Thúc đẩy các doanh nghiệp CNTT Việt – Hàn hợp tác phát triển công nghệ VR
Diễn đàn - Ngày đăng : 11:48, 20/12/2017
Ngày 19/12 năm 2017, Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về Hợp tác phát triển ngành công nghệ thực tế ảo giữa VINASA và Hiệp hội Ngành công nghiệp thực tế ảo Hàn Quốc (Korea Virtual Augmented Reality Industry Association - KOVRA). Đây là một trong các hoạt động thúc đẩy hợp tác về Công nghệ thông tin giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc,
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) hoan nghênh sự hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp 2 nước trong lĩnh vực thực tế ảo. Ông cho rằng, sự hợp tác này tạo ra hình mẫu tốt để phát triển những hệ sinh thái VR của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển hạ tầng trong đó chú trọng đến các sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thực tế ảo là một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Những công nghệ như tương tác thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) đã được áp dụng trong sản xuất ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, để nâng cao hiệu quả trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, lấy ý kiến của người dùng cuối...
Ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT
Thực tế ảo (Tiếng anh là Virtual Reality, viết tắt là “VR”) là ngành công nghệ cho phép người dùng tương tác với thế giới ảo một cách chân thực. Ví dụ khi người dùng đeo thiết bị kính thực tế ảo và nhìn xung quanh, người đó sẽ có cảm giác như mình đang lặn dưới lòng biển. Do đó các dịch vụ ứng dụng công nghệ thực tế ảo chủ yếu sử dụng Kính thực tế ảo “HMD (Head Mounted Display)” dạng kính bảo hộ, che toàn bộ tầm nhìn của người dùng.
Tương tác thực tế ảo (Tiếng anh là Augmented Reality, viết tắt là “AR”) và Thực tế ảo VR được coi là 2 công nghệ chủ chốt của thời đại cách mạng công nghệ 4.0, trong tương lai có triển vọng ứng dụng vô cùng đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua việc phát triển và sản xuất nội dung.
Ông Jong Hyuk Lee, Phó vụ trưởng Vụ Nội dung số thuộc Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc, nhận định: Thực tế ảo là lĩnh vực mà bất cứ quốc gia nào cũng cần làm chủ bởi công nghệ này không chỉ bó hẹp trong ngành game, giải trí mà còn lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, y tế...
Ông Jong Hyuk Lee, Phó vụ trưởng Vụ Nội dung số thuộc Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc
Đại diện VINASA cũng cho biết, để bắt kịp xu hướng công nghệ thế giới, ngành công nghiệp phần mềm và IT của Việt Nam cũng đang từng bước xây dựng nền tảng công nghệ, nhân lực, thông qua các mối quan hệ hợp tác, tài trợ dành cho ngành công nghiệp đặc biệt này. Việc từng bước phát triển hạ tầng công nghệ cũng như nguồn nhân lực phù hợp với xu thế công nghệ mới là hướng đi đúng thông qua hợp tác với các công ty công nghệ tiên tiến
Đại diện KOVRA và VINASA ký kết biên bản hợp tác
Thông qua Lễ ký kết MOU lần này, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc về công nghệ thực tế ảo sẽ khởi đầu bằng sự ra mắt Rạp trải nghiệm thực tế ảo (Do công ty 3D Factory của Hàn Quốc vận hành).
Đại diện công ty 3D Factory của Hàn Quốc
Tọa lạc lại Tầng 5 tòa nhà Lotte Center Hà Nội, 54 Liễu Giai, Rạp trải nghiệm thực tế ảo sẽ mang đến cho người dân thủ đô nói chung và tầng lớp thanh thiếu niên đam mê giải trí công nghệ nói riêng cơ hội trải nghiệm công nghệ Thực tế ảo tiên tiến của thế giới và được kỳ vọng sẽ khơi gợi đam mê, hứng thú cho giới trẻ Việt Nam đối với ngành công nghiệp sản xuất nội dung.
Các đại biểu tham dự cắt băng khai trương Rạp trải nghiệm Thực tế ảo
Đặc biệt, Rạp trải nghiệm Thực tế ảo ra mắt sẽ cho phép người dùng trải nghiệm nhiều công nghệ cùng một lúc như HMD, Haptic, streaming… được ứng dụng trong Game thực tế ảo và Phim thực tế ảo.
Các vị khách mời trải nghiệm các trò chơi tại Rạp trải nghiệm Thực tế ảo ra
Theo nghiên cứu của ABI Research dự báo về tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) của các loại thiết bị thực tế ảo từ năm 2014 đến 2020 đạt 128%. Ngoài ra, số lượng thiết bị thực tế ảo di động có thể đạt 25 triệu đơn vị trong năm 2020. Trong giai đoạn đầu phát triển của ngành công nghiệp Thực tế ảo tại thị trường Việt Nam, sự ra mắt của Rạp trải nghiệm Thực tế ảo sẽ giúp bước đầu hình thành thị trường, tạo ra mối quan tâm và nhu cầu đối với ngành công nghệ non trẻ này, hướng đến triển vọng trong tương lai phát triển ngành kinh doanh không gian trải nghiệm thực tế ảo offline của người dân, hình thành mạng lưới sinh thái Thực tế ảo – Tương tác thực tế ảo.