Cần thay đổi để thúc đẩy sự phát triển thị trường viễn thông bền vững
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:36, 31/10/2017
Ngày 30/10/2017, Cục Viễn thông, Bộ TTTT đã tổ chức Hội thảo “Cạnh tranh và giá cước” diễn ra trong hai ngày 30 – 31/10/2017 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng đã đến dự và phát biểu chào mừng Hội thảo. Tham dự còn có đại diện ITU, Văn phòng chính phủ, Bộ Công thương, các doanh nghiệp (DN) viễn thông…
Hội thảo được tổ chức nhằm hiểu sâu sắc hơn kinh nghiệm và thực tiễn quản lý viễn thông của các nước, mô hình và phương pháp thực hành quản lý cạnh tranh và giá cước, các công cụ quản lý, các biện pháp cụ thể đã được áp dụng thành công. Hội thảo cạnh tranh và giá cước cũng là cầu nối cho các nhà hoạch định chính sách, các DN Việt Nam trao đổi với những đồng nghiệp đến từ các quốc gia khác, về xu hướng phát triển, kinh nghiệm quản lý, tham khảo các mô hình đã áp dụng hiệu quả để xác định hướng phát triển trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, thị trường viễn thông Việt Nam trong 10 năm gần đây đã phát triển với tốc độ rất nhanh và được mở cửa hoàn toàn. Trên thị trường Việt Nam hiện có 70 DN viễn thông đang hoạt động, trong đó có 37 DN được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng, 33 DN cung cấp dịch vụ viễn thông. Tính tới hết tháng 6/2017, mật độ thuê bao di động đạt 124 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao băng rộng di động là 50 thuê bao/100 dân, mật độ thuê bao băng rộng cố định là 11 thuê bao/100 hộ gia đình. Trong vòng 1 thập kỷ qua, chất lượng dịch vụ viễn thông ngày càng được cải thiện, giá cước viễn thông tại Việt Nam liên tục giảm nhưng doanh thu viễn thông vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực viễn thông năm 2016 tăng 7,5% so với năm 2015.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam đang ở vào thời điểm khó thu hút, phát triển thêm thuê bao mới, dẫn tới cạnh tranh giữa các DN viễn thông nhằm tăng doanh thu và thị phần ngày càng khốc liệt. Đặc biệt, các DN cạnh tranh về giá cước dưới nhiều hình thức khác nhau, thậm chí cung cấp dịch vụ dưới giá thành, khuyến mại giảm giá liên tục. Bên cạnh đó, các nhà mạng viễn thông đang gặp thách thức rất lớn cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội.
Theo Thứ trưởng, nếu cách thức cạnh tranh đó tiếp diễn thì các DN sẽ dần đi tới phá sản, thị trường đổ vỡ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các ngành kinh tế - xã hội khác.
“Để phát triển bền vững, duy trì cạnh tranh lành mạnh, các DN viễn thông cần thay đổi cách thức kinh doanh, quản trị DN và tư duy phát triển để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng đa dạng của khách hàng, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần điều chỉnh quy định và cơ chế quản lý để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển DN và thị trường”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Viễn thông, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định, Bộ TTTT sẽ luôn luôn đồng hành cùng các tổ chức, DN trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong phát triển và ứng dụng các dịch vụ, công nghệ tiên tiến vì sự phát triển chung của ngành, của các DN nói riêng và rộng hơn là sự thịnh vượng chung của cả nền kinh tế.
Ông Ashish Narayan, đại diện ITU phát biểu tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, ông Ashish Narayan, Điều phối viên Chương trình, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: Ngày nay, chúng ta đang sống trong thế giới hội tụ, nhưng bối cảnh hội tụ hiện nay đã thay đổi. Trước đây, hội tụ là hội tụ giữa phát thanh truyền hình - viễn thông. Hiện nay, hội tụ theo xu hướng viễn thông - CNTT, hội tụ ICT với các ngành nghề như giao thông, y tế, nông nghiệp… ICT đã trở thành nền tảng hỗ trợ đa ngành và để thúc đẩy đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ. Hội tụ hiện nay cần các quy chế, thể thức khác.
