Bộ TTTT có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Diễn đàn - Ngày đăng : 06:15, 07/10/2017

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Phạm Đại Dương đã nhấn mạnh cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là Internet và kết nối. Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng này.

Ngày 5/10/2017, tại Hà Nội, Bộ TTTT và Bộ KHCN đã có buổi làm việc về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Đại Dương đã chủ trì buổi làm việc.

Bộ TTTT và Bộ KHCN làm việc về việc triển khai các nhiệm vụ nhằm hướng đến cuộc CMCN 4.0.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ TT&TT đã và đang tích cực triển khai các công việc được giao. Theo đó, trong giai đoạn 2017 – 2020, Bộ TTTT có 3 nhiệm vụ chính.

Nhiệm vụ thứ nhất, tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT, đáp ứng bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng. Trong đó, các DN viễn thông chú trọng hoàn thiện mạng di động 4G. Bảo đảm cung cấp dịch vụ ổn định trên toàn quốc từ năm 2018. Ngoài ra, có chính sách nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G, đáp ứng yêu cầu của công nghệ kết nối Internet vạn vật (IoT).

Theo Bộ TTTT, tính đến hết quý I/2017, các DN viễn thông đã triển khai, lắp đặt 40.000 trạm 4G tại Việt Nam. Trong số này, có DN đã hoàn thành việc cung cấp vùng phủ sóng tới 95% dân số. Bộ TTTT mới đây cũng đã công bố kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ 4G tại khu vực Hà Nội đối với hai nhà mạng MobiFone và Viettel.

Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ thực hiện việc triển khai lộ trình tắt sóng truyền hình tương tự. Điều này nhằm giải phóng băng tần 700 MHz, dùng cho thông tin di động IMT. Việc tiếp theo là từng bước tiến hành nghiên cứu và quy hoạch tái sử dụng băng tần này. Ngoài ra, để phục vụ cho cuộc CMCN 4.0, Bộ TTTT cũng đang tiến hành sửa đổi và hoàn thiện Danh mục các sản phẩm CNTT trọng điểm theo hướng hỗ trợ CMCN 4.0. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu để hướng tới việc hỗ trợ thuế nhập khẩu cho các linh kiện phục vụ sản xuất sản phẩm CNTT.

Trong thời gian gần đây, Bộ TTTT cũng thường xuyên tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố cho mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia. Đồng thời tiến hành đào tạo, nâng cao năng lực cho thành viên mạng ứng cứu sự cố. Bộ cũng từng bước thúc đẩy việc gắn kết ứng dụng CNTT và cải cách hành chính giai đoạn 2017 - 2020, góp phần xây dựng nền móng cho Chính phủ điện tử.

Nhiệm vụ thứ hai, Bộ TTTT đã tập trung phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp CNTT-TT. Bên cạnh đó là việc ưu tiên, chú trọng phát triển nhân lực CNTT, đặc biệt là nhân lực về an toàn, an ninh thông tin. Bộ TTTT cũng đã giao và tiếp tục xem xét giao/đặt hàng các đơn vị nghiên cứu, DN tập trung nghiên cứu, phát triển một số lĩnh lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm. Nghiên cứu, phát triển hệ thống phân tích dữ liệu lớn, nền tảng IoT mở phục vụ triển khai đô thị thông minh; Thực hiện đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về đô thị thông minh; triển khai IPv6 trong các hệ thống thông tin di động; tiếp tục hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về 4G, lộ trình tiêu chuẩn IoT, chính sách phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT…Nhiệm vụ thứ hai, Bộ TTTT đã tập trung phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp CNTT-TT. Bên cạnh đó là việc ưu tiên, chú trọng phát triển nhân lực CNTT, đặc biệt là nhân lực về an toàn, an ninh thông tin.

Trước những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, Bộ TTTT cũng đang thực hiện nhiệm vụ thứ 3 theo Chỉ thị là thúc đẩy công tác truyền thông, giúp cho người dân, doanh nghiệp có nhận thức đúng về cuộc CMCN 4.0, hiểu được rõ những nguy cơ và lợi ích của cuộc cách mạng.

Tại buổi làm việc, các đơn vị thuộc Bộ đã có nhiều ý kiến đề xuất với Bộ KHCN để khai thác tối đa cơ hội từ cuộc CMCN 4.0.

Ông Ngô Hùng Tín, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết hiện DN này đã triển khai mạnh mẽ nền tảng IoT mở để các doanh nghiệp, các bên có thể tận dụng hạ tầng này để phát triển nhiều công việc, ứng dụng trên nền tảng này. Bộ KHCN có thể thẩm định, đánh giá nền tảng này trở thành một nền tảng quốc gia.

Cũng theo ông Ngô Hùng Tín, Bộ KHCN cần có chính sách đặc biệt cho lĩnh vực công nghệ để Việt Nam có thể đột phá, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, để có thể làm chủ công nghệ, có cơ hội bứt lên và phát triển mạnh ra nước ngoài.

Về đào tạo nhân lực cho cuộc CMCN 4.0, ông Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện công nghệ BCVT cho biết đào tạo nhân lực cho cuộc CMCN 4.0 phải có cơ chế khác biệt. Đào tạo sinh viên đáp ứng cuộc CMCN 4.0 phải đáp ứng 3 yếu tố: Kiến thức, kỹ năng, và hành vi. Với trình độ của các giảng viên Việt Nam hiện nay, trang bị kiến thức có thể đáp ứng. Còn kỹ năng và hành vi rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp có thực tiễn công việc. Theo đó, cũng cần phải có cơ chế cho DN có thể tham gia vào công tác đào tạo sinh viên một số giờ nhất định. Như vậy, nguồn nhân lực được trang bị thực tiễn và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN.

Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Đại Dương đã nhấn mạnh cốt lõi của cuộc CMCN 4.0 là Internet và kết nối. Bộ TTTT có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng này.

Kết thúc buổi làm việc, hai Bộ KHCN và Bộ TTTT đã thống nhất Bộ TTTT, Bộ KHCN và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là ba Bộ xây dựng nên nền móng cho cuộc CMCN 4.0. Đây cũng là cơ sở để các bộ sản xuất, ứng dụng như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp hay Bộ Công thương chuyển mình, nhằm bắt kịp với xu thế của cuộc CMCN 4.0. Việt Nam cần một kịch bản chiến lược quốc gia với sự tham gia của tất cả các bộ ngành trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm cho biết Bộ TTTT sẽ xây dựng định hướng, kế hoạch cụ thể triển khai Chỉ thị 16 trong ngành TTTT. Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ liên hệ chặt chẽ với Vụ KHCN để xây dựng báo cáo, lưu ý tới các ý kiến của DN về cách thức quản lý mới đối với thuê bao di động, đào tạo nhân lực, nghiên cứu triển khai các sản phẩm mới trọng điểm.

Lan Phương