Quản trị nhân sự: điểm mấu chốt để DN chuyển mình trong CMCN 4.0

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 09:50, 17/05/2018

công nghệ là vấn đề then chốt không thể thiếu trong tiến trình Việt Nam nắm bắt và thụ hưởng những thành quả hữu ích từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).

Sáng ngày 16/5, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội; Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế; Câu lạc bộ Các nhà công thương Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn “Khoa học và công nghệ với doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong CMCN lần thứ 4”. Tham dự Diễn đàn có ông Phạm Xuân Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, đại diện một số Bộ, ngành, đại biểu đại diện các đoàn Đại biểu Quốc hội một số tỉnh thành, các nhà làm chính sách, chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, đại diện một số hiệp hội, ngành nghề cùng hàng trăm doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam.

Diễn đàn được mở ra nhằm mục đích góp phần trong việc quy nạp những kinh nghiệm, thúc đẩy DN Việt Nam với cuộc CMCN lần thứ 4. Khoa học - công nghệ là vấn đề then chốt không thể thiếu trong tiến trình Việt Nam nắm bắt và thụ hưởng những thành quả hữu ích từ cuộc CMCN lần thứ 4.

Toàn cảnh Diễn đàn

Thực tế cho thấy các DN Việt Nam nhất là các DN vừa và nhỏ còn nhận thức chưa đầy đủ, tạo ra những lỗ hổng trong quản lí DN, quản trị nhân sự để thích ứng với xu thế phát triển không ngừng của khoa học công nghệ trong cuộc CMCN lần thứ 4. Do vậy, để chớp lấy vận hội của cuộc CMCN lần thứ 4, đòi hỏi các DN phải có những nhận thức đúng, đủ vai trò trách nhiệm của mình trong tiến trình đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế, bắt kịp vận hội của cuộc CMCN lần thứ 4.

Tại Diễn đàn, TSKH. Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cho rằng: Chưa bao giờ dư luận tại Việt Nam lại quan tâm tới sự phát triển đất nước như bây giờ, chắc có lẽ vì cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới đang tiến nhanh như vũ bão, mọi chuyện sẽ trở nên lỗi thời trong chốc lát, nguy cơ chúng ta có thể bị bỏ lại phía sau, bị tụt hậu xa hơn nữa. “Mỗi một người dân đất Việt không muốn phải chịu cảnh tụt hậu, nghèo hèn, vì Việt Nam là một dân tộc cần cù, thông minh và dũng cảm, một dân tộc rất đáng tự hào, có lịch sử vẻ vang và oai hùng, đã chiến thắng biết bao nhiêu kẻ xâm lược nhiều tiền, lắm của, đông người, giàu có, hùng mạnh”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội phát biểu.

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà công thương Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận thành tựu công nghệ mới sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, là thời cơ để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Cũng tại Diễn đàn, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cho biết, chúng ta đang sống ở giai đoạn khởi phát của cuộc CMCN lần thứ 4 với việc tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ blockchain, điện toán đám mây... Có thể thấy, cách mạng công nghiệp lần này dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, các phương thức sản xuất, công nghệ sản xuất mới, nguyên liệu mới...

“Đặc trưng lớn nhất của CMCN lần thứ 4 là tính kết nối giữa các chủ thể trong chu trình sản xuất kinh doanh nhờ vào sự phát triển của hạ tầng CNTT và Internet mà đỉnh cao là internet kết nối vạn vật. Thông qua việc kết nối này, các DN sẽ tạo ra những mạng lưới thông minh trong toàn bộ chuỗi giá trị để có thể kiểm soát lẫn nhau một cách tự động… Chính từ Internet kết nối vạn vật đang tạo ra một xu hướng mới với khái niệm "kinh tế chia sẻ", theo đó có sự chia sẻ nguồn lực giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội, được thực hiện thông qua Internet và hướng tới tối ưu hóa nguồn lực xã hội”, ông Lê Quang Huy nêu rõ.  

Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội phát biểu

Cũng theo phân tích của ông Lê Quang Huy, trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận thành tựu công nghệ mới từ cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, là thời cơ để Việt nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. CMCN 4.0 chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh chuỗi sản phẩm, tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số, Internet, công nghệ sinh học. Đây là những thuận lợi căn  bản và là thời cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Huy cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức của DN Việt Nam trước làn sóng CMCN 4.0, đó là các DN không bắt kịp nhịp độ phát triển kinh tế thế giới và khu vực thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với những tác động tiêu cực như: sự lạc hậu về công nghệ, sự suy giảm giá trị sản xuất kinh doanh, tình trạng dư thừa lao động phổ thông, lao động thiếu kỹ năng, trình độ thấp, lao động không được đào tạo, đào tạo lại. Thị trường lao động truyền thống có thể bị phá vỡ, những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp hoạc ít sẽ bị đào thải và cơ cấu của nền kinh tế có nguy cơ thay đổi theo hướng tiêu cực. Điều khó tránh khỏi và đáng lo ngại là làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang Việt Nam.

Có thể nhận thấy, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam; trong đó các DN là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị DN là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của DN Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0. Trong công cuộc “chuyển mình, lột xác” rất cần thiết cho DN, yếu tố cần điều chỉnh đầu tiên chính là vấn đề quản trị nhân sự. Điều này rất dễ hiểu bởi khi làn sóng công nghệ xô tới, vấn đề nhân sự chịu tác động sâu sắc nhất. 

Tại Diễn đàn, đại diện cơ quan Trung ương, các nhà làm chính sách, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học đã có dịp đối thoại với các DN, qua đó phân tích, chia sẻ thời vận đến từ cuộc cách mạng trí tuệ của nhân loại. Qua đó các doanh nhân hiểu rõ hơn về con đường doanh nghiệp mình phải đi trong bối cảnh toàn cầu kết nối, vun đắp thêm khát vọng DN phát triển, quốc gia thịnh vượng.

Xuân Tuấn