Truyền thông điều chỉnh giá viện phí với đối tượng chưa tham gia BHYT
Diễn đàn - Ngày đăng : 14:35, 29/12/2017
Các y bác sĩ ân cần khám và tư vấn cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai
Trước hết, có thể khẳng định thực hiện “BHYT toàn dân” là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo cho toàn bộ người dân được thụ hưởng chế độ chăm sóc y tế khi ốm đau, bệnh tật. Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đến năm 2020 của Chính phủ chính là một trong những chủ trương, giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực y tế theo phương châm giảm bao cấp cho đơn vị trực tiếp cung cấp dịch vụ và chuyển sang cho người sử dụng dịch vụ thông qua hệ thống BHYT, như vậy sẽ công bằng hơn đối với người bệnh, đặc biệt hướng đến nhóm người bệnh được Nhà nước quan tâm như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công với Cách mạng, gia đình chính sách, đặc biệt đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ có lợi cho cả người cung cấp dịch vụ và người dân.
Theo đó, từ tháng 3/2016 đến nay, viện phí đã có 2 lần điều chỉnh tăng đối với nhóm người bệnh đã tham gia BHYT và dự kiến sẽ điều chỉnh với nhóm người bệnh chưa tham gia BHYT vào đầu năm 2017. Trong khi đó, theo số liệu của cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước hiện còn hơn 20% dân số chưa tham gia BHYT nên việc điều chỉnh viện phí lần này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của người bệnh mỗi khi đau ốm. Với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, chính sách BHYT được coi như chiếc “phao cứu sinh” cho người bệnh, góp phần giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là những người bệnh nghèo. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào cho vấn đề này?
Tại khoa Hồi sức tích cực (HSTC) thường xuyên có hàng chục bệnh nhân “thập tử nhất sinh”. Các bệnh nhân vào đây đều rất nặng, thường là shock nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tổn thương tim phổi, suy gan cấp… nên phải tiến hành lọc máu, dùng kháng sinh đặc trị, thậm chí phải dùng đến cả kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), mỗi ngày chi phí điều trị lên tới vài chục triệu đồng. Theo ước tính, ở khoa HSTC trung bình hiện nay còn khoảng 25% bệnh nhân không có thẻ BHYT, mà rất nhiều người ở ranh giới giữa nghèo và cận nghèo, gia đình không có tiền tích lũy, chỉ cần 1 người ốm nặng sẽ khiến cả nhà xuống dốc không phanh, nghèo hóa vì bệnh tật.
Với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính thì BHYT đúng là chiếc “phao cứu sinh” không thể phủ nhận. Theo đại diện của Khoa Thận nhân tạo, bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo thường được ví von là căn bệnh của những nhà giàu bởi chi phí điều trị rất lớn, kể cả người giàu cũng sẽ trở nên nghèo khó nếu mắc bệnh lâu dài. Nếu không có BHYT, nhiều bệnh nhân sẽ bỏ điều trị, chấp nhận cái chết vì không có tiền chi trả. Hiện nay, Khoa Thận nhân tạo có trên 600 bệnh nhân, đa số bệnh nhân đều đã tham gia BHYT, rất ít trường hợp vào cấp cứu mới.
Thực tiễn cho thấy, BHYT là loại hình bảo hiểm “lúc khỏe mua để tích lũy cho lúc ốm”, nhưng không ít người dân Việt Nam đến lúc ốm mới đi mua BHYT. Đại diện của phòng Công tác xã hội cho biết, nhiều gia đình tuy không phải hộ nghèo, nhưng vẫn lần lữa không mua BHYT. Sau hơn 1 năm thành lập, Phòng đã phải kêu gọi trợ giúp cho hơn 30 bệnh nhân bị bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn, vì không tham gia BHYT nên không lo được viện phí, với tổng số tiền hỗ trợ lên đến hơn 3 tỷ đồng. Rất buồn khải kể đến cả những người ở ngay Hà Nội, cả những sinh viên, họ cho rằng mình khỏe mạnh, không ốm, hoặc có ốm cũng chỉ cảm cúm, mất 200.000 - 300.000 đồng tiền khám, tiền thuốc.
