e-SIM và IoT: Giải pháp kết nối cho tương lai
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 16:31, 24/04/2018
Cùng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang thay đổi nhanh chóng và lĩnh vực viễn thông cũng vậy. Từ các thiết bị, ứng dụng đến cơ sở hạ tầng mạng, tất cả đều chịu tác động. Trong đó, yếu tố lớn nhất thúc đẩy sự chuyển đổi trong thị trường di động toàn cầu chính là Internet của vạn vật (IoT). Sau nhiều năm dự báo, đến nay công nghệ này đã đến thời điểm chín muồi, thúc đẩy kỷ nguyên “thông minh” của các thiết bị, ô tô, nhà máy, nhà và các thành phố được kết nối.
IoT được thiết lập để thực hiện kết nối lên cấp độ mới. Nó không đơn thuần chỉ là thoại thông minh, máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy tính bảng mà tất cả các thiết bị điện đều có thể tham gia vào giai đoạn tiếp theo của cuộc cách mạng Internet.
Theo dự báo của Gartner, số lượng thiết bị được kết nối sẽ đạt 20,4 tỷ vào năm 2020 và tăng lên 82 tỷ vào năm 2025. Mức đầu tư mà nhà mạng Mỹ Verizon dành cho các thiết bị đầu cuối được kết nối và các dịch vụ có liên quan trong năm 2017 đã lên tới 2 nghìn tỷ USD. Một số nhà phân tích kỳ vọng thị trường IoT sẽ có giá trị lên đến 6 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Trong đó, một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của IoT chính là sự xuất hiện của công nghệ SIM tích hợp hay còn gọi là SIM điện tử (e-SIM). Thay vì bị ràng buộc vào một nhà mạng, e-SIM có thể được tái lập trình để liên kết với các mạng khác, giúp người dùng thay đổi giữa các nhà mạng mà không cần phải thay thế SIM vật lý.
Tương tự như vậy, các thiết bị IoT như bóng đèn thông minh, tủ lạnh, TV đều bị ràng buộc bởi kết nối Wi-Fi. Tuy nhiên điều này sẽ sớm chấm dứt khi tích hợp e-SIM vào các thiết bị IoT, giúp chúng có thể kết nối Internet ngay lập tức. Điều này đặc biệt hữu dụng với những nơi không tiện lắp đặt Wi-Fi. Máy tính xách tay cũng có thể có e-SIM vì nó cung cấp cho người dùng và nhà phân phối cơ hội nâng cấp hay thay đổi thông qua các gói cước dữ liệu linh động.
Ngoài điện thoại thông minh, việc quản lý kết nối di động đối với các thiết bị khác cũng là một thách thức đối với các nhà mạng. Tuy nhiên, với e-SIM và các tiêu chuẩn cũng như yêu cầu kỹ thuật của Hiệp hội thông tin di động toàn cầu GMSA), thách thức này sẽ được giải quyết, giúp đơn giản hóa việc kết nối và mang lại tính linh hoạt cần thiết. Đây là lý do khiến e-SIM được mô tả như là chìa khóa cho phép công nghệ phía sau IoT.
Ông Suresh Kumar, Kỹ sư trưởng cấp cao tại Samsung Electronics, nhấn mạnh: “IoT là tương lai và e-SIM là một thực thể sẽ thúc đẩy sự thành công của IoT”.
Theo tính toán của IMS, sẽ có khoảng 150 triệu thiết bị được kết nối bằng e-SIM vào giữa năm 2018. Và con số này được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ rất lớn, đạt gần 1 tỷ vào năm 2020. Điều này được thúc đẩy không chỉ bởi sự chấp nhận gia tăng công nghệ M2M mà còn bởi sự phát triên của e-SIM trong thị trường tiêu dùng, khi IoT ngày càng tạo ra ngày càng nhiều sự giao thoa giữa các thị trường B2B và B2C. Điều này sẽ mang lại thêm một cơ hội nữa cho các nhà mạng di động. Mỗi thiết bị được kết nối riêng lẻ đều yêu cầu các dịch vụ kết nối, nhiều trong số đó - từ ô tô thông minh đến thiết bị đeo tiêu dùng - yêu cầu kết nối di động, không dây. Và cùng với sự phát triển của các mạng di động 5G, khả năng để cung cấp kết nối liên thông, đáng tin cậy mọi lúc, mọi nơi đang dần trở thành hiện thực. s-SIM và IoT sẽ tạo ra cho các nhà mạng di động khả năng cung cấp các dịch vụ theo nhiều cách khác biệt, từ các dịch vụ dữ liệu đến các dịch vụ thoại truyền thống, giúp họ gia tăng thêm giá trị doanh thu và phát triển các mô hình kinh doanh mới phù hợp với tương lai.