TPBank tiên phong hướng tới thanh toán di động, ngân hàng số
Chính phủ số - Ngày đăng : 10:39, 02/05/2018
Hướng tới thanh toán di động hiện đại, không tiền mặt
Tại Hội thảo 4G/5G quốc tế 2018 mới đây, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong Bank (TPBank) cho biết hiện nay nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang thanh toán di động, không dùng tiền mặt. Tốc độ sử dụng thanh toán không tiền mặt đạt tăng trưởng hàng năm 7 - 8% ở các nước ASEAN như Việt Nam, Thái Lan, Singapore. Lượng giao dịch tiền mặt trong lĩnh vực bán lẻ hiện là hơn 80% và đang giảm dần, kỳ vọng đến năm 2020 sẽ chỉ còn trên dưới 70%.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hằng ngày. Thống kê cho thấy tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng lượng tiền của nền kinh tế Mỹ chiếm hơn 93% và 90% ở khu vực đồng Euro. Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia khuyến khích đẩy mạnh loại bỏ dần tiền mặt, khuyến khích thanh toán điện tử - trong đó có Việt Nam.
Cuộc khảo sát năm vừa rồi cũng cho thấy thẻ tín dụng (credit card) vẫn nằm trong 3 phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến nhất ở Philippines và Việt Nam, nơi mà kỹ thuật số hay thanh toán di động vẫn còn đang phát triển chậm hơn. Tuy nhiên, ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan, đã có những ngân hàng đã phát hành ứng dụng thanh toán di động, cùng với loạt nền tảng thanh toán kỹ thuật số như như GrabPay và Go-Pay cũng đang phát triển tích cực ở đây. Thẻ tín dụng đã không còn nằm trong top 3 phương thức thanh toán không tiền mặt phổ biến nhất ở các nước này.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng nhà nước, tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán hiện nay đã lên tới 59% (đã loại trừ khách hàng có nhiều tài khoản), có tới 17.558 ATM, 268.813 thiết bị thanh toán thẻ POS/mPOS và các phương thức thanh toán điện tử khác với trên 262 triệu giao dịch. Tuy nhiên, lượng giao dịch chủ yếu vẫn là rút tiền mặt qua ATM, gấp 4 lần số lượng giao dịch các kênh còn lại với giá trị giao dịch gấp 14 lần giá trị giao dịch thanh toán bằng thẻ, chiếm 20% tổng số lượng giao dịch, chiếm 0,6% trong tổng dung lượng thanh toán trong hệ thống ngân hàng.
Thông qua các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy của Ngân hàng nhà nước, ông Hưng cho biết rất nhiều tổ chức trung gian thanh toán đã chính thức thành lập và triển khai đẩy mạnh kết nối để cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đem lại nhiều tiện ích cho người dùng dù phần lớn phục vụ cho các giao dịch trực tuyến.
Bên cạnh đó, với hơn 64 triệu nguời dùng Internet, chiếm gần 70% dân số, là nước thứ 12 trên thế giới về số người dùng Internet, cộng với sự phát triển của mạng di động 4G/5G, ông Hưng cho biết những yếu tố này sẽ hỗ trợ số hóa nền kinh tế, ứng dụng các dịch vụ ngân hàng số. “Việt Nam là thị trường tiềm năm cho vịêc phát triển ngân hàng số, ngân hàng điện tử trong tương lai”.
Tiên phong để trở thành ngân hàng số đáp ứng khách hàng
Trước những cơ hội phát triển, vị lãnh đạo của TPBank cũng cho biết hiện các ngân hàng Việt Nam đang rất tích cực triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt một cách đồng bộ và tổng thể, trong đó, TPBank đang tiên phong trong việc triển khai và ứng dụng công nghệ ngân hàng số tổng thể nhằm tạo ra hệ sinh thái đầy đủ tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng.
Trong vài năm gần đây, TPBank đã chú trọng, đầu tư lớn cho nhân lực, tài chính, công nghệ để triển khai nhiều hoạt động ngân hàng số như là ngân hàng đầu triển khai Live Bank, điểm giao dịch ngân hàng thế hệ mới hiện đại nhất tại Việt Nam, 100% tự hoạt động, hoạt động 24/7 và được hỗ trợ bởi giao dịch viên từ xa qua video. Với mô hình này, khách hàng có thể thực hiện gần như toàn bộ các giao dịch với ngân hàng mà không bị giới hạn bởi thời gian. Khách hàng cũng có thể mở tài khoản, gửi tiết kiệm, nộp, rút tiền như cây ATM bình thường và có thể phát hành thẻ để giao dịch trên tất cả các cây ATM.