Những năm qua, các hoạt động truyền thông Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai chuẩn bị cho đợt tăng giá với đối tượng chưa tham gia BHYT, cụ thể: Phổ biến chủ trương sẽ điều chỉnh giá viện phí với đối tượng chưa tham gia BHYT tới toàn thể cán bộ viên chức của Bệnh viện trong các buổi giao ban toàn Bệnh viện và giao ban của các đơn vị; Xây dựng công văn thông báo, hướng dẫn; Trả lời, giải quyết những vướng mắc, hỗ trợ việc triển khai tới từng ĐV; Bộ phận truyền thông của Bệnh viện trích lục các bài báo và đăng trên website bệnh viện về chủ trương này để phổ biến tới người dân: “Ôm hận vì không có BHYT”; “Khi có BHYT chống lưng”, “Nhiều đối tượng dễ nghèo hóa nếu không có BHYT cùng chi trả”…
Đồng thời, hỗ trợ nhiều phóng viên các báo/kíp truyền hình (Dân Việt, Tuyền hình TTXVN, báo Sức khỏe đời sống, Đài VOV, Đài VTV, Chuyển động 24h, Dân trí, Vnexpress….) vào Bệnh viện để phỏng vấn Phó giám đốc, Lãnh đạo 1 số đơn vị liên quan (Thận nhân tạo, Thận tiết niệu… lấy tin, viết bài tuyên truyền về chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng tính đủ và những lợi ích mà bệnh nhân được hưởng…
Bên cạnh đó, Tổ trợ giúp - Phòng Công tác xã hội: Tuyên truyền giải thích, phân tích cho người bệnh về chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ; Vận động người bệnh tham gia BHYT để được khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn (Lồng ghép vào buổi sinh hoạt các Câu lạch bộ bệnh nhân)…
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, Bệnh viện Bạch Mai vẫn gặp phải một số khó khăn, tồn tại như:Nhận thức của người dân về BHYT còn chưa đầy đủ cùng với tập quán, thói quen tự chữa bệnh, dịch vụ y tế chưa phát triển và điều kiện kinh tế còn khó khăn... dẫn đến tình trạng khi có bệnh người dân thường mua thuốc để điều trị tại nhà, nhiều người chỉ tham gia BHYT khi bản thân họ bị bệnh nặng. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn của các ngành, các cấp chưa được thường xuyên, chưa bám sát đối tượng, chưa phủ khắp được mọi địa bàn và chưa thực sự hiệu quả; Thủ tục mua BHYT còn rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đăng ký tham gia BHYT; đôi khi có những sai sót thông tin cá nhân trên thẻ, khi người bệnh đi khám sẽ gặp khó khăn…
Mặt khác, chất lượng khám chữa bệnh tại các địa phương ở tuyến cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, chưa tạo được niềm tin cho người dân khi sử dụng dịch vụ có tham gia BHYT; Người dân khi tham gia BHYT đi khám chữa bệnh phải tuân thủ nhiều thủ tục rườm rà (CMTND, bản photo thẻ BHYT…); họ chưa được hướng dẫn cụ thể việc chuẩn bị các thủ tục, giấy tờ tùy thân kèm theo nên khi đến các cơ sở y tế họ phải chờ đợi, khó khăn gây ùn tắc thêm quá tải đặc biệt tại các BV tuyến cuối…
Để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị:Bộ TT&TT tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có thể hiểu được tính ưu việt của BHYT và tự nguyện tham gia, tăng tỷ lệ bao phủ của BHYT tới toàn dân. Cần tập trung vào những băn khoăn của người bệnh như thủ tục và quy trình khám chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh được BHYT chi trả bao gồm những gì; người bệnh sẽ được hưởng lợi gì khi có BHYT, thủ tục để được tham gia BHYT. Nên làm tốt nội dung truyền thông BHYT ngoài cộng đồng…
Song song với đó cần nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bằng BHYT, trong đó bao gồm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT; đầu tư trang thiết bị, xây dựng, cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế tuyến dưới… Đặc biệt, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia BHYT cũng như tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; Rút ngắn lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh.
Đồng thời, Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng nguồn kinh phí phối hợp, mở rộng địa bàn tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình theo qui định mới của Luật BHYT. Và có sự phối hợp thống nhất trong hệ thống truyền thông các cấp với truyền thông thông tại các cơ sở khám chữa bệnh, cả về nội dung, hình thức, nguồn lực dành cho hoạt động truyền thông, tuyên truyền tới người dân…