AI trở thành khóa học bắt buộc tại Học viện KAIST, Hàn Quốc
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 06:16, 28/09/2017
KAIST là đại học đầu tiên của Hàn Quốc chuyên về giáo dục và nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Chủ tịch KAIST Shin Sung-chul cho biết: “Tôi sẽ tăng cường các khóa học đào tạo về kỹ thuật cơ bản, bao gồm AI. Những sinh viên nhập học KAIST từ năm sau sẽ phải tham gia ít nhất một khoá học về AI, nếu không họ sẽ không thể lấy bằng”.
Ông cho biết thêm quy định này không áp dụng cho các sinh viên hiện tại, nhưng từ khóa sau sinh viên sẽ phải tuân thủ và không có trường hợp ngoại lệ.
Theo ông Shin, kỷ nguyên AI đang đến nhưng không phải trong tương lai gần. Một nghiên cứu của trường Đại học Oxford của Anh và Đại học Yale của Mỹ công bố hồi đầu tháng 7 cho thấy, cần nửa thế kỷ nữa, trí tuệ nhân tạo (AI) mới có thể làm việc tốt hơn con người ở tất cả các ngành nghề.
Nhờ khả năng tích lũy tri thức và kinh nghiệm, AI có thể sở hữu trí tuệ ngang ngửa, thậm chí là ưu việt hơn con người. Nhiều dự báo cho thấy AI sẽ tác động tiêu cực đến việc làm của con người, thậm chí là thay thế con người.
Tuy nhiên, thực tế, đa phần các chương trình AI được con người tạo ra hiện nay có thể rất giỏi ở một công việc cụ thể nào đó, giống như chơi trò chơi hay đánh cờ. Nhưng hiện tại con người có thể làm được nhiều hơn thế, từ thể thao, tài chính hay nuôi dạy trẻ con… Về bản chất, con người còn có khả năng nhìn vào tương lai, lập kế hoạch và đưa ra quyết định dựa trên những ý tưởng trừu tượng. Đây chính là sự khác biệt của con người với máy hay bất kì loài sinh vật nào khác.
Ông Shin nhấn mạnh: “Con người không thể đánh bại máy móc về khả năng nhớ, xử lý dữ liệu và sức mạnh, nhưng con người có sự sáng tạo, sự khôn ngoan, cái nhìn sâu sắc và trực giác mà khó chiếc máy nào có thể bắt chước được. AI sẽ giúp con người cải thiện cuộc sống của mình”.
Khi được hỏi về ưu tiên hàng đầu của mình khi là người đứng đầu trường đại học về khoa học và công nghệ số 1 quốc gia, ông Shin nhấn mạnh đến sự phát triển nhanh chóng của thương hiệu KAIST trên toàn cầu. Kể từ khi thành lập vào đầu những năm 1970, đến nay KAIST đã trở thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế. “Trong nửa thế kỷ tiếp theo, chúng tôi sẽ phấn đấu để trở thành một trường đại học hàng đầu thế giới… Chúng tôi sẽ tạo ra các giá trị khác nhau ở mức toàn cầu trong các lĩnh vực như học thuật, công nghệ và kinh tế”, ông cho biết thêm.
Hướng tới mục tiêu đó, ông Shin đưa ra năm trụ cột chính để đổi mới là giáo dục, nghiên cứu, kinh doanh dựa trên nghiên cứu, toàn cầu hóa và chiến lược tương lai. Ngoài ra sẽ xây dựng KAIST thành một trường đại học song ngữ thật sự bằng cách tăng tỷ lệ giảng viên và sinh viên nước ngoài. Ngoài ra, ông cũng đang cân nhắc việc thiết lập một khu vực nói tiếng Anh, nơi mà mọi người được quy định không nói tiếng Hàn.
Ông nhấn mạnh: “Không có sự toàn cầu hóa, chúng ta không thể xuất hiện trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới. Để thu hút tài năng từ nước ngoài, sinh viên cần cảm thấy không có vấn đề gì trong giao tiếp tại trường đại học của chúng tôi.