5 phương thức mà ICT giúp đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa

Diễn đàn - Ngày đăng : 17:08, 07/06/2018

Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người trên toàn thế giới. Bài viết giới thiệu một số phương thức mà các công nghệ thông tin và truyền thông có thể giúp hạn chế và giảm thiểu vấn đề này.

Rác thải nhựa – Thách thức lớn với cộng đồng

Rác thải nhựa đang trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, lượng rác thải, trong đó, có rác thải khó phân hủy  như nhựa ngày càng gia tăng và khó kiểm soát. Trong khi đó, thời gian phân hủy của loại rác thải này phải mất đến hàng thế kỷ, do vậy, kiểm soát rác thải nhựa đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách. Mặt khác, sự tiện dụng cao và giá thành thấp đã làm cho sản phẩm này trở thành vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân và hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội. Giá thành thấp không chỉ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng mà còn làm cho việc hạn chế, giảm thiểu, thu gom, sử dụng lại và tái chế rác thải nhựa ít mang ý nghĩa về kinh tế và không có động cơ thúc đẩy. Đây là thách thức lớn trong việc quản lý, tái chế và tái sử dụng rác thải nhựa.

Nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và loại bỏ rác thải nhựa, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2018 là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni-lông”.

Ngày Môi trường thế giới là một sự kiện toàn cầu về môi trường do Liên Hợp Quốc khởi xướng, diễn ra vào ngày 5/6 hàng năm ở khắp nơi trên thế giới. Năm 2018, Ấn Độ là chủ nhà của sự kiện Ngày Môi trường thế giới.

Theo báo cáo của UNEP, mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất bốn lần, với khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. Nếu xếp chúng cạnh nhau có thể bao trùm một khu vực rộng gấp đôi diện tích nước Pháp. Trung Quốc là nguồn thải túi nhựa nhiều nhất thế giới, sau đó là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người, Mỹ thải nhiều rác nhựa nhất thế giới, sau đó là Nhật Bản và EU. Ðiều đáng lo ngại là phần lớn rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Báo cáo của UNEP đã chỉ rõ chỉ 9% trong số 9 tỷ tấn đồ nhựa được sản xuất trên thế giới từ trước tới nay là có thể tái chế được. Hầu hết số còn lại đều kết thúc tại các hố chôn rác, đống rác lộ thiên hoặc bị vứt ra môi trường.

Với tốc độ sử dụng nhựa như hiện nay, ước tính sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương, nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, sức khỏe con người và trở thành thách thức lớn đối với môi trường.

Làm thế nào để có thể thay đổi xu hướng này và chấm dứt ô nhiễm từ rác thải nhựa? Mục tiêu “3 R” đặt ra là giảm thiểu (Reduce), tái sử dụng (Reuse) và tái chế (Recycle) rác thải nhựa. Chính vì thế, UNEP đã lựa chọn và công bố khẩu hiệu cho Ngày Môi trường thế giới năm nay là "Nếu bạn không thể tái sử dụng nó, hãy từ chối nó".

ICT trong cuộc chiến chống ô nhiễm từ rác thải nhựa

Internet và các phương tiện truyền thông xã hội

Thứ nhất, bạn đang đọc được điều này đó là nhờ sức mạnh của Internet trong việc kết nối mọi người tới những vấn đề mà họ quan tâm, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề quan trọng này.

Năm nay chiến dịch của UNEP đó là “BeatPlasticPollution” (đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa), nhằm mục đích khiến mọi người cam kết từ bỏ việc sử dụng nhựa một lần, trong đó sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để nâng cao nhận thức, gây quỹ để tổ chức các sự kiện trên toàn cầu.

Sử dụng vệ tinh để quan sát rác nhựa trên đại dương

Ocean Cleanup là một tổ chức phi lợi nhuận đang phát triển các công nghệ tiên tiến để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi các đại dương. Họ đang sử dụng hình ảnh quan sát từ vệ tinh và học máy để giúp làm sạch đại dương. Theo ước tính, trong vòng 5 năm tới họ có thể thu gom được 50% rác thải của đại dương.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) mới đây cũng thông báo sẽ sử dụng vệ tinh để phát hiện và theo dõi lượng nhựa khổng lồ này từ không gian, nhằm tìm kiếm tập trung rác nhựa nhất, từ đó tập trung nỗ lực để dọn dẹp và làm sạch các khu vực này.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hiểu về hệ thống tự nhiên

Theo báo cáo “Khai thác Trí tuệ nhân tạo cho Trái đất” gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và PwC, sự chín muồi của các công nghệ chủ chốt bao gồm dữ liệu lớn và học máy đang mở ra những khả năng mới cho bảo tồn trái đất.

Ví dụ, với các thuật toán AI và năng lực tính toán ngày càng tăng, các nhà khoa học khí hậu có thể hiểu rõ hơn về các hệ thống tự nhiên và tối ưu hóa các can thiệp bằng cách mô hình hóa và dự đoán các mẫu khí hậu trong một lĩnh vực mới gọi là khoa học thông tin khí hậu. Nó cũng cho phép các nhà nghiên cứu có thể phối hợp với nhau tốt hơn, nhằm chia sẻ và phân tích dữ liệu quan trọng về ô nhiễm.

Dữ liệu lớn và ảo hóa dữ liệu

Dữ liệu lớn sẽ là chìa khóa để đo lường và giám sát các tài nguyên của trái đất. Sử dụng học máy và ảo hóa dữ liệu, dữ liệu lớn có thể giúp đưa ra các quyết định chính xác và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay đó là những cái chúng ta không biết. Theo báo cáo về giám sát rác thải điện tử của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), thách thức lớn trong vấn đề quản lý rác thải điện tử đó là thiếu thông tin phù hợp. Ước tính chỉ có 41 quốc gia có tài liệu và đánh giá về rác thải điện tử của họ.

Sử dụng blockchain

Tổ chức Plastic Bank cung cấp các token số bảo mật bằng blockchain cho việc trao đổi nhựa tái chế. Mục đích của họ là ngăn chặn dòng chảy của nhựa vào đại dương bằng cách thưởng cho những người tái chế, qua đó giúp cắt giảm rác thải và chống đói nghèo.

Làm việc với các đối tác tại Cognition Foundry và IBM để thực hiện kế hoạch của mình, Plastic Bank đang mở rộng các giải pháp blockchain trong lĩnh vực này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng hiện nay, đồng thời đảm bảo an toàn các giao dịch chạy trên đó.

Và gần đây UNFCCC (Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu) đã thiết lập một Liên minh chuỗi khí hậu với hơn 80 tổ chức cam kết sử dụng các công nghệ blockchain cho các nỗ lực biến đổi khí hậu.

Rõ ràng là để chuyển đổi sang một mô hình phát triển bền vững, chúng ta sẽ cần tất cả các công nghệ có sẵn và mọi nỗ lực để đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa.

TH