Hiệp định CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam
Diễn đàn - Ngày đăng : 11:32, 27/04/2018
FTA thế hệ mới hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho các bên
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tại Chile là sự kiện được đón nhận sự quan tâm đông đảo doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề trong và ngoài nước. Với sự tham gia của 11 quốc gia ở hai bờ Thái Bình Dương với mức độ và phạm vi cam kết sâu rộng dẫn đến môi trường và điều kiện kinh doanh toàn cầu nói chung và các quốc gia tham gia Hiệp định CPTPP nói riêng có nhiều thay đổi. Điều này vừa tạo ra cơ hội mới nhưng cũng nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tiếp nối gần như toàn bộ nội dung cam kết của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên CPTPP tiếp tục là một FTA thế hệ mới hơn, với các cam kết mở cửa mạnh mẽ thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư cũng như các tiêu chuẩn cao về quy tắc bao trùm nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, đầu tư, giải quyết tranh chấp, hải quan, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm… Thậm chí, CPTPP còn bao gồm cả những cam kết về các vấn đề vượt ra ngoài qui định của WTO như mua sắm công, lao động, môi trường.
Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam
Thứ nhất, với đặc điểm như vậy, CPTPP dự kiến sẽ mang lại những cơ hội lớn so với các FTA mà Việt Nam đang có hiện tại; tạo ra những lợi thế lớn cho xuất khẩu Việt Nam, với những ưu đãi thuế quan khi tiếp cận thị trường 10 nước đối tác. Lợi thế này là rất đáng kể ở các thị trường mà Việt Nam chưa từng có FTA như Canada, Mexico, Peru.
Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu cũng như thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn. Chắc chắn CPTPP sẽ đem lại nhiều triển vọng khi dòng thuế suất bằng 0%, giúp ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, Newzeland, Australia…
Cũng như dệt may, CPTPP là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu da giày tăng tỉ trọng, tăng cơ hội xuất khẩu sang các nước Chile, Australia, New Zealand, Mexico, Canada…Riêng Nhật Bản, một trong những thị trường chủ lực của ngành xuất khẩu da giày, túi xách Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 20-35%/năm, nếu doanh nghiệp biết tận dụng chặt chẽ các điều khoản từ CPTPP, mức tăng trưởng này sẽ còn cao hơn hiện tại. Hay Canada, áp thuế nhập khẩu 0% cho cả giày da và túi xách ngay lập tức mà không cần lộ trình cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường này.
Đối với Việt Nam, thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ làm tăng sản lượng xuất khẩu lên 4% và nhập khẩu 3,8%. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực giày da, dệt may và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động dường như sẽ nắm bắt tốt các cơ hội thương mại đến từ hiệp định này.
Ước tính gần đây từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) chỉ ra rằng dòng chảy thương mại giữa 11 nền kinh tế tham gia vào hiệp định sẽ tăng 6% đến năm 2030, và các nước thành viên đạt tổng mức thu nhập 157 tỉ USD mỗi năm.
Thứ hai, với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP dự kiến thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời giúp cho cạnh tranh trong nhiều thị trường dịch vụ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong các dịch vụ phục vụ sản xuất sẽ mang lại chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn. CPTPP cũng sẽ tạo ra sức ép thúc đẩy các cải cách mạnh về thể chế kinh tế trong nước, theo các tiêu chuẩn cao về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công. Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế, thông qua CPTPP giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, có thể thu hút được dòng FDI với giá trị lớn hơn và công nghệ cao hơn. Việc tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam tăng GDP thông qua thu hút đầu tư và thương mại với các quốc gia thành viên CPTPP; tăng tốc phát triển xuất khẩu, nhất là với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thực phẩm, đồ uống… sang các nước trong khối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như lao động phổ thông thông qua trao đổi và xuất khẩu lao động… Với việc tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị thông qua hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong khối CPTPP, các thương hiệu Việt Nam cũng có cơ hội nâng tầm và vươn xa.
Thứ ba, thỏa thuận CPTPP còn có ý nghĩa đáng chú ý về mặt ngoại giao. Hiệp định này mở ra một thời kỳ mới với các tiêu chuẩn cao hơn cùng nhiều lợi ích kinh tế, bao phủ các nền kinh tế mới nổi cũng như các nền kinh tế đã phát triển, trải rộng qua 4 khu vực. Đây là một bước tiến lớn cho sự hợp tác quốc tế đa phương và có thể được dùng như một ví dụ điển hình cho các hiệp định khác trong tương lai.
Thách thức Việt Nam phải đối mặt
Bên cạnh những lợi thế, việc thực hiện CPTPP sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, CPTPP thiếu mất một thành viên là Mỹ nên những kỳ vọng mà Việt Nam mong chờ nhất từ thị trường Mỹ về xuất khẩu hàng tiêu dùng và cung ứng dịch vụ là không thành hiện thực. Tác động tích cực của CPTPP đối với Việt Nam vì vậy cũng giảm hơn so với TPP, nhất là cơ hội về thuế quan ở thị trường khổng lồ này.
Thứ hai, theo các chuyên gia kinh tế, để đối mặt với thách thức của CPTPP, Việt Nam cần tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi để tuân thủ và năng lực vận hành để đáp ứng đòi hỏi khắt khe của hiệp định này. Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến hệ thống luật pháp đảm bảo tương thích với vận hội mới, thách thức mới.
Thứ ba, hiệp định CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt, không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước, trên cả 3 cấp độ là sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Những tác động tiêu cực từ những yêu cầu phải mở cửa thị trường mua sắm công, thuế nhập khẩu hay thiếu chiến lược đầu tư hiệu quả, có thể khiến cho lợi ích tổng thể của nền kinh tế bị suy giảm. Quá trình cải cách thể chế trong nước chậm, có thể không bắt kịp với tiến trình chuyển đổi nhanh chóng khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập trong CPTPP, sẽ cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội từ hiệp định mang lại.
Do vậy, để tận dụng cơ hội từ CPTPP, khối doanh nghiệp trong nước phải xây dựng chiến lược dài hạn, liên kết mới có thể giúp nhau tham gia vào chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp lớn dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ vào chuỗi giá trị của mình. Nếu không sẽ mất cơ hội, trước khi các doanh nghiệp nước ngoài vào hưởng lợi tại Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt các cơ hội và kiểm soát thách thức từ CPTPP, đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực thâm nhập và phòng vệ. Để thực hiện được định hướng đó, cần đến sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nội địa thông qua vai trò của các hiệp hội ngành nghề, cũng như những nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi từ chính sách nhà nước, tăng cường thông tin chính sách giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ chính sách pháp luật.
Con đường dẫn đến việc phê chuẩn Hiệp định có thể còn nhiều khó khăn, việc ký kết CPTPP cho chúng ta thấy rằng tự do thương mại vẫn luôn có sức mạnh mang đến những điều tốt đẹp. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Trong quá trình đàm phán CPTPP, Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, đặc biệt là tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 được tổ chức ở Đà Nẵng hồi tháng 11 vừa qua. Những nỗ lực và đóng góp này chứng tỏ vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế, thương mại ở cả châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương./.