Bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội trên không gian mạng
Bản tin ICT - Ngày đăng : 10:30, 30/05/2018
Đoàn đại biểu QH thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên không gian mạng
Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường nghe Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Phùng Xuân Nhạ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Tờ trình nêu rõ: Luật Giáo dục được ban hành từ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), do đó cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể là phù hợp các quy định của Hiến pháp năm 2013, các bộ luật và luật được ban hành gần đây và Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Để bảo đảm tính khả thi, vừa có tính kế thừa, theo nguyên tắc Luật Giáo dục là luật khung, là cơ sở để xây dựng các luật chuyên ngành thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật nêu trên. Báo cáo nêu rõ, tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cũng như mục tiêu xây dựng Dự án Luật, nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về giáo dục, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế về giáo dục.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) và một số đại biểu cho rằng, những năm gần đây, ở nước ta xảy ra ngày càng nhiều các vụ vi phạm pháp luật trên không gian mạng gây bức xúc trong dư luận xã hội; nhất là, các hoạt động lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo chống phá Đảng, Nhà nước, hoạt động gián điệp, lấy cắp dữ liệu nhà nước, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự an toàn xã hội... Tuy nhiên, việc xử lý các vụ việc vi phạm trên không gian mạng còn bị động, lúng túng và hiệu quả không cao. Vì hệ thống pháp luật hiện nay chưa có hành lang pháp lý quy định đầy đủ, rõ ràng, để ngăn ngừa, xử lý hiệu quả những hành vi vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên mạng in-tơ-nét… Theo các đại biểu, việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết và đòi hỏi cấp thiết trong tình hình hiện nay để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng được các đại biểu tập trung thảo luận là về Nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng (điều 4) và Biện pháp bảo vệ an ninh mạng (điều 5). Theo đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, cần thống nhất quan điểm coi an ninh mạng là một nội hàm trong an ninh quốc gia và quốc phòng. Sự bất khả xâm phạm về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bao gồm cả thực tế, thực địa và trên cả không gian mạng. Do vậy, dự thảo Luật cần làm nổi bật được ý nghĩa đó thì mới có cơ sở để quy định và triển khai thực hiện trong thực tế.
Đề cập đến chính sách của Nhà nước về an ninh mạng (điều 3), đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm một khoản về ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực về an ninh mạng chất lượng cao; ưu tiên nghiên cứu phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng. Bởi, theo đại biểu, các đối tượng có trình độ cao về công nghệ thông tin có thể sử dụng siêu máy tính, hoặc hệ thống máy tính để tiến công mạng có chủ đích, phá hoại hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hoặc trong trường hợp chiến tranh mạng xảy ra... Do đó, việc ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực về an ninh mạng chất lượng cao nhằm bảo vệ vững chắc an ninh mạng của nước ta.
Một số ý kiến tán thành việc xây dựng dự luật trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin và thích ứng cách mạng công nghệ 4.0 là rất cần thiết. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần cân nhắc một số điều khoản trong dự thảo Luật để tránh sự chồng chéo về quản lý nhà nước, đặt ra quá nhiều rào cản, đặt thêm gánh nặng tuân thủ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, làm cản trở sự sáng tạo, hạn chế sự thụ hưởng lợi ích, dịch vụ chính đáng của người dân.
Cuối phiên làm việc buổi sáng, thay mặt cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt đã tiếp thu và giải trình một số vấn đề mà các đại biểu QH đã nêu ý kiến trong phiên thảo luận. Đồng thời, nêu rõ, sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để xem xét chỉnh lý, bổ sung vào dự án Luật An ninh mạng.
Tạo điều kiện thuận lợi để Cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ
Thảo luận ở tổ về Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN), đa số các đại biểu QH đều tán thành với việc cần ban hành Luật CSBVN để xây dựng lực lượng CSBVN chính quy, tinh nhuệ, đồng thời, tạo hành lang pháp lý nhằm bảo vệ an ninh trật tự trên biển. Tuy nhiên, các đại biểu: Lê Quý Vương (Hưng Yên); Vũ Hải Hà (Đồng Nai) cùng một số đại biểu khác có ý kiến rằng, dự thảo Luật cần làm rõ hơn về phạm vi hoạt động của CSBVN. Khái niệm “địa bàn liên quan đến biển” nêu trong dự thảo Luật có thể hiểu được nhiều nghĩa như: vùng lãnh hải, hải phận quốc tế, vùng nội thủy... Bởi vậy, khi nói đến “địa bàn liên quan đến biển” có thể nghĩ tới vùng nội thủy hoặc đất liền, trong khi đó tại các vùng nội thủy đã giao cho cảnh sát giao thông đường thủy phụ trách cho nên cần phải quy định rõ hơn về câu chữ trong dự thảo Luật để thấy được phạm vi hoạt động của CSBVN.
