Bập bênh thứ hạng Vietnam ICT Index 2017
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 17:00, 17/10/2017
Biến động thứ hạng các Bộ, ngành
Tại Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 21 diễn ra tại Lào Cai mới đây, Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam đã công bố tóm tắt kết quả mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT năm 2017 của hai nhóm đối tượng: bộ, ngành và tỉnh, thành. Năm 2017 là năm thứ 12 Báo cáo đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam – Vietnam ICT Index được thực hiện bởi Hội Tin học Việt Nam cùng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tiếp tục thực hiện chủ trương giữ nguyên hệ thống chỉ tiêu trong thời gian ít nhất 03 năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng điều tra trong việc chuẩn bị số liệu và so sánh kết quả xếp hạng của các năm, hệ thống chỉ tiêu của năm 2017 được giữ nguyên như của năm 2016. Tinh đến cuối tháng 9/2017, Ban tổ chức đã thu thập được số liệu của cả 4 nhóm đối tượng.
Dựa trên các số liệu thu thập được từ các đối tượng điều tra, sau khi kiểm tra, cập nhật, đối chiếu, điều chỉnh,… Nhóm nghiên cứu đã tiến hành tính toán các chỉ số thành phần và sau đó là chỉ số ICT Index của từng nhóm đối tượng. Các kết quả tính toán này hoàn toàn dựa trên số liệu thực từ báo cáo của các đối tượng điều tra.
Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch VAIP, trình bày Báo cáo Vietnam ICT Index 2017
Theo kết quả xếp hạng chung của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ có dịch vụ công được công bố, Bộ Tài chính đứng thứ 1 (năm thứ 5 liên tiếp), xếp thứ 2 là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ GD&ĐT xếp thứ 3 và Bộ TT&TT xếp thứ 4. Đứng ở 3 vị trí cuối cùng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đứng thứ 18), Bộ Khoa học và Công nghệ (đứng thứ 19) và Thanh tra Chính phủ (xếp thứ 20).
Trong kết quả xếp hạng các Bộ, ngành có dịch vụ công thì ở TOP 10 có 3 đơn vị không thay đổi thứ hạng là Bộ Tài chính, Bộ GDĐT và Bộ Y tế. Có 3 đơn vị thay đổi thứ hạng tăng lên là BHXH VN, Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ. 4 đơn vị còn lại bị tụt hạng so với năm trước. Bộ GD&ĐT giữ nguyên vị trí thứ 3 và Ngân hàng Nhà nước tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 5. Đặc biệt ấn tượng là sự tiến bộ vượt bậc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi hai năm trước đều nằm ở top cuối như năm 2015 xếp thứ 19 - vị trí áp chót, năm 2016 tụt hạng xếp thứ 20 - đáy bảng, nhưng năm nay bỗng nhảy vọt lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng.
Trong khi đó, top 5 bộ, ngành đứng cuối bảng xếp hạng thì Bộ Xây dựng vẫn duy trì "ổn định" ở vị trí thứ 16, Bộ Ngoại giao tiến một bậc lên vị trí 17 và đẩy Bộ NN & PTNT từ vị trí này xuống vị trí 18.
Theo Vietnam ICT Index 2017, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT của Bộ TT&TT vươn lên xếp vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng chung của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Trước đó, theo báo cáo ICT Index 2016, Bộ TT&TT xếp thứ 5; năm 2015 xếp thứ 6.
TOP 10 Bảng xếp hạng chung của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công
Về ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT đã có bước đột phá lên vị trí số 4 so với vị trí số 14 của năm 2016 với sự tăng điểm ở cả chỉ số ứng dụng CNTT nội bộ và chỉ số dịch vụ công trực tuyến.
Về ứng dụng CNTT nội bộ, Bộ TT&TT cũng đã vươn lên vị trí số 3 so với vị trí số 14 của năm 2016, trong đó sử dụng văn bản điện tử có điểm số cao nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng ở trong tốp có điểm số cao.
Điều đáng nói là ở top cuối có sự góp mặt của Bộ KH & CN khi các bộ ngành khác có tiến bộ nhanh chóng thì Bộ này lại tụt từ vị trí thứ 9 xuống vị trí thứ 19 - áp chót bảng xếp hạng. Thanh tra Chính phủ bị đẩy từ vị trí 19 của năm ngoái xuống vị trí 20 - đứng cuối bảng xếp hạng
Không có thay đổi lớn thứ hạng các tỉnh, thành phố
Ở bảng xếp hạng chung các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3 thành phố lớn là Đà Nẵng TP.HCM và Hà Nội tiếp tục chia sẻ vị trí dẫn đầu theo thứ tự.
TOP 10 thứ hạng Vietnam ICT Index 2017 đối với các tỉnh thành thì 3 đơn vị có thứ hạng không thay đổi so với năm 2016 là Đà Nẵng, Quảng Ninh và Lào Cai. 5 đơn vị tăng hạng, trong đó đặc biệt là TP.HCM năm trước bị tụt xuống số 3 thì năm nay đã quay lại vị trí số 2. Mấy năm nay Hà Nội và TP.HCM vẫn thường thay nhau đứng ở vị trí thứ 2 và 3. Cần Thơ, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu và Lâm Đồng đều tăng hạng trong năm nay.
