Lao động, DN Việt Nam cần ứng dụng công nghệ mạnh mẽ để đáp ứng cuộc CMCN 4.0
Diễn đàn - Ngày đăng : 08:40, 29/03/2018
Tọa đàm được Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam, Văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức nhằm giúp người lao động, doanh nghiệp (DN) cơ quan quản lý hiểu đúng về CMCN 4.0; hỗ trợ các nhà quản lý, hoạch định chính sách tìm giải pháp giúp người lao động, thị trường lao động Việt Nam sẵn sàng cho cuộc cách mạng này. Bên cạnh đó, các đại biểu cùng nhau chia sẻ thông tin, tìm ra giải pháp thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam phát triển trong thời đại 4.0; DN Việt Nam nhận ra thách thức, cơ hội trước sự thay đổi công nghệ từ CMCN 4.0.
Toàn cảnh tọa đàm
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu nhận định cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, rộng khắp trên mọi lĩnh vực. Sự xuất hiện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tạo ra các chuyển biến mới trên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Các quốc gia phát triển đã tận dụng ưu thế về công nghệ và vốn để dẫn dắt những thay đổi này. Các nước đang phát triển đang đứng trước thách thức làm thế nào thích ứng với sự thay đổi mang tính bước ngoặt này.
Theo báo cáo gần đây Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đưa ra để đo lường các yếu tố, điều kiện cần thiết chuyển đổi sản xuất, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi sản xuất của 100 quốc gia trên thế giới, Việt Nam có các yếu tố đổi mới sáng tạo công nghệ, giáo dục, chuẩn bị cho CMCN 4.0 đang ở mức thấp.
Ông Trần Chí Dũng, Văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc VCCI cho biết hiện có tới 90% DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, thuộc các lĩnh vực gia công, lắp ráp, chủ yếu sử dụng lao động là trình độ thấp. Thực tế, phần nhiều DN Việt đang trong giai đoạn sử dụng công nghệ 2.0, một số đang ở trong giai đoạn giữa 2.0 và 3.0. 95% DN Việt Nam dùng Internet nhưng 60% trong số đó gặp khó khăn khi ứng dụng Internet vào các hoạt động. Bất cập hiện nay của các DN là không đủ khả năng số hóa, ứng dụng dữ liệu lớn vào phân tích, thiết kế, sâu chuỗi thành những chuỗi giá trị.
Tại Việt Nam, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm tăng cường tiếp cận CMCN 4.0. Việt Nam cũng vừa có chương trình truyền thông đầu tiên về CMCN 4.0 mang tên “Quốc gia số” vừa được Tập đoàn VNPT và VTV phối hợp cũng được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia. Bên cạnh đó, là khá nhiều cuốn sách có nội dung xoay quanh CMCN này cũng được giới thiệu tới công chúng. Tuy nhiên, theo ông Dũng, Việt Nam hiện chưa có cơ sở để nhìn nhận cụ thể, đánh giá CMCN 4.0. Tất cả những gì người dân biết về cuộc cách mạng này đều dựa trên lợi thế hạ tầng Internet, hạ tầng viễn thông của đất nước. CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu đầu tiên là đổi mới công nghệ.
“Theo xu thế chung, ở Việt Nam sẽ có làn sóng đổi mới công nghệ từ DN để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0. Điều này dẫn đến, cầu việc làm công nghệ cao là vô cùng lớn; đồng thời cung lao động phổ thông cũng giảm mạnh”, ông Dũng nhận định.
Trước làn sóng 4.0, lực lượng lao động của Việt Nam đang hình thành các nhóm rõ rệt. Trong đó, lao động trẻ được đào tạo trong các nhà trường có thể hướng tới chuẩn mực 4.0 là thách thức lớn cho ngành giáo dục và đào tạo; lao động 3.0 phục vụ cho các ngành hiện nay, nhóm này có thể nâng cấp trình độ và đáp ứng phần nào CMCN 4.0; nhóm lao động đông đảo 2.0, nhóm này phải đào tạo để chuyển đổi sang các khu vực kinh tế có thể tận dụng, ưu thế, đặc thù truyền thống của Việt Nam, các ngành không chuyên công nghệ.