Dự thảo Luật cũng cần nêu rõ vị trí của CSBVN, đề nghị quy định vị trí CSBVN thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi đã xác định CSBVN thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam cần xác định lại trách nhiệm của lực lượng CSBVN là bảo đảm an toàn, an ninh trên biển để tránh chồng chéo với các lực lượng vũ trang khác. Về chức năng của CSBVN, có đại biểu cho rằng, trong dự thảo nêu chức năng rất chung chung, vì vậy cần xem xét các lực lượng liên quan, như hải quân, biên phòng, bởi các lực lượng này có quyền hạn chức năng khá trùng với lực lượng CSBVN. Ban soạn thảo cần quy định rõ để tạo điều kiện thuận lợi cho CSBVN khi triển khai trong thực tế.
Thảo luận về Luật Đặc xá (sửa đổi), các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre); Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cùng một số đại biểu khác cho rằng, tinh thần của Luật Đặc xá (sửa đổi) là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù, do đó các quy định phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện. Dự thảo Luật đang quy định một số nội dung về đặc xá khá giống các nội dung về tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Bộ luật Hình sự. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu đối chiếu để khắc phục những hạn chế của dự án Luật Đặc xá hiện hành. Trong đó, cần chú trọng việc áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như: người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…
Các đại biểu QH cũng đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ nội dung về ba thời điểm đặc xá, gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước; nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Hiện nay, mới chỉ có quy định về các ngày lễ lớn mà chưa quy định về sự kiện trọng đại của đất nước, vì vậy cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật, thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm chủ động trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu QH lo lắng khi tỷ lệ người sau khi được đặc xá đã tái phạm tội với tỷ lệ tương đối cao cho nên phải “thắt” chặt các quy định về đặc xá với mục tiêu người thật sự xứng đáng mới được đặc xá. Đồng thời, một số đại biểu đề nghị, dự án Luật sửa đổi lần này cũng cần quan tâm vấn đề tái hòa nhập cộng đồng của người được đặc xá.
Luật Trẻ em quy định cấm cung cấp dịch vụ in-tơ-nét có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em từ các trang web đen, trò chơi trực tuyến không phù hợp với trẻ em thời gian qua chưa được kiểm soát chặt chẽ, luôn là nỗi lo của các gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi, hiện nay, hầu hết việc truy cập in-tơ-nét trong gia đình, tại các cơ sở kinh doanh in-tơ-nét, hay các mạng wifi tự do bên ngoài không có sự phân biệt người truy cập là người lớn hay trẻ em. Đại biểu NGUYỄN VĂN CẢNH (Bình Định) Trong việc xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, dự thảo Luật An ninh mạng cần quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng an ninh mạng và nhằm thực hiện nhiệm vụ cụ thể của lực lượng, quản lý chặt chẽ, tránh việc sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ và các hoạt động xâm phạm lợi ích an ninh, trật tự của Nhà nước. Hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để vi phạm như các vụ sử dụng in-tơ-nét thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền đã diễn ra trong thời gian qua. Đại biểu CAO ĐÌNH THƯỞNG (Phú Thọ) Bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn vùng biển, đảo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Trong đó, xây dựng lực lượng Cảnh sát biển đóng vai trò nòng cốt. Trước xu thế tất yếu của quốc tế hiện nay là tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các vấn đề mâu thuẫn bằng pháp luật quốc tế cho nên cần thiết phải xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đủ mạnh, theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại, tính chuyên nghiệp cao để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ duy trì và thực thi pháp luật Việt Nam, cũng như pháp luật quốc tế trên biển. Sẵn sàng phối hợp các lực lượng khác tham gia tác chiến trong trường hợp xảy ra chiến tranh, xung đột biển, đảo. Đại biểu HUỲNH THANH LIÊM (Đồng Nai) |