Ngăn chặn sim rác quay trở lại
Diễn đàn - Ngày đăng : 05:12, 27/09/2017
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Thời gian qua, sự bùng phát tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo,… đã và đang là vấn đề gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, đòi hỏi cần được giải quyết triệt để.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 14-7-2017, doanh thu trong lĩnh vực viễn thông phát sinh trong nước sáu tháng đầu năm ước tính hơn 213 nghìn tỷ đồng, đạt 47,1 % kế hoạch năm 2017, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, hầu hết các dịch vụ viễn thông quan trọng như: di động, dịch vụ băng thông rộng, công nghệ thông tin đều có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, bên cạnh những "điểm sáng" ấy, các dịch vụ truyền thông như điện thoại cố định, truyền hình trực tuyến,... vẫn chưa phát triển như mong muốn; đồng thời, một vấn đề hiện gây bức xúc cho người sử dụng là nạn thư rác, tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo xuất hiện ngày càng dày đặc.
Sau sự kiện thu hồi 19 triệu sim rác cuối năm 2016 và đầu năm 2017, nạn tin nhắn rác từ các thuê bao "ma" bước đầu đã có dấu hiệu giảm, nhất là sau cam kết chặn tin nhắn rác của năm doanh nghiệp viễn thông là: Viettel, VNPT, MobiFone, GTel Mobile và Vietnamobile. Các nhà mạng này đã sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu, đánh giá thuê bao tiên tiến vào phần mềm chống, lọc tin nhắn rác. Dù vậy, chỉ sau một thời gian, hiện tượng tin nhắn rác bắt đầu có dấu hiệu bùng phát trở lại. Khi sử dụng điện thoại di động và những ứng dụng trao đổi thông tin khác, nhiều khách hàng vẫn phải thường xuyên đối mặt với sự phiền toái nảy sinh từ thư rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Ðến nay, hầu hết các cửa hàng, đại lý bán sim thẻ trên cả nước đã ngưng treo biển quảng cáo, đóng cửa hoặc chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác. Tuy nhiên đây chỉ là bề nổi của "tảng băng chìm", bởi không ít website, fanpage "cung cấp sim giá rẻ với số lượng lớn" vẫn đang hoạt động sôi nổi. Theo đó, người có nhu cầu chỉ cần bỏ ra số tiền từ 9.000 đến 12.000 đồng đã có thể sở hữu những chiếc sim được kích hoạt sẵn của bất kỳ nhà mạng nào. Không chỉ vậy, một số đại lý, công ty trách nhiệm hữu hạn viễn thông còn "hỗ trợ" dịch vụ gửi tin nhắn rác để quảng cáo, "bình chọn thuê" cho các cuộc thi trên truyền hình...
Tinh vi hơn là hình thức "sms marketing" - một hình thức quảng cáo đang dần trở nên quen thuộc và phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hình thức này thường được các công ty, tập đoàn sử dụng để giới thiệu những chính sách khuyến mại, quảng cáo mặt hàng mới đến khách hàng thân thiết đã đăng ký số điện thoại, và thông tin liên lạc với họ. Nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, "sms marketing" đang bị một số đối tượng lạm dụng, giả danh để nhắn tin rác bừa bãi, tràn lan đến điện thoại của người sử dụng.
Theo quảng cáo của một số đơn vị cung cấp dịch vụ trá hình này, phần mềm gửi tin nhắn của họ có thể vượt qua bộ lọc tin nhắn rác thông thường của các nhà mạng để chuyển đến khách hàng thân quen và nhiều tiềm năng (do công ty cung cấp danh sách)! Tuy giá thành cao hơn so với tin nhắn rác thủ công, các dịch vụ của "sms marketing" khá đa dạng. Theo đó, các đối tượng sử dụng dịch vụ tin nhắn rác này có thể chèn tên thương hiệu, giả dạng số điện thoại "đẹp" hay gửi các cuộc gọi tự động quấy nhiễu người dùng. Tại một số quốc gia, "sms marketing" đã bị xếp chung vào danh mục tin nhắn rác. Bởi lẽ, nhiều công ty, tập đoàn đã và đang mua các danh sách ăn cắp số điện di động được rao bán trên nhiều website.
Ở một số quốc gia như Canada (Ca-na-đa), người dùng có thể hủy dịch vụ "sms marketing" bất kỳ chỉ bằng tin nhắn "stop" (dừng lại) song tại Việt Nam, việc hủy các dịch vụ của mạng điện thoại di động nói chung, dịch vụ "sms marketing" nói riêng (không kể sms marketing mạo danh) tương đối phức tạp. Thậm chí, nhiều người mất tiền oan mà không thể hủy được những tin nhắn dịch vụ phiền hà này, nhất là tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo từ các tổng đài lừa đảo có đầu số 18xx, 19xx, 7769, 6716 mạo danh đầu số dịch vụ của các nhà mạng hay các đầu số lạ có nguồn gốc từ nước ngoài. Hình thức này tuy tương đối dễ nhận biết, nhưng kẻ gian vẫn dễ dàng lừa đảo người sử dụng. Mới nhất trong tháng 7-2017, một số kẻ gian đã sử dụng đầu số bán hàng 18001166 của VNPT, giả mạo tổng đài để thực hiện những cuộc gọi tới khách hàng thông báo nợ cước phí, yêu cầu thanh toán với mục đích chiếm đoạt thông tin, tài khoản ngân hàng và tài sản khách hàng, khiến không ít người bị mắc bẫy.
Sự phát triển của dịch vụ 4G tại Việt Nam cũng đang trực tiếp hoặc gián tiếp khiến vấn đề chống sim rác và thư rác, tin nhắn rác trở nên phức tạp hơn. Do vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và triển khai dịch vụ tại một số thành phố lớn, ưu đãi cho khách hàng khi đăng ký và chuyển đổi dịch vụ 4G của các hãng viễn thông hiện hết sức hấp dẫn, cụ thể là chỉ với 350 nghìn đến 500 nghìn đồng, trong thời hạn từ sáu tháng đến một năm, khách hàng có thể truy cập internet (in-tơ-nét) thoải mái, không bị giới hạn dung lượng, không cần nạp tiền. Bởi vậy, dịch vụ 4G đang thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng trên cả nước, nhất là những người có nhu cầu