Tập huấn tuyên truyền về quyền con người

Diễn đàn - Ngày đăng : 08:42, 08/12/2017

Báo chí sẽ tích cực, chủ động đóng góp nhiều hơn nữa trong việc tuyên truyền về thành tựu thúc đẩy quyền con người ở nước ta. Đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái một cách có hiệu quả, thuyết phục hơn.

30 tỉnh, thành phía Bắc cùng các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương hôm nay dự hội nghị tập huấn “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người ở Việt Nam” do Ban chỉ đạo về nhân quyền Chính phủ phối hợp với Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh.

Với mục đích tăng cường hơn nữa chất lượng và nội dung công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng, đấu tranh phản bác một cách thuyết phục các quan điểm sai trái, lợi dụng các vấn đề dân chủ nhân quyền chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch.

20171208-m3.JPG

Hội nghị xoay quanh 9 chuyên đề

Hội nghị còn là dịp để tăng cường mối quan hệ phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin giữa các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí, truyền thông qua 9 chuyên đề.

Các tham luận, ý kiến trao đổi tại hội nghị tập huấn tập trung làm rõ thông tin cơ bản về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam và cộng đồng quốc tế về quyền con người; những thành tựu bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trên lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa; công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền và đấu tranh phản bác trên lĩnh vực quyền con người; vấn đề quyền con người trong quan hệ quốc tế và trách nhiệm thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người của Việt Nam.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh PGS.TS Tường Duy Kiên khẳng định: “Trong lĩnh vực bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay không thể thiếu vai trò của truyền thông, báo chí”.

Trả lời về việc hiện nay, phần đông cơ quan, hội đoàn lên tiếng chậm hơn mạng xã hội về các vụ việc bạo hành phụ nữ và trẻ em thời gian vừa qua, TS. Hà Dũng Hải (Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo TƯ) lý giải: Các cơ quan, hội đoàn đưa thông tin muộn hơn mạng xã hội vì phải mất thời gian kiểm chứng, kiểm soát và lựa chọn thông tin để đưa lên mặt báo sao cho đúng và ổn định xã hội.

Tại chuyên đề đảm bảo quyền con người trong công tác giam giữ, giáo dục và cải tạo phạm nhân trong trại giam, Phó cục trưởng C85, Tổng cục 8, Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Văn Quyền thông tin: Nước ta có 54 trại giam, 70 trại tạm giam và 700 nhà tạm giữ. Để giảm nhân lực con người trong việc canh giữ, một số trại giam đã phát triển hệ thống camera. Ngoài ra còn có các phòng giam riêng cho một số phạm nhân đang bị bệnh, có biểu hiện tâm thần trong quá trình giam giữ và người nước ngoài.

Các phạm nhân trong trại được học nghề, tham gia các hoạt động xã hội hóa như cuộc thi “bức tranh hoàn lương” và “thư xin lỗi”.

Các phạm nhân vẫn được hưởng quyền con người như ăn, mặc nhu cầu cá nhân nằm trong khuôn khổ của pháp luật.

Hội nghị khẳng định, báo chí sẽ tích cực, chủ động đóng góp nhiều hơn nữa trong việc tuyên truyền về thành tựu thúc đẩy quyền con người ở nước ta. Đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái một cách có hiệu quả, thuyết phục hơn.

Theo VietNamNet