Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy hợp tác CNTT - Truyền thông
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:37, 04/06/2018
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe họp báo thông báo kết quả hội đàm. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang diễn ra đúng vào dịp hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao. Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, ra Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản và phát biểu báo chí; hội kiến với các nhà lãnh đạo Nhật Bản như Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, gặp gỡ lãnh đạo chính giới Nhật như Chủ tịch Đảng liên minh cầm quyền Công Minh, Chủ tịch Đảng Cộng sản, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền kiêm Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt; đối thoại với giới kinh tế Nhật như Chủ tịch Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Phòng Công nghiệp Thương mại Nhật Bản (JCCI), Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), Hiệp hội Giới chủ doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Mậu dịch Nhật Bản…
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thành công tốt đẹp. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện, và những kết quả đạt được trong chuyến thăm đã mở ra một giai đoạn phát triển mới hiệu quả và thực chất hơn nữa của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Theo Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản, hai bên đạt thỏa thuận thúc đẩy kết nối kinh tế hai nước, phối hợp mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam - Nhật Bản với một số nội dung quan trọng như:
Tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, tăng cường liên kết thông qua việc mở rộng thương mại, đầu tư, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục và đào tạo, khoa học-kỹ thuật, xây dựng, kỹ thuật thông tin truyền thông, y tế, sức khỏe; thúc đẩy giao lưu văn hóa, thể thao và giao lưu nhân dân.
Cùng nhau đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo thực chất, hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực. Theo đó, hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, mở rộng và làm sâu sắc hợp tác giữa hai nước, thúc đẩy liên kết kinh tế, đẩy mạnh giao lưu nhân dân và phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Tăng cường phối hợp và hợp tác sâu rộng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc (UN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN 3, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM ), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) cùng các diễn đàn khác nhằm đóng góp tích cực và xây dựng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Theo đó, Nhật Bản khẳng định tầm quan trọng vai trò trung tâm của ASEAN và tái khẳng định hợp tác chặt chẽ nhằm thực hiện vững chắc và hiệu quả Tuyên bố về Tầm nhìn hữu nghị hợp tác ASEAN - Nhật Bản và Kế hoạch Thực hiện sửa đổi. Nhật Bản bày tỏ ý định của Nhật Bản tăng cường hợp tác với Việt Nam nước đóng vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2021. Tăng cường tính liên kết trong và ngoài khu vực trên cơ sở Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC) 2025, tôn trọng hoàn toàn tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.
Nâng tầm hợp tác Mekong - Nhật Bản đưa ra phương hướng nâng cao hiệu quả và vai trò của hợp tác Mekong- Nhật Bản trong thời gian tới tại Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 dự kiến tổ chức vào năm nay. Khẳng định lại tầm quan trọng của quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác chặt chẽ giữa cơ chế Mekong-Nhật Bản với các tổ chức tiểu vùng Mekong, đặc biệt là Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Nhật Bản hoan nghênh việc ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 3/2018, một lần nữa bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hơn nữa tự do thương mại. Vai trò của hai nước trong thúc đẩy Hiệp định CPTPP; tái khẳng định CPTPP sẽ mang lại lợi ích quan trọng không chỉ cho hai nước mà còn đối với ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai nước sẵn sàng đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa Hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực sớm nhất có thể. Nhật Bản sẽ nghiên cứu cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam thi hành có hiệu quả các nghĩa vụ, từ đó hiện thực hóa đầy đủ các lợi ích mà CPTPP mang lại. Hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm cho rằng mở rộng CPTPP trong tương lai như một nền tảng quan trọng để phát triển hệ thống thương mại tiêu chuẩn cao và dựa trên luật lệ trong và ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Đồng thời khẳng định cam kết nhanh chóng kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), bảo đảm RCEP sẽ là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi cho các thành viên.
Việt Nam tiếp tục ủng hộ vị trí Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an của Nhật Bản sau khi cơ quan này được cải cách. Hai nước khẳng định ủng hộ lẫn nhau trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, theo đó Việt Nam ứng cử nhiệm kỳ 2020-2021, Nhật Bản ứng cử nhiệm kỳ 2023 - 2024.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong hợp tác viễn thông, an ninh mạng, tần số, dịch vụ bưu chính thông qua sử dụng cơ chế như Nhóm công tác chung; trong phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam và thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản trong lĩnh vực ICT. Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống truyền thông không dây đối với an toàn vận tải hàng không và hàng hải, hai nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy nghiên cứu khả năng hợp tác thiết lập Hệ thống kiểm soát tín hiệu vô tuyến cao tần.