Malaysia, Phillipines tăng trưởng cao về mua sắm qua di động ở châu Á - TBD

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 06:29, 30/09/2017

Mua sắm qua điện thoại di động (ĐTDĐ) đang bùng nổ ở các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vượt xa các nước phát triển, theo khảo sát mua sắm di động mới nhất của Mastercard (Mastercard Mobile Shopping Survey).

Theo khảo sát, các khách hàng ở Philippines (53.5%) và Malaysia (55.6%) đứng đầu khu vực với tỷ lệ tăng trưởng mua sắm di động hàng năm cao nhất, đạt mức tăng cao lần lượt là 12,6% và 10,1%.

Cũng theo khảo sát, các khách hàng ở Ấn Độ (75,8%) là những khách hàng đứng đầu về mua sắm qua ĐTDĐ, trong năm thứ 2 liên tiếp, thực hiện ít nhất một lần mua sắm qua ĐTDĐ của mình trong 3 tháng tiến hành khảo sát. Những người mua sắm qua ĐTDĐ ở Trung Quốc xếp vị trí thứ hai với tỷ lệ 71,4%, tiếp theo là Thái Lan 65%. Trong khi đó, các thị trường đã phát triển hơn như Nhật Bản tỷ lệ người mua sắm qua ĐTDĐ là 31%, Australia và New Zeland cùng tỷ lệ là 26%.

Phó Tổng giám đốc cấp cao về phòng lab và thanh toán số khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mastercard Benjamin Gilbey cho biết: “Các khách hàng ở nhiều thị trường mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương là những người tiên phong về di động, đã bỏ qua phương thức thanh toán truyền thống. Chính phủ các nước trong khu vực này đang nỗ lực lớn để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử (e-commerce) và thương mại di động (m-commerce) cũng như hạ tầng phụ trợ, đóng góp vào sự phát triển mua sắm di động như chúng ta đã thấy”.

Những người theo khuynh hướng mua sắm qua ĐTDĐ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng nhanh chóng chấp nhận sử dụng ví điện tử, với hơn 1 người trong số 5 khách hàng (22,3%) sử dụng các phương thức thanh toán như vậy. Các khách hàng trong khu vực cũng nhanh chóng nắm bắt phương thức thanh toán mã phản hồi nhanh (Quick Responde Code – QR). Hơn 1 trong 10 khách hàng sử dụng các thanh toán mã QR với phần lớn số người sử dụng từ Trung Quốc (42,6%)

Các khách hàng hiện nay đã dịch chuyển từ đơn giản là những người sử dụng thiết bị sang sử dụng ứng dụng, vì họ mong muốn trải nghiệm thanh toán thông suốt hơn. Điều này cần đến sự hợp tác lớn hơn giữa khu vực công và tư và các đối tác trong ngành, để thúc đẩy khả năng tương tác giữa một loạt các lựa chọn thanh toán hiện nay. Những nỗ lực theo xu hướng này có thể kể đến việc chuẩn hóa các thanh toán dựa trên QR ở Ấn Độ và Thái Lan, những nước nỗ lực đáng kể. Chúng ta cũng đã chứng kiến đã có nhiều cơ hội để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển hơn nữa và cam kết hợp tác với các đối tác ngành để thúc đẩy thương mại trên mọi thiết bị”, Phó Tổng giám đốc Gilbey cho biết thêm.

Phần lớn các khách hàng trong khu vực (53,6%) cho biết sự thuận tiện là lý do cốt lõi cho mua sắm trên các thiết bị di động của họ, đặc biệt là các khách hàng ở Trung Quốc (70,9%), Thái Lan (60,8%) và Đài Loan (59,2%). Ngược lại với khu vực, phần lớn khách hàng Malaysia cho rằng khả năng mua sắm trong khi di chuyển là lý do chính để họ thực hiện mua sắm qua di động.

Việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng đã giảm đáng kể trong khu vực, giảm xuống 45,9% so với 48,6% 2 năm trước đó. Các khách hàng ở Ấn Độ giảm mua sắm trực tiếp tại cửa hàng nhiều nhất, giảm 10,3% từ 54,7% trong năm 2015. Điều này có thể do sự phát triển bùng nổ của ngành thương mại điện tử và hạ tầng hỗ trợ của nước này.

Tỷ lệ người số người sử dụng ví số và ứng dụng ngân hàng di động trả lời khảo sát năm 2016 (Nguồn: Mastercard)

Lan Phương