Công tác truyền thông tốt sẽ góp phần giảm áp lực cho ngành Y tế
Diễn đàn - Ngày đăng : 14:39, 29/12/2017
Báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về chăm sóc sức khở cho đồng bào dân tộc, vùng núi, vùng sâu, vùng xa
Hiện nay thông tin về y tế được chuyển tải đến cộng đồng thường được thể hiện dưới các nội dung sau:Thông tin nhằm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; Thông tin chỉ dẫn về tình hình dịch bệnh và cách phòng chống dịch bệnh; Thông tin chỉ dẫn về thành tích y học, kỹ thuật cao trong điều trị; Thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc, mỹ phẩm an toàn, hợp lý và chỉ dẫn về các bài thuốc y học cổ truyền; Thông tin chỉ dẫn về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý; Thông tin về các “sự cố”, tai biến y khoa trong các lĩnh vực tiêm chủng, ngoại khoa, nhi khoa, sản khoa; Thông tin về những hy sinh thầm lặng của thầy thuốc (tuy không có nhiều tin, bài)...
Trong thời gian qua, đặc biệt khoảng 3 năm trở lại đây, không ai có thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của ngành y tế trong việc giảm tải, cải cách thủ tục hành chính, phòng chống dịch bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, áp dụng kĩ thuật tiên tiến, đưa vào sử dụng nhiều công trình khám chữa bệnh khang trang to đẹp... Những kết quả tích cực được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và nhân dân ghi nhận.
Với vai trò cầu nối giữ ngành y tế và nhân dân, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền sâu rộng những kết quả đó đến với cộng đồng, đồng thời phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về y tế. Bên cạnh đó, báo chí cũng là kênh phản biện hiệu quả các thông tin y tế chưa chính xác mà gần đây nhất là câu chuyện về hiệu quả, chất lượng của vắc xin Quinvaxem... để cộng đồng có cái nhìn đầy đủ, đúng hơn về vai trò của vắc xin này.
Bởi vậy hơn lúc nào hết việc vai trò của việc cung cấp thông tin về y tế đến với cộng đồng của báo chí nói chung ngày càng trở nên cần thiết. Thực tế, hiện nay các kênh cung cấp thông tin của ngành y tế cho cộng đồng đã rộng hơn, đa dạng hơn và các đơn vị chức năng của ngành thời gian qua đã chủ động thông tin cho báo chí qua các kênh như gửi thông cáo báo chí, đăng tải thông tin trên trang web của đơn vị, tổ chức họp báo, hội nghị, hội thảo… Lĩnh vực y tế là một lĩnh vực khá “nhạy cảm” nên bị cộng đồng “soi” nhiều hơn. Do đó, thiết nghĩ ngành y tế cũng cần có những thay đổi trong việc thông tin truyền thông về những hoạt động của ngành để cho cộng đồng hiểu và chia sẻ với ngành.
Hiện nay vấn đề phòng chống dịch bệnh, chất lượng dịch vụ y tế, quá tải bệnh viện, chất lượng thuốc, vắc xin, đặc biệt là tai biến y khoa... luôn được cộng đồng quan tâm vì vậy để cộng đồng hiểu hơn về những vấn đề này, ngành y tế cần chủ động có những kế hoạch thông tin, truyền thông dài hạn, cụ thể, thường xuyên nhằm định hướng nội dung thông tin cho báo chí, không quá “chạy” theo sự vụ mà nên chủ động cung cấp thông tin theo kiểu định hướng dư luận,phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Bên cạnh đó, hiện nay, ngành y tế đã có quy chế phát ngôn thông tin, nhưng trên thực tế không phải mỗi khi có sự kiện gì xảy ra liên quan đến các lĩnh vực cụ thể của ngành y tế, báo chí đều nhận được câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng để cung cấp thông tin cho bạn đọc. Bên cạnh đó, mặc dù lãnh đạo Bộ Y tế đã có chỉ thị, yêu cầu các cơ sở y tế chủ động cung cấp thông tin về những hoạt động của đơn vị, đặc biệt là những kỹ thuật mới, ca bệnh hay… nhưng hiện nay dường như mới chỉ thực hiện ở các bệnh viện lớn.
Vẫn còn nhiều bệnh viện, nhất là tuyến dưới vẫn chưa chủ động cung cấp thông tin ngay trên chính trang web của đơn vị; tại một số đơn vị của ngành y tế, phóng viên muốn viết chân dung về bác sĩ tốt, bác sĩ giỏi cũng phải xin ý kiến lãnh đạo đơn vị và nhiều bác sĩ không dám để báo chí viết chân dung về mình vì ngại... Do đó, ngành y tế cần yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thực hiện đúng quy chế phát ngôn cho báo chí, tránh để báo chí tự tìm thông tin, dễ dẫn đến việc thông tin thiếu tính chính xác, khách quan. Đồng thời xem xét bỏ những thủ tục rườm rà đối với báo chí như đã có thẻ nhà báo vẫn yêu cầu có thêm giấy giới thiệu và nên chủ động “khoe” cái tốt của mình ra…
Thực tế hoạt động báo chí thời gian qua cũng cho thấy, vẫn còn tình trạng một số bài báo thông tin chưa chính xác về các hoạt động của ngành, thông tin một chiều về các sự cố y khoa. Do vậy, thiết nghĩ ngành y tế cũng chủ động phản hồi lại với các tòa soạn báo chí về những thông tin chưa chính xác liên quan đến hoạt động của ngành để báo chí kịp thời có sự điều chỉnh thông tin, tránh gây hiểu nhầm cho dư luận..
Ngoài ra, hiện nay các cơ quan báo chí thường cử, phân công phóng viên chuyên trách theo dõi các lĩnh vực. Y tế là một lĩnh vực chuyên ngành, chuyên môn sâu, do đó ngành y tế cũng nên thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho đội ngũ phóng viên theo dõi y tế, tránh tình trạng thông tin chuyển tải sai lệch bản chất, dung từ sai chuyên ngành.
Để chủ động, Bộ Y tế nên tổ chức các cuộc giao ban với báo chí hàng tháng, hàng tuần để có thể kịp thời giải đáp những vấn đề nóng dư luận đang đặt ra. Khi công tác truyền thông tốt sẽ góp phần giảm áp lực cho ngành Y tế cũng như góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội tốt hơn.