Cách mạng 4.0: Cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc
Điểm tin - Ngày đăng : 14:37, 05/12/2017
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Cơ hội và thách thức to lớn đối với sự phát triển
Trong bài tham luận được chờ đợi tại Hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cả cơ hội và thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như của mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày tại triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh 2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Đánh giá cao sáng kiến của Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành tổ chức Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Phát triển công nghiệp thông minh 2017, Thủ tướng cho rằng đây là một diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng để cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ, phát triển công nghiệp thông minh; nhận diện rõ những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; trên cơ sở đó đề ra định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển công nghiệp thông minh ở Việt Nam trong thời gian tới.
Nhìn nhận sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện, Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thủ tướng nêu ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Chính phủ sẽ đầu tư hiện đại hóa đồng bộ, kết nối liên thông Hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia; phát triển công nghiệp thông minh trên nền tảng công nghệ số để tạo bước đột phá về chất lượng tăng trưởng, trước hết là công nghiệp công nghệ thông tin, đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp phần mềm và dịch vụ an toàn, bảo mật thông tin khu vực và toàn cầu. Trước mắt, tập trung hoàn thiện mạng di động 4G và tiếp tục nghiên cứu, phát triển mạng 5G.
Hành động quyết liệt, kịp thời, phát huy lợi thế, tận dụng cơ hội...
Thủ tướng đưa ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có đội ngũ 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao. Muốn vậy, phải đưa các nội dung liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0 vào chương trình phổ thông, dạy nghề, đại học; nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo và khởi nghiệp.
Cùng với đó là phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành, lĩnh vực; khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê khoa học và khát vọng sáng tạo, đặc biệt là của thế hệ trẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày tại triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh 2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cùng với nguồn nhân lực số, phát triển doanh nghiệp số được xác định là nhiệm vụ trung tâm, lâu dài để phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế.
“Các doanh nghiệp phải có tầm nhìn, mơ ước lớn vượt ra biên giới quốc gia, đưa sản phẩm và dịch vụ “Made in Viet Nam” chinh phục thị trường trong nước, thế giới; góp phần làm thay đổi, nâng tầm thị hiếu của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, quốc tế,” Thủ tướng nói
Khẳng định Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt, Thủ tướng chỉ đạo “phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển.”
Trên tinh thần đó, Thủ tướng gợi mở một số chuyên đề thảo luận tại Hội thảo như đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh, đặc biệt là những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam; đề xuất, kiến nghị cụ thể về chiến lược, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh ở Việt Nam thời gian tới.
“Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể; chuyển hóa được công nghệ và ý tưởng sáng tạo thành giá trị gia tăng, giải quyết được vấn đề của thực tiễn đặt ra, tạo được việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới. Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực, sẵn sàng tiếp nhận các mô hình kinh doanh mới, dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày tại triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh 2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tham quan các gian hàng, tìm hiểu, nghiên cứu các sản phẩm của các doanh nghiệp, nhà sáng chế, phát biểu khai mạc Triển lãm, đánh giá cao sáng kiến và sự nỗ lực của các nhà tổ chức, Thủ tướng cho rằng đây là một sự kiện rất có ý nghĩa khi chúng ta bàn về một chủ đề mang tính thời sự đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Chủ động nắm bắt chính sách và triển khai thực tiễn
Trong phát biểu đề dẫn tại Hội thảo “Định hình & Phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai,” ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban kinh tế Trung ương, khẳng định cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tác động đến các quốc gia trên tất cả các phương diện từ quản trị của Nhà nước đến kinh tế-xã hội-môi trường. Trong bối cảnh và xu thế đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những nhận định và đề ra các chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Hội thảo và Triển lãm lần này là hoạt động tiếp theo ở phạm vi lớn hơn, với tầm cao hơn, thực tiễn hơn để giúp các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong hoạch định chiến lược, chính sách ứng phó trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với Phiên báo cáo toàn thể, ba phiên Hội thảo chuyên đề sẽ thảo luận tại chiều 5/12 về xu thế phát triển, khai phá các giải pháp công nghệ mới cũng như đề xuất các chính sách cụ thể cho phát triển công nghiệp thông minh tại Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại-dịch vụ và phát triển đô thị thông minh.
Smart Industry World 2017 là sự kiện quốc tế về công nghệ quy mô lớn với chuỗi bốn Hội thảo quốc tế và Triển lãm về công nghệ công nghiệp 4.0 của gần 50 doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực: tự động hóa, robot, công nghệ thông minh, nông nghiệp, y tế, giáo dục, fintech, phần mềm...
Sự kiện có sự tham dự của trên 1.500 đại biểu lãnh đạo đến từ các cơ quan quản lý nhà nước. cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia quốc tế.
Triển lãm về công nghệ công nghiệp 4.0 trong khuôn khổ sự kiện này được tổ chức nhằm góp phần kết nối khách tham dự với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ và các doanh nghiệp tiên phong trong triển khai công nghiệp thông minh.
Với hơn 50 gian hàng đến từ các đơn vị công nghệ, công nghiệp, sản xuất hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới như Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản... triển lãm thu hút hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Triển lãm giới thiệu các giải pháp công nghệ thông minh trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng, tự động hóa, nhà thông minh, in ấn 3D với các giải pháp công nghệ robot-tự động hóa từ ABB, Siemens; công nghệ năng lượng mới từ Schneider Electrics; ứng dụng in 3D trong sản xuất với AIE; mạng và thiết bị di động gắn với cá nhân từ các tập đoàn công nghệ đa quốc gia trong đó có FPT (của Việt Nam) và Huawei, Samsung...
Bên cạnh đó là các gian hàng của các đơn vị lĩnh vực công nghệ, ngân hàng, y tế, nông nghiệp, giao thông, các Hiệp hội và tổ chức giáo dục, với các công nghệ robot phẫu thuật và công nghệ y tế; mô hình sản xuất ôtô từ Vinfast; nông nghiệp thông minh từ TH, Hachi; công nghệ thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ thẻ thông minh và các ứng dụng thông minh trong tài chính ngân hàng; mô hình IoT và hệ sinh thái đô thị thông minh từ VNPT, Mobifone; công nghệ giám sát giao thông thông minh, trung tâm dữ liệu thế hệ mới từ Dell EMC../.