Bộ TT&TT chủ động rà soát các văn bản pháp luật do Bộ ban hành để phù hợp với Luật Quản lý Ngoại thương

Diễn đàn - Ngày đăng : 08:33, 16/10/2017

Sáng 13/10/2017, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã nghe các đơn vị chức năng báo cáo các nhiệm vụ của Bộ TT&TT trong việc triển khai Luật Quản lý Ngoại thương mới ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

13102017-anh-hung.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu chỉ đạo.

Luật Quản lý Ngoại thương đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 12/6/2017 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Luật quy định các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế.

Luật Quản lý Ngoại thương có hiệu lực đồng nghĩa với việc sẽ bãi bỏ một số điều khoản của Luật Thương mại số 36/2005/QH11. Đồng thời, Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài sẽ được thay thế bởi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý ngoại thương.

Theo đại diện Vụ CNTT, Luật Quản lý ngoại thương là bộ luật có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đời sống kinh tế, xã hội. Luật bao hàm các quy định điều chỉnh quan hệ trong hoạt động xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa quốc tế.

Riêng đối với lĩnh vực TT&TT, các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa chuyên ngành của Bộ trước đây thực thi theo Luật Thương mại 2005 cần phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung và thay thế để phù hợp với các quy định mới của Luật Quản lý ngoại thương.

Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 113 điều. Các quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa mà các đơn vị trong Bộ đang thực hiện chủ yếu nằm ở “Chương II – Các biện pháp hành chính” và một phần ở “Chương III – Các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch”.

Cụ thể, về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo mã số HS 2017 mới đã được ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính. Do đó, Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu do Bộ TT&TT quy định trong Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT ngày 29/10/2015 cần được rà soát, cập nhật phù hợp, đồng bộ với các quy định mới.

Về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép, điều kiện, Bộ TT&TT đã ban hành 3 Thông tư:  Thông tư 18/2014/TT-BTTTT hướng dẫn Nghị định 187/2013/NĐ-CP đối với việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện; Thông tư 26/2014/TT-BTTTT hướng dẫn Nghị định 187/2013/NĐ-CP đối với việc nhập khẩu tem bưu chính; Thông tư 16/2015/TT-BTTTT về việc quy định chi tiết thi hành Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm; Thông tư số 41/2016/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2015-TT-BTTTT.

Theo quy định mới tại Điều 31 Luật Quản lý ngoại thương, các Thông tư của Bộ không được quy định trình tự, thủ tục cấp phép, kiểm tra chuyên ngành theo điều kiện, nội dung này sẽ thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Về gia công hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cho thương nhân nước ngoài, Thông tư 31/2015/TT-BTTTT của Bộ TT&TT cần phải được sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với khoản 3 Điều 51 Luật Quản lý ngoại thương.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định: Quán triệt tinh thần của Chính phủ là đổi mới, cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Bộ TT&TT sẽ chủ động triển khai các nhiệm vụ nằm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để phù hợp với các quy định mới của Luật Quản lý ngoại thương.

Thứ trưởng chỉ đạo Vụ CNTT tổng hợp danh sách cụ thể đại diện các đơn vị chức năng của Bộ để thành lập Tổ công tác, bao gồm Vụ Pháp chế, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Vụ KHCN, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Vụ Bưu chính, Cục An toàn thông tin. Đồng thời, Vụ CNTT có nhiệm vụ tổng hợp ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ để đưa ra các đề xuất, kiến nghị với Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương.

Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị như Cục Viễn thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục An toàn thông tin, Vụ Bưu chính, Vụ CNTT phải chủ động xây dựng các điều kiện liên quan đến xuất nhập khẩu để khi cần thiết có thể trình Ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý ngoại thương.

Đồng thời, Thứ trưởng giao Vụ KHCN chủ trì buổi làm việc rà soát các chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu thiết bị viễn thông trên cơ sở thấy rõ sự bất cập của việc quy định cứng liên quan đến quản lý thiết bị thông tin vô tuyến theo công suất. Cần thiết phải rà soát lại danh mục các thiết bị hợp chuẩn, hợp quy, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Thứ trưởng nhấn mạnh./.

Giang Phạm