Đây không chỉ còn là vấn đề quốc gia mà đã mở rộng ra quốc tế. Chúng ta đang sống trong nền kinh tế ứng dụng (app), vì vậy, nên nhìn cạnh tranh theo cách thức mới, quan điểm mới. Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hiện nay không chỉ cung cấp dịch vụ thoại, dữ liệu..., mà còn cung cấp các dịch vụ khác, dẫn tới phong cách sống số mới, phương thức kinh doanh mới để tạo doanh thu mới. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều công ty mới đang xâm nhập vào lĩnh vực hạ tầng, tạo sự cạnh tranh mới. Chúng ta đang chuyển đổi sang IoT, tạo ra nền tảng ICT áp dụng cho nhiều ngành nghề… Vậy, chúng ta phải định nghĩa thị trường quản lý cạnh tranh trong nhiều ngành nghề khác nhau ra sao? Xử lý các vấn đề mua lại và hợp nhất như thế nào?...
Hiện nay có 7 xu hướng chính dịch chuyển các thị trường ICT: ICT là trung tâm của nền kinh tế số; Di động là động lực cho việc tiếp cận Internet địa phương mở rộng; ICT đang hiện hữu rõ ràng; ICT là cơ sở và đột phá cho các ngành; Sự xuất hiện của nền kinh tế ứng dụng (app economy); Sự tập trung và hợp nhất thị trường và các mối đe dọa mạng đã phát triển về phạm vi và quy mô.
Theo đó, “điều chắc chắn là cần sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các bên khác nhau để cùng giải quyết thách thức”, ông Ashish Narayan nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại Hội thảo, bà Cory Leuchten, Bộ phận chống độc quyền, Bộ Tư pháp Mỹ, cũng đã nêu tổng quan về luật, các quy định về Luật cạnh tranh và Viễn thông của Mỹ.
Theo bà Cory Leuchten, ở Mỹ có 3 cơ quan quản lý liên quan đến lĩnh vực Viễn thông là Bộ Tư pháp (DOJ), Ủy Ban thương mại (FTC), Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC). Đôi khi các vai trò quản lý cạnh tranh Viễn thông cũng có những chồng lấn.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ phụ trách chủ yếu các vấn đề về thực thi chống độc quyền dân sự và hình sự, xử lý phần lớn các công việc đến chống độc quyền viễn thông. Ủy ban Thương mại Mỹ phụ trách về thực thi chống độc quyền dân sự và bảo vệ khách hàng. Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ là cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông.
Chia sẻ quản lý cạnh tranh tại Hội thảo, bà Hillary Burchuk, Văn phòng Thực thi pháp luật của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho biết các mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh của FCC bao gồm: thúc đẩy cạnh tranh, gỡ bỏ các rào cản quản lý, thúc đẩy sáng tạo và bảo vệ khách hàng viễn thông.
Các nguyên tắc quản lý Viễn thông thúc đẩy cạnh tranh được FCC thực hiện bao gồm trung lập về công nghệ, sự ổn định và linh hoạt, bảo vệ khách hàng, đơn giản trong quy định và minh bạch.
Các quy tắc quản lý thúc đẩy cạnh tranh
Tại Hội thảo các chuyên gia cũng chia sẻ các nội dung quản lý nhà nước về viễn thông như các yếu tố xác định doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường (SMP), tiền kiểm và hậu kiểm, định giá cước viễn thông, chính sách thúc đẩy cạnh tranh viễn thông…
Đại diện của Ủy ban Truyền thông Brazil (Anatel), Ủy ban Thông tin và Truyền thông Malaysia (MCMC), Ủy ban Thông tin và Truyền thông Thái Lan (NBTC) cũng chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm quản lý viễn thông của nước mình tại Hội thảo.