Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân: Những dấu mốc sau 5 năm thực hiện 2012 – 2016
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:40, 21/12/2017
Người đã đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào Phong trào “Vệ sinh yêu nước”. Triển khai Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (VSYN NCSKND) trong thời điểm hiện nay không chỉ nhằm hưởng ứng lời kêu gọi về “Vệ sinh yêu nước” của Bác mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với việc hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chương trình xây dựng nông thôn mới do Bộ Chính trị phát động.
Ngày 14/12/2017, tại Vĩnh Phúc, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã tổng kết đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Phong trào VSYN NCSKND giai đoạn 2012-2016 và kế hoạch hoạt động giai đoạn 2017 - 2021.
Trong 5 năm (2012-2016), Ủy ban nhân dân 63/63 tỉnh/thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế, phối hợp với các Sở, Ban ngành và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh tổ chức hơn 100 buổi mít tinh phát động hưởng ứng Phong trào VSYN NCSKND với các chủ đề khác nhau về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, như: Cộng đồng chung tay xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; Vệ sinh là yêu nước; Chung tay phòng chống dịch bệnh nâng cao sức khỏe nhân dân; Hành trình triệu bàn tay sạch hưởng ứng Phong trào VSYN NCSKND.
Cán bộ y tế dự phòng tuyên truyền về công tác vệ sinh cho bà con tại Trà Vinh.
Các tài liệu hướng dẫn, truyền thông với nội dung về về vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân được gửi về các tỉnh, thành phố và tổ chức phát các phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng VTV1, VTV5, VTV8, VTV9, VOV giao thông.
Các tỉnh thành đã tổ chức nhiều lớp hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ ngành y tế và các ban ngành, tổ chức đoàn thể liên quan, để triển khai các hoạt động của phong trào VSYN NCSKND. Nội dung các lớp tập huấn rất đa dạng và phong phú, như: Tập huấn kiến thức về VSATTP cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống; đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại cộng đồng và các bếp ăn tập thể, bán trú; Kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại tuyến xã; Công tác giám sát chất lượng nước cho các cơ sở cấp nước sinh hoạt nông thôn; Tập huấn truyền thông cho cộng tác viên tuyến xã; Hướng dẫn kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế và phụ nữ...
Trạm y tế (TYT) là một trong những cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đóng vai trò quan trọng trong công tác y tế dự phòng. Nhiệm vụ xây dựng và đưa vào sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các TYT là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong phong trào vệ sinh môi trường. Tính chung toàn quốc, tỷ lệ TYT có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, được quản lý và sử dụng tốt tăng từ 84,2% năm 2012 lên 94,4% năm 2016. Nổi bật trong số các tỉnh, thành này là hai tỉnh Đăk Nông và Lạng Sơn, mặc dù xuất phát từ thực trạng khá khiêm tốn năm 2012 (lần lượt tỷ lệ TYT có nhà tiêu hợp vệ sinh là: 21,13%; 29,20%) nhưng nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, năm 2016 tỷ lệ này đã tăng nhanh lần lượt đạt 96,40% và 81,40% vượt quá tiêu chí đề ra (80%). Chất lượng nhà tiêu của TYT dần được cải thiện tại hầu hết các tỉnh. Tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh TYT tăng từ 84,19% năm 2012 (trên tổng số 50 tỉnh có báo cáo) lên 94% năm 2016.
5 năm qua, phong trào VSYN NCSKND đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự tham gia phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể. Các địa phương đã chủ động lồng ghép triển khai các hoạt động của phong trào. Mục tiêu trong giai đoạn 2017-2021, phong trào sẽ tăng cường sự tham gia phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác vệ sinh nâng cao sức khỏe; tăng cường các hoạt động về vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh trong cơ sở y tế và nơi làm việc, vệ sinh chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước và của dân tộc Việt Nam thế kỷ 21.