Phải ứng dụng công nghệ mạnh mẽ để đáp ứng cuộc CMCN 4.0
Tại tọa đàm, bà Đặng Hải Hà, Tổ chức Respect Vietnam đã nhấn mạnh nhiều lần trong tham luận và trao đổi tại tọa đàm cho biết chỉ có thể ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, lao động cũng như DN Việt Nam mới có thể nắm bắt được nhiều cơ hội trên thị trường.
Bà Đặng Hải Hà chia sẻ tại Tọa đàm
Theo nhà tương lai học Thomas Frey đến năm 2030 sẽ có 2 tỷ việc sẽ biến mất. Theo Martin Boehm - IEBS, 80% số công việc trong năm 2025 không tồn tại ngày nay, chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng cho một thế giới mà về cơ bản là không thể chuẩn bị gì cho họ. Trong khi đó, theo một nghiên cứu của McKinsey, việc làm không mất đi mà chuyển từ việc làm truyền thống sang việc làm phi truyền thống với rất nhiều dạng việc làm khác nhau trong cuộc CMCN 4.0.
Để lao động, DN thắng lợi trong cuộc cách mạng này, theo bà Đặng Hải Hà, phụ thuộc vào mức độ ứng dụng công nghệ của quốc gia, của DN. Mức độ ứng dụng công nghệ có thể làm thay đổi quy trình làm việc và tổ chức việc làm tại nơi làm việc; Thay đổi bản chất việc làm; Thay đổi hình thức việc làm. Chẳng hạn, với mức độ ứng dụng công nghệ của người lao động có thể dẫn dắt họ làm việc 8 tiếng tại văn phòng, 9 tiếng đến cơ sở sản xuất hay lái xe Uber. Báo cáo của McKinsey cho hay nếu một quốc gia như Việt Nam ứng dụng công nghệ ở mức vừa phải thì chỉ mất một nửa số việc làm nhưng nếu ứng dụng công nghệ 100% thì số việc bị mất là 100% nhưng đổi lại sẽ tạo ra hơn hàng trăm triệu việc làm mới với những yêu cầu, đặc trưng, kỹ năng công nghệ mà việc làm mới trong cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi.
Chia sẻ thêm về lợi thế khi một DN ứng dụng công nghệ vào riêng lĩnh vực quản trị nhân sự, bà Hà cho biết với một phần mềm quản trị nhân lực hiện đại với các thông tin được nhập, DN có thể biết lao động làm gì trong nhà máy, suy nghĩ gì, mong muốn gì, quan hệ làm việc trong xưởng, trong nhóm công nhân, giám sát đối xử giữa người quản lý và nhân công với nhau… để có thể xử lý các vấn đề có thể xảy ra trong sản xuất.
Dẫn chứng những con số để cho thấy lợi ích của việc ứng dụng công nghệ, bà Hà cho hay: “Một DN có thể phải mất khoảng 100.000 USD mỗi năm chỉ để xử lý các vấn đề xung đột và tranh chấp nếu quản lý theo cảm tính. Tuy nhiên, khi cân nhắc sử dụng một phần mềm quản trị DN với giá 10.000 USD có thể hỗ trợ xử lý các vấn đề trên thì DN có khi lại “lăn tăn”.
Một điểm nữa bà Hà cũng lưu ý đối với lao động, DN Việt Nam là mỗi năm không chỉ ở Việt Nam mỗi người lao động dành 25 - 75% thời gian trong 1 ngày để giải quyết các vấn đề xung đột về các vấn đề lãnh đạo, quản lý, nhân sự…. Điều này “giết chết” hiệu suất lao động. Các công nghệ AI, quản trị nhân sự (BI) hay blockchain sẽ giúp giải quyết xung đột lợi ích tại nơi làm việc một cách hiệu quả.
Công nghệ giúp giải quyết xung đột tại một tổ chức, tăng hiệu suất lao động (Ảnh: Respect Vietnam)
“Con người vẫn là nội dung quản trị khó khăn nhất và robot không thể thay thế quản trị. Từ thực tế này, cần phải ứng dụng công nghệ mạnh mẽ trong DN, tổ chức để đạt những thành tựu”, bà Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo McKinsey, mức độ ứng dụng công nghệ phụ thuộc vào: tính khả thi của công nghệ Chi phí phát triển và ứng dụng công nghệ cho từng ngành nghề; Tính linh hoạt của thị trường lao động (việc làm – thu nhập); Mức độ chấp nhận của thể chế và xã hội; Các lợi ích khác (tăng hiệu suất, làm việc, giảm chi phí hành chính, quy trình…).