Quý I/2018, MobiFone triển khai IPv6 cho thuê bao 4G
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:50, 14/12/2017
Toàn cảnh buổi làm việc
Theo MobiFone, tháng 12/2016, MobiFone đã hoàn thành triển khai chính thức IPv6 cho MobiFone Portal. Khách hàng truy cập MobiFone portal bằng IPv6 chiếm 3 - 5% lưu lượng. Trong năm 2017, MobiFone đã hoàn thành thử nghiệm triển khai các kịch bản cung cấp IPv6 cho mạng CNTT. Tháng 5/2017 đã tiến hành thử nghiệm thành công cung cấp IPv6 cho thuê bao 4G.
Đối với thiết bị, MobiFone đã nâng cấp phần mềm trên các thiết bị IPBB, PS Core, thay thế thiết bị cũ trên mạng IPBB, cập nhật phần mềm trên hệ thống firewall, máy chủ dịch vụ gia tăng giá trị. Tính đến thời điểm hiện tại độ sẵn sàng đáp ứng triển khai IPv6 cho thiết bị PS Core, IPBB, CNTT, tính cước đạt 100%. Các tính năng hỗ trợ IPv6 đã được triển khai trên các thiết bị IPBB trong mạng Metro.
MobiFone cũng đã phối hợp với Cisco lên phương án triển khai IPv6 toàn diện trên mạng MobiFone, hoàn thành triển khai hệ thống Google Cache và Facebook Cache sử dụng IPv6 (chiếm 70% lưu lượng data của MobiFone). Tháng 1/2018, Tổng công ty sẽ hoàn thành kết nối IPv6 peering với Google và Facebook. Hiện nay, MobiFone đã ban hành quy định quản lý IP, cấp phát IPv6 cho các đơn vị, thực hiện đào tạo chuyển giao các kiến thức cơ bản và nâng cao về IPv6 cho đội ngũ nhân viên…
Theo kế hoạch, Quý I/2018, MobiFone sẽ chính thức cung cấp IPv6 cho khách hàng sử dụng mạng 4G. Quý IV/2018, triển khai chính thức các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền IPv6.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, lưu ý MobiFone thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến bắt buộc phải triển khai IPv6 theo Thông tư số 32 do Bộ TTTT ban hành ngày 15/11/2017.
Tiếp theo các thành viên của Ban công tác đã chia sẻ nhiều thông tin, xu thế, kỹ thuật trong triển khai IPv6 trên thế giới và Việt Nam. Theo đó, MobiFone nên quan tâm đến việc triển khai thuần IPv6 cho mạng 4G LTE thay cho mạng 3G và dual stack bởi đây là xu thế của các nhà mạng trên thế giới để giảm các công tác quản lý vận hành, chi phí… Trong quá trình triển khai thuần IPv6 thì lưu ý luôn luôn giám sát hiệu suất, có những chiến lược thích ứng.
Một điểm nữa được các thành viên Ban công tác lưu ý là IPv6 có thể giúp nhà mạng này theo dõi, phân tích được hành vi của khách hàng để có thể giúp kết nối, đáp ứng khách hàng mà IPv4 không thể hỗ trợ. Hiện nay, Apple đã yêu cầu 100% game, ứng dụng phải hỗ trợ IPv6, nên MobiFone cũng cần lưu ý để triển khai IPv6 cho mảng nội dung.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Trần Minh Tân đánh giá cao việc MobiFone đã bám sát lộ trình triển khai IPv6 quốc gia. Về một số công tác trong thời gian tới, ông Tân lưu ý MobiFone tiếp tục đẩy mạnh triển khai IPv6 trong nội bộ Tổng công ty để rút kinh nghiệm triển khai rộng cho khách hàng, đảm bảo sự chuyển đổi IPv4 sang IPv6 thành công. “Điểm mấu chốt là MobiFone phải chuyển đổi sang IPv6 cho khách hàng, thuê bao 4G theo đúng lộ trình đã đề ra”, ông Tân nhấn mạnh.
MobiFone cũng cần quan tâm xây dựng hệ thống tên miền (DNS) riêng bởi việc này cũng đơn giản, có thể tận dụng máy móc có sẵn. Ngoài ra, MobiFone cũng cần tăng cường kết nối peering, các website, game, dịch vụ nội dung phải hỗ trợ IPv6. Theo phân tích của ông Tân, đây là những điểm sẽ tạo ra lợi thế cho MobiFone trong cạnh tranh dịch vụ. MobiFone có thể quảng bá các dịch vụ của MobiFone hỗ trợ IPv6 có những lợi thế như truy cập nhanh hơn, tải được các ứng dụng, chương trình game tiên tiến… như là dịch vụ cộng thêm.
Đáp lại những ý kiến chỉ đạo của Ban công tác, ông Nguyễn Bảo Long, Phó Tổng giám đốc MobiFone, cho biết: Hiện nay, qua theo dõi trên mạng lưới của MobiFone đã có 8 triệu thuê bao có thể kích hoạt IPv6. Mobifone sẽ nỗ lực triển khai các kế hoạch đề ra để đáp ứng các chương trình triển khai IPv6 của MobiFone và của Ban công tác, đóng góp cho sự phát triển chung của IPv6 quốc gia.