TOP 10 Bảng xếp hạng chung của các tỉnh, thành phố
Quảng Nam ngày càng thụt lùi khi năm 2015 xếp vị trí thứ 25, năm 2016 vị thứ 30 thì năm 2017 đứng ở vị trí thứ 40/63 tỉnh, thành phố. Đứng ở 4 vị trí cuối cùng trên bảng xếp hạng là Bắc Kạn (số 60), Bạc Liêu (số 61), Trà Vinh (số 62) và Lai Châu đứng thứ 63.
Tương quan tỷ suất đầu tư và thứ hạng
Biểu đồ tương quan giữa tỷ suất đầu tư CNTT với chỉ số xếp hạng của khối các Bộ, ngành cho thấy những đơn vị được xếp hạng cao về tỷ suất đầu tư thì cũng có thứ hạng cao về ứng dụng CNTT.
Bộ Tài chính và BHXH VN là 2 bộ có tỷ suất đầu tư cao nhất khối các Bộ ngành (kể cả về giá trị lẫn tính bình quân trên đầu người ) xếp thứ Nhất và thứ Nhì. BHXH Việt Nam có sự “bứt phá ngoạn mục” về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT- Truyền thông Việt Nam (gọi tắt là Viet Nam ICT Index), cụ thể, từ xếp hạng thứ 20 năm 2016, BHXH Việt Nam đã tăng 18 bậc, lên hạng 02 năm 2017 trong khối các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan trực thuộc Chính phủ có dịch vụ công với 0,77 điểm chỉ số hạ tầng kỹ thuật; 0,79 điểm chỉ số về hạ tầng nhận lực và 0,81 điểm chỉ số ứng dụng CNTT.
Lý giải sự bất thường này, đại diện VAIP cho biết: Trong mấy năm vừa qua, vì đẩy mạnh kết nối trong thanh toán bảo hiểm y tế nên BHXHVN đã đầu tư rất nhiều. Trong 2 năm gần đây, BHXHVN đã đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng cho hệ thống CNTT. Trừ Bộ Tài chính thì các Bộ ngành khác có mức đầu tư chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/20 so với BHXHVN. Do đó thứ tự tăng đột biến của BHXHVN là điều dễ hiểu.
Đại diện VAIP chỉ ra mối tương quan giữa tỷ suất đầu tư và thứ hạng trên Vietnam ICT Index
Các đơn vị còn lại, phần lớn những Bộ nào có tỷ suất đầu tư cao hơn thì có chỉ số xếp hạng tốt hơn. Tuy nhiên vẫn có 3 đơn vị ngoại lệ là Bộ GDĐT, NHNN, Bộ Nội vụ có chỉ số xếp hạng cao hơn so với tỷ suất đầu tư, chứng tỏ những đơn vị này ứng dụng CNTT hiệu quả hơn.
Đối với khối các tỉnh thành, biểu đồ về tương quan giữa mức độ đầu tư CNTT với kết quả xếp hạng có điểm tương tự như xếp hạng các Bộ, ngành, nhưng tỷ lệ có phân tán hơn. Hai đơn vị là Đà Nẵng và Quảng Ninh lần lượt xếp thứ nhất và thứ 2 về mức đầu tư cũng có thứ hạng 2 vị trí đầu của bảng xếp hạng. Tuy nhiên, 2 đơn vị là Lào Cai và Nghệ An thì có sự khác biệt. Tỉnh Lào Cai có mức độ đầu tư là 40 nhưng về ứng dụng được 67 điểm chứng tỏ việc đầu tư rất hiệu quả. Nghệ An cũng tương tự, về đầu tư ở mức khoảng 55 nhưng về ứng dụng CNTT đạt điểm khá cao. Đây là những đơn vị có mức đầu tư không nhiều nhưng khai thác rất tốt hệ thống CNTT và xếp hạng cao trên bảng Vietnam ICT Index
Năm 2016, Bộ Tài chính xếp thứ Nhất, NHNN xếp thứ 2 nhưng mức độ chênh lệch về điểm số giữa 2 đơn vị này là 21%. Năm 2017, Bộ Tài chính vẫn xếp thứ Nhất, BHXH VN xếp thứ 2 nhưng mức độ chênh lệch về điểm số chỉ còn 5,7%. Lâu nay, Bộ Tài chính vẫn “một mình một ngựa”, 5 năm liền xếp thứ nhất trên ICT Index, nhưng cuộc đua về thứ hạng ứng dụng CNTT đang rút ngắn và có thể bị vượt lên.
Ở khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đứng đầu về chỉ số ICT-Index với số điểm 0,9351, xếp sau Đà Nẵng là thành phố Hồ Chí Minh với 0,6920 điểm và thành phố Hà Nội là 0,6688 điểm. Năm 2016, về tỷ lệ chênh lệch điểm số, Đà Nẵng hơn Hà Nội 24%, nhưng năm nay, cũng tỷ lệ này, Đà Nẵng hơn TP.HCM 35%. Như vậy, khoảng cách điểm số có sự gia tăng và vị trí số 1 trên bảng xếp hạng các tỉnh thành phố trong một vài năm nữa khó có sự thay đổi
Những năm qua, Vietnam ICT Index - một trong những tài liệu thường niên quan trọng của Bộ Thông tin – Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia trong cả nước.