPT-IT được thành lập với sứ mệnh hiện thực hóa các chiến lược VNPT 3.0 để từ đó chuyển đổi số Tập đoàn VNPT từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số và từ đó cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, các tổ chức, khách hàng trong và ngoài nước.

Trong làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các công nghệ trí tuệ nhân tạo, IoT, blockchain, công nghệ điện toán đám mây… VNPT-IT mong muốn đưa các công nghệ này vào các sản phẩm của Công ty để từ đó làm cho các sản phẩm dịch vụ trở nên thông minh hơn và tạo nên những giá trị trải nghiệm mới cho khách hàng và an toàn hơn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Công ty VNPT-IT ra đời đã tạo điều kiện cho Tập đoàn thực hiện việc chuyển đổi số. “VNPT-IT mong muốn sẽ trở thành một nhà cung cấp dịch vụ số, hạ tầng số hàng đầu tại thị trường Việt Nam và khu vực, góp phần đưa VNPT trở thành một trung tâm dịch vụ số của Châu Á vào năm 2030. VNPT-IT sẽ không ngừng phát triển để kiến tạo nên một nền kinh tế số, xã hội số và hình thành nên giá trị cao đẹp cho một xã hội Việt Nam hiện đại trong tương lai”, người đứng đầu VNPT-IT cam kết.

Các dịch vụ, giải pháp CNTT của VNPT đã được xã hội đánh giá cao và được sử dụng rộng rãi

Được biết, trước đây, đội ngũ kỹ sư phần mềm, CNTT của VNPT nằm rải rác dưới sự chỉ đạo của các đơn vị thành viên và VNPT 63 tỉnh/thành với nhiệm vụ chính là xây dựng và quản trị các phần mềm phục vụ nhu cầu về điều hành sản xuất kinh doanh của VNPT. Ngoài ra, cũng xây dựng một số sản phẩm đáp ứng nhu cầu của cơ quan hành chính, doanh nghiệp ở quy mô cấp địa phương. Một số sản phẩm đã được ra đời trong giai đoạn  này như phần mềm về giáo dục (VnEdu) được triển khai ban đầu tại Thanh Hóa hay phần mềm cho bệnh viện (VNPT-HIS) tại Tiền Giang. Cùng với nhu cầu của thị trường, các sản phẩm này sau đó đã liên tục được mở rộng cả quy mô và công nghệ.

Đến nay, sau nhiều lần mở rộng và nâng cấp về công nghệ, VnEdu đã trở thành mạng giáo dục số 1 tại Việt Nam với khoảng 12.800 trường học trên cả nước sử dụng hệ thống. Giải pháp cho lĩnh vực y tế (VNPT HIS) cũng đã được triển khai cả 4 cấp từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã với hơn 7.000 cơ sở y tế trên cả nước. Giải pháp về CPĐT đã được triển khai chính thức cho 49/63 tỉnh, thành phố theo đúng khung quy chuẩn. Hệ thống một cửa liên thông iGate của VNPT đã được triển khai trên 25/63 tỉnh thành phố. Những giải pháp trong từng lĩnh vực đó đang từng bước cấu thành nên mô hình thành phố thông minh của VNPT đã được 21 tỉnh/thành phố lựa chọn thử nghiệm và triển khai trong thời gian qua.

Lan Phương