Phát huy vai trò của hệ thống truyền thanh cơ sở trong công tác truyền thông về y tế

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 14:47, 29/12/2017

Những năm qua, Nam Định hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy tốt vai trò trong thông tin kịp thời về hoạt động của địa phương và công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp; phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào thi đua; phổ biến kiến thức liên quan đến sản xuất và các lĩnh vực đời sống, trong đó có truyền thông về y tế.

20180118-l3.jpg

Nam Định phát huy vai trò của hệ thống truyền thanh cơ sở

Hệ thống truyền thanh trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đảm bảo phủ sóng đến 100% các thôn, tổ dân phố với 151 đài (chiếm 66,2%) truyền thanh hữu tuyến (truyền thanh có dây) với 1.450,95 km đường dây, 77 đài (chiếm 33,8%) truyền thanh vô tuyến (truyền thanh không dây phát sóng FM). Thời gian phát sóng trong ngày của hệ thống truyền thanh cơ sở chủ yếu là 03 buổi/ngày (sáng, trưa, chiều), không kể các buổi phát sóng đột xuất theo chỉ đạo, điều hành của địa phương trong trường hợp cần thiết. Thông tin trên hệ thống truyền thanh cơ sở tập trung vào các nội dung: phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; hoạt động sản xuất nông nghiệp; các hoạt động y tế; công tác giáo dục, an ninh trật tự của địa phương… Đối với truyền thông về y tế, các chương trình phát thanh chủ yếu thông tin về lịch tiêm chủng, tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Có thể nói, truyền thanh cơ sở tuy chỉ là một kênh truyền thông nhưng nó có một ưu thế riêng mà các kênh truyền thông khác không có được, đó là: Đây là phương tiện truyền thông quen thuộc, đã gắn bó với người dân, nhất là khu vực nông thôn hơn 60 năm trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống; Việc phát thanh trên các cụm loa truyền thanh đặt ở khu dân cư khiến người dân có thể vừa lao động sản xuất, vừa nắm bắt kịp thời thông tin của địa phương.

Nội dung của truyền thanh cơ sở liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, cộng đồng trong một phạm vi nhất định. Thông tin có thể đến với người dân một cách nhanh nhất, cụ thể nhất. Cơ sở hạ tầng của hệ thống truyền thanh cơ sở đã được xây dựng rộng khắp, hoạt động khá ổn định trong nhiều năm; hoạt động theo cơ chế bán chuyên trách, phụ trách đài có 02 cán bộ gồm: 01 trưởng đài phụ trách nội dung, biên tập chương trình, 01 nhân viên phụ trách kỹ thuật.

Thực tế cho thấy, hoạt động truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở khá hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chinh sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào của địa phương; động viên mọi nguồn lực của địa phương trong xây dựng nông thôn mới và triển khai các hoạt động liên quan đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt với các thông tin thuộc lĩnh vực y tế  như: dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân… được triển khai hiệu quả trên hệ thống này.

Tuy nhiên, những năm qua, hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở cũng bộc lộ khá nhiều khó khăn, làm hạn chế hiệu quả hoạt động truyền thông. Mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp, nhưng nhìn chung trang thiết bị của các đài truyền thanh xã, phường, thị trấn đã xuống cấp, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Hệ thống loa truyền thanh đã cũ, liên tục bị sự cố do hư hỏng, mất điện lưới, chất lượng âm thanh kém nhưng không được khắc phục kịp thời. Việc duy tu, bảo dưỡng chưa được làm thường xuyên, chi phí sửa chữa vượt quá khả năng kinh phí của xã, phường, thị trấn. Đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở rất yếu và thiếu, không được đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, cán bộ truyền thanh cơ sở là cán bộ bán chuyên trách nên luôn thay đổi và kiêm nhiệm các công việc khác, vì vậy chất lượng hoạt động chưa cao. Thông tin trên hệ thống truyền thanh cơ sở vẫn còn nghèo nàn do chưa có sự phối hợp, cung cấp thông tin của các cơ quan chuyên môn thuộc các lĩnh vực.

Một câu hỏi đặt ra là, để phát huy hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở trong công tác truyền thông nói chung và truyền thông về y tế nói riêng thì cẩn phải làm gì và làm như thế nào? Đây là trăn trở không chỉ của ngành Thông tin và Truyền thông, ngành Y tế mà cả chính quyền các địa phương. Bởi lẽ, cơ sở hạ tầng đã sẵn có, nhu cầu truyền thông về y tế đang rất cần và nếu truyền thông về y tế tốt sẽ góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để giải quyết câu hỏi nêu trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở cả về cơ sở vật chất và con người. Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nêu rõ: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng có nhiều khó khăn”; đồng thời đề ra nhiệm vụ “Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho mọi vùng nông thôn, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo”. Ngày 18/01/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thông tin và truyền thông nông thôn giai đoạn 2011 – 2020”, trong đó mục tiêu nêu rõ: “Bảo đảm hầu hết các hộ gia đình khu vực nông thôn nghe và xem được các chương trình phát thanh, truyền hình phuc vụ nhiệm vụ chính trị thông tin, tuyên truyền thiết yếu”. Như vậy, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở đã rất rõ, cần phải được chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở cũng cần được đẩy mạnh và làm thường xuyên. Việc bồi dưỡng, tập huấn cần đi theo chuyên đề và có sự hỗ trợ kinh phí từ các ngành (VD: tập huấn công tác truyền thông về y tế thì có sự tham gia, hỗ trợ từ ngành y tế).

Thứ hai, truyền thông về y tế khác với các ngành khác, trong khi các ngành khác tập trung tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đó, với ngành y tế, còn phải truyền thông dự phòng, xử lý rủi ro, nguy cơ về sức khỏe và bệnh tật nhằm thay đổi để đạt hành vi tích cực. Thông qua thông tin, tuyên truyền, nhiều thành tựu ngành y tế đã đến gần hơn với người dân; các dịch bệnh sớm được cảnh báo về nguy cơ và phổ biến cách phòng chống; các thành tựu khoa học công nghệ người dân đã biết đến, được tiếp cận từ tuyến dưới; các chính sách y tế đi vào cuộc sống... Do các thông tin về y tế ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nên người dân hết sức quan tâm. Bằng hệ thống truyền thanh, những thông tin về lĩnh vực y tế có thể đến với người dân nhanh nhất, chính xác nhất. Nhưng, để truyền thông hiệu quả thì việc cung cấp thông tin từ ngành y tế các cấp là vô cùng quan trọng. Việc cung cấp thông tin cần phải được thực hiện một cách chủ động để tăng cường tác động của truyền thông trong nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng.

Thứ ba, chất lượng, nội dung, hình thức thể hiện của các chương trình phát thanh về y tế trên hệ thống truyền thanh cơ sở cần được đổi mới thường xuyên, có đánh giá hiệu quả truyền thông hướng đến các đối tượng truyền thông. Nội dung thông tin càng ngắn gọn, xúc tích, hình thức thể hiện dễ hiểu, dễ tiếp thu, chất lượng âm thanh, biểu cảm của người đọc cũng góp phần quan trọng thu hút sự chú ý của người nghe. Để làm được điều đó, rất cần một cơ chế phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Thông tin và Truyền thông để động viên được nguồn lực nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở trong thời gian tới./.

TS. Vũ Trọng Quế