Một Live Bank thực tế của TPBank
Ngoài ra, khách hàng có thể nộp tiền vào tài khoản ngân hàng khác, làm các giao dịch thông thường suốt ngày suốt đêm. Live Bank giúp bạn có thể gửi vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng, không gây phiền hà, có thể phân biệt tiền giả, phân loại tiền. Đây sẽ là tương lai của ngân hàng. TPBank đến thời điểm hiện tại đã triển khai 60 máy Live Bank trên toàn quốc. Lượng giao dịch lên đến 1.500 giao dịch/tháng. Máy này khắc phục được khó khăn khi mỗi ngân hàng không được mở quá 5 chi nhánh/năm, khắc phục được các trở ngại, tiết kiệm chi phí và hy vọng sẽ tiếp cận với nhiều khách hàng.
TPBank hiện là ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam triển khai nhiều nhất máy này trên thế giới. Hiện tại, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Mỹ… mới triển khai mỗi nước có vài máy. TPBank dự kiến đến cuối năm sẽ triển khai đạt 100 máy. Thái Lan, Anh Quốc đang muốn học tập kinh nghiệm này của TPBank để tối ưu chi phí, giảm nhân công...
Ngân hàng điện tử cũng là một kênh thanh toán được TPBank quan tâm. Cách đây 3 - 4 năm, TPBank đã tích hợp ngân hàng di động (mobile banking) và ngân hàng Internet (internet banking) vào trong một ứng dụng để triển khai trên nhiều thiết bị, màn hình. Ngân hàng nào cũng sẽ có các dịch vụ tương tự mobile banking, internet banking nhưng TPBank muốn cho tốt, phục vụ khách hàng nhiều hơn nên phải triển khai ứng dụng thân thiện, đáp ứng thanh toán nhanh chóng, chỉ cần vài giây có thể thanh toán được rồi. Các hệ thống này kết nối băng thông rộng cũng cho phép ngân hàng đẩy nhanh thời gian xử lý và thời lượng cho mỗi giao dịch cao hơn.
Ngoài ra, TPBank còn có TPBank mPOS, giải pháp thanh toán thẻ mọi nơi; TPBank mPOS Plus, chấp nhận thanh toán thẻ, ATM, Visa, Marster Card, chạy độc lập bằng SIM 3G hoặc WiFi; TPBank Quickpay là ứng dụng di động và máy tính bảng chạy hệ điều hành iOS, Android cho phép thanh toán và chuyển tiền một cách dễ dàng, nhanh chóng thông qua mã QR (Quick Response).
Các sản phẩm ngân hàng số của TPBank
Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng nhấn mạnh xu hướng ngân hàng số sắp tới rất mạnh. Các công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) sẽ được ứng dụng rộng rãi cho hoạt động ngân hàng đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0. Ngân hàng cần phải hiểu, nắm vững và ứng dụng đầy đủ lợi thế của cách mạng này. Muốn trở thành ngân hàng 4.0, ngân hàng phải ứng dụng các công nghệ nghệ mới kết hợp chuyên môn nghiệp vụ thích hợp.
Với định hướng như vậy, trong thời gian tới khi kỷ nguyên Internet càng bùng nổ với số lượng người dùng Internet ngày càng lớn thì đây là cơ hội để số hóa nền kinh tế số, cũng như ứng dụng các dịch vụ ngân hàng số… Tuy nhiên, sẽ có nhiều ứng dụng công nghệ cao như các ứng dụng cho vay ngang hàng, thanh toán của nhiều công ty, thì cần phải có có các quy định pháp luật đầy đủ cho những việc này.
“TPBank đang cố gắng trong khuôn khổ những gì được phép, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm mang lại lợi ích cho khách hàng. Sắp tới, TPBank sẽ đưa ra những ứng dụng ngân hàng di động mới. Chúng tôi muốn trở thành ngân hàng 4.0, gắn kết chuyên môn nghiệp vụ”, ông Hưng nhấn mạnh.