Đoàn thanh niên Bộ TTTT tiên phong trong nắm bắt công nghệ blockchain
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 12:38, 10/04/2018
Blockchain là công nghệ nền tảng, có khả năng giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn của đời sống xã hội, Công nghệ này đang được ứng dụng rất nhiều trong các lĩnh vực khác nhau từ tài chính, ngân hàng, sở hữu trí tuệ đến thực phẩm, sinh học,... Trong các lĩnh vực quản lý của Bộ TTTT, blockchain cũng có nhiều tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực bưu chính, chính phủ điện tử, thành phố thông minh, an toàn thông tin, quản lý tài nguyên Internet…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Chu Thế Tuấn, đại diện Ban thường vụ Đoàn Bộ cho biết: “Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2018, nhằm bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ, đoàn viên thanh niên, từ đó hỗ trợ công tác chuyên môn, Đoàn Bộ TTTT đã tổ chức buổi tọa đàm Công nghệ Blockchain… Ban thường vụ Đoàn Bộ thấy cần thiết phải bồi dưỡng thông tin về tình hình phát triển và ứng dụng của blockchain tới các cán bộ, đoàn viên Bộ TTTT”.
Đồng chí Tuấn nhấn mạnh: “Đoàn thanh niên Bộ TTTT là những cán bộ trẻ, là những người tiên phong trong việc tìm hiểu các công nghệ, thành tựu khoa học mới của nhân loại, từ đó hỗ trợ công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTTT”.
Tại buổi tọa đàm, diễn giả Kimble Ngo, chuyên gia tư vấn về blockchain và diễn giả Lê Xuân Khánh, một trong những người khởi đầu blockchain rấst sớm tại Việt Nam đã trình bày khái quát về nền tảng công nghệ blockchain và ứng dụng. Blockchain hiện đang làm thay đổi nhiều ngành nghề thế giới. Các hãng công nghệ lớn như Apple, Amazon đều chuyển đổi sang blockchain. Công nghệ này được ứng dụng trong lĩnh vực kế toán, giúp công khai hóa và chia sẻ cuốn sổ cái cho mọi người. Facebook và Google hiện là hai hãng lớn nhất sử dụng và bán thông tin cho bên quảng cáo, tuy nhiên việc chia hoa hồng lại không rõ ràng, gây nhiều vướng mắc, tuy nhiên với blockchain mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng và minh bạch hơn. Ngoài ra, blockchain còn giúp xác minh danh tính nhanh và dễ dàng hơn thông qua việc lưu trữ thông tin passport vào một cơ sở dữ liệu chung. Như vậy, rõ ràng blockchain không chỉ được ứng dụng trong tiền số mà còn cho bất kỳ lĩnh vực nào liên quan tới dữ liệu.
Diễn giả Lê Xuân Khánh trình bày tại buổi tọa đàm
Thực tế, các giao dịch ngân hàng hiện nay thường có nhược điểm là tốc độ chậm (thời gian xác minh, chuyển tiền,…) dễ bị lỗi do thao tác của con người, sự cố hệ thống, không thân thiện với người dùng, hệ thống cũ và lỗi thời. Tuy nhiên, tất cả các vấn đề này đều sẽ được giải quyết nếu ứng dụng blockchain. Thậm chí, các rủi ro liên quan tới các hình thức rửa tiền, bảo mật, an ninh mạng, hành vi trộm cắp danh tính và trộm cắp công nghệ cao cũng sẽ được giảm thiểu nhờ công nghệ này. Blockchain có thể hỗ trợ hợp đồng thông minh (smart Contract), tiền số, quản lý thông tin và bảo mật.
Ông Kimble Ngo đánh giá rất cao tiềm năng hệ sinh thái Blockchain ở Việt Nam.
Cũng tại buổi tọa đàm, diễn giả Nguyễn Hoài Nam, chuyên viên Cục ATTT đã trình bày về chính sách quản lý tiền ảo. Theo đó, việc xây dựng khung pháp lý là cần thiết. Hiện tại, trên thế giới, Nhật Bản đã ban hành luật riêng về tiền mã hóa, coi tiền mã hóa là phương tiện thanh toán. Singapore coi tiền ảo là “dịch vụ” cho mục đích đánh thuế và giao dịch tiền mã hóa phải chịu thuế tiêu dùng. Trong khi đó, Trung Quốc lại cấm sử dụng, giao dịch tiền mã hóa, cấm phát hành tiền mã hóa ra công chúng. Còn tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), khung pháp lý về tiền mã hóa đang được xem xét.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tại Việt Nam, trào lưu mua bán, giao dịch, đầu cơ tiền ảo cũng nở rộ. Trên thị trường, nhiều biến tướng của loại tiền này cũng xuất hiện, nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người thiếu hiểu biết nhưng muốn nhanh chóng làm giàu. Để hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTG phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam.
Phát biểu kết luận, đồng chí Hoàng Minh Tiến, Bí thư Đoàn Bộ TTTT cho biết: ”Đoàn thanh niên Bộ TTTT mong muốn tổ chức nhiều hội thảo như thế này để có thêm nhiều thông tin. Quan điểm của Ban thường vụ Đoàn Bộ là đoàn viên thanh niên là những người trẻ nên những công nghệ, xu hướng gì mới thì các cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên cần là những người đầu tiên đi đầu trong việc nắm bắt chúng”.