Giảm mạnh cước chuyển vùng quốc tế

Truyền thông - Ngày đăng : 09:18, 13/12/2017

Cùng với sự phát triển của công nghệ, người dùng hiện nay không chỉ dừng ở gọi điện, nhắn tin thông thường, mà còn sử dụng các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí trên nền tảng in-tơ-nét di động. Do đó, thay vì chỉ tập trung giảm cước “roaming” (chuyển vùng quốc tế) dịch vụ thoại và tin nhắn, các nhà mạng cũng bắt đầu mạnh tay giảm cước chuyển vùng dữ liệu (data roaming) và coi đây như một chiêu cạnh tranh mới đầy hiệu quả.

Kết quả hình ảnh cho roaming mobifone

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Phần lớn người dùng di động hiện nay khi ra nước ngoài thường lựa chọn cách gọi điện và nhắn tin qua các OTT (ứng dụng tin nhắn, điện thoại miễn phí trên di động) để thay cho phương thức gọi điện hay nhắn tin truyền thống. Theo báo cáo của Hiệp hội thông tin di động thế giới, sản lượng dịch vụ thoại chuyển vùng quốc tế đang giảm trung bình 10%/năm, trong khi đó, sản lượng chuyển vùng dữ liệu lại tăng trưởng trung bình 20 đến 30%/năm. Tuy nhiên, mức phí dữ liệu tại nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ,... lại tương đối cao, trong khi thủ tục đăng ký để có thể sử dụng sim mới của nhà mạng tại nước sở tại sẽ khiến người dùng mất thêm thời gian và phải bỏ ra khoản chi phí không nhỏ. Vì vậy, phần lớn người dùng thường phải tranh thủ in-tơ-nét tại các khách sạn, quán cà-phê, điểm mua sắm để truy cập in-tơ-nét. Nhận thấy điều đó, thời gian gần đây, các nhà mạng trong nước thay vì chỉ giảm cước chuyển vùng thoại và tin nhắn như trước, nay đã tập trung vào giảm cước chuyển vùng dịch vụ dữ liệu để bắt kịp xu hướng chuyển dịch trong nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng. Cụ thể, từ đầu năm tới nay, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã giảm cước chuyển vùng dữ liệu bốn lần. Từ tháng 6-2017, khi Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức chấp thuận để các doanh nghiệp được chủ động quyết định giá cước chuyển vùng quốc tế của mình, VNPT đã nhanh chóng thực hiện đàm phán với các đối tác nước ngoài để đưa ra mức cước hợp lý nhất cho khách hàng. Kết quả, ngày 1-8-2017, cước chuyển vùng dữ liệu cho thuê bao trả sau của VinaPhone tại tám quốc gia và vùng lãnh thổ là Mỹ, Nhật Bản, Xin-ga-po, Đài Loan (Trung Quốc), Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia và Lào đã được điều chỉnh giảm đến 99,7%. Đây đều là những nơi có số lượng lớn người Việt Nam nhập cảnh và có nhiều khách hàng của VNPT được hưởng chính sách ưu đãi này. Lần giảm cước gần đây nhất bắt đầu từ ngày 1-12 với mức giảm lên tới 95% so với mức cước đã áp dụng trước đó. Theo đó, cước roaming dữ liệu cho tất cả 170 quốc gia và vùng lãnh thổ VNPT có ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ roaming chỉ còn 49 đồng/10kb, giảm từ 61 đến 102 lần so với mức cước áp dụng cách đây sáu tháng (từ ba đến năm nghìn đồng/10kb). Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cũng công bố, từ ngày 1-12 nhà mạng này đã áp dụng giá cước mới cho dịch vụ chuyển vùng dữ liệu, giảm hơn 99% so với giá cũ, chỉ còn từ 400 đồng tới 3.500 đồng/1mb và áp dụng với các khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển vùng đến các nước Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Thái-lan. Cụ thể, khi đi Mỹ và sử dụng dịch vụ chuyển vùng dữ liệu của Viettel, mức phí chỉ còn 400 đồng/mb; tại Hàn Quốc và Thái-lan, cước phí chỉ còn 2.500 đồng/mb, còn tại Nhật Bản, giá mới sẽ là 3.500 đồng/mb. Lãnh đạo nhà mạng MobiFone cho biết, trước việc "châm ngòi" giảm cước chuyển vùng dữ liệu hiện nay của VinaPhone và Viettel, MobiFone cũng phải tính toán đến việc giảm cước dịch vụ để cạnh tranh. Tuy nhiên, mức giảm chi tiết, thời gian và phạm vi quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng cụ thể thì MobiFone sẽ công bố trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông đánh giá, với các mức giảm giá cước đến hơn 90% như hiện nay, các nhà mạng gần như không có lãi hoặc thậm chí có những thời điểm bị lỗ do phải thanh toán khoản không nhỏ cước kết nối cho các nhà mạng đối tác ở nước sở tại. Tuy nhiên, thực tế nếu không giảm cước dữ liệu chuyển vùng quốc tế, bản thân các nhà mạng trong nước cũng không thu được gì, bởi khi đó, người dùng trong nước khi ra nước ngoài sẽ mua sim và dùng dịch vụ dữ liệu của các nhà mạng nước ngoài cho rẻ. Do đó, việc giảm cước trên là để nhằm tăng sự kết nối giữa nhà mạng với thuê bao, đồng thời khi có một số lượng lớn dùng chuyển vùng dữ liệu, các mạng trong nước có thể đàm phán, thỏa thuận với mạng đối tác để giảm tỷ lệ cước kết nối phải trả và khi đó sẽ từng bước có lợi nhuận. Việc giảm giá còn giúp xây dựng một hình ảnh đẹp của nhà mạng trong mắt khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút thêm nhiều người dùng và được coi như một “con át chủ bài” hiệu quả trong bối cảnh thị trường viễn thông ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Thái Linh