Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý ngành lâm nghiệp

Truyền thông - Ngày đăng : 10:04, 07/06/2018

Ngày 6/6, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Diễn đàn thông tin, dữ liệu tài nguyên rừng nhằm giới thiệu về hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp được truy cập tại địa chỉ: http://maps.vnforest.gov.vn.

Hệ thống với khả năng tích hợp thông tin, cơ sở dữ liệu về kiểm kê rừng toàn quốc, theo dõi diễn biến rừng, kết quả bảo vệ và phát triển rừng, giống lâm nghiệp,…hứa hẹn sẽ giúp cho việc truy cập thông tin dễ dàng cho cơ quan quản lý nhà nước; qua đó đưa ra các quyết định chỉ đạo, điều hành ngành lâm nghiệp.

Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp cùng với các cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng là kết quả của triển khai Dự án phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp tại Việt Nam giai đoạn II (FORMIS II - triển khai từ tháng 5/2013 đến năm 2018) do Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện, do chính phủ Phần Lan tài trợ. Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng một hệ thống quản lý thông tin tích hợp hoàn thiện, phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên lâm nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn phát biểu tại diễn đàn

Tại diễn đàn giới thiệu về hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp, ông Nguyễn Bình Minh – Phó Giám đốc Dự án FORMIS II cho biết, dữ liệu hiện có của hệ thống gồm: tổng điều tra kiểm kê rừng của 60 tỉnh trong giai đoạn 2013-2016 và trong năm 2017; dữ liệu theo dõi diễn biến rừng trong các năm 2016, 2017; kết quả bảo vệ và phát triển rừng, giống lâm nghiệp, mùa vụ; chi trả dịch vụ môi trường rừng,…

Trong đó, hệ thống lưu trữ dữ liệu điều tra, kiểm kê rừng được cụ thể từ 1.104.578 chủ rừng, trên 7 triệu lô rừng, 1.093 bản đồ số cấp xã. Dữ liệu theo dõi diễn biến rừng được cán bộ hạt kiểm lâm cấp huyện thu thập và cập nhật hàng năm. Dữ liệu cập nhật vào cơ sở dữ liệu gốc bằng phần mềm cập nhập diễn biến rừng. Từ đây, các dữ liệu này sẽ được tích hợp thông qua hệ thống nền FORMIS, qua đó tạo điều kiện cho việc truy cập và cung cấp thông tin cho Chính phủ, cấp Bộ, tổng cục, các tỉnh, huyện,…nhằm đưa ra các quyết định về quản lý, chỉ đạo, điều hành ngành lâm nghiệp.

Theo ông Tapio Leppanen, Cố vấn trưởng dự án FORMIS II, việc mở truy cập dữ liệu và thông tin tài nguyên rừng là rất cần thiết, bởi hệ thống giúp nâng cao hiệu suất và hiệu quả trong việc lập kế hoạch quản lý rừng, đồng thời giảm thiểu chi phí trong việc lập kế hoạch đầu tư trong ngành lâm nghiệp. Việc truy cập dữ liệu tài nguyên rừng, truy cập hệ thống quản lý thông tin ngành chế biến lâm sản, phân tích cung cầu gỗ nguyên liệu sẽ giúp cho việc tính toán mức độ sẵn có của gỗ nguyên liệu. Từ đó, đưa ra chiến lược thu mua nguyên liệu, kế hoạch đầu tư và trách nhiệm giải trình cho các nhà đầu tư. Từ đây, giúp nâng cao năng lực ngành chế biến lâm sản, tạo thêm công ăn việc làm và gia tăng thu nhập từ ngành.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định: Đây là phần mềm hiện đại, toàn diện nhất hiện nay về cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng. Phần mềm không chỉ phục vụ hôm nay về quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược lâm nghiệp, còn là bộ dữ liệu phục vụ tương lai, cho nghiên cứu khoa học, lịch sử quá trình phát triển rừng… Do đó, bộ dữ liệu này cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để những dữ liệu đã có được khai thác sử dụng kiện toàn nhất. Việc quản trị dữ liệu này phải đảm bảo tính trung thực, khoa học. Bên cạnh đó, việc sử dụng dữ liệu phải “mở”, bởi nó không chỉ phục vụ ngành lâm nghiệp mà các cấp, ngành, toàn xã hội có thể sử dụng dữ liệu nhưng cũng phải có cấp độ truy cập. Qua đó, góp phần đánh giá tài nguyên rừng một cách hiệu quả làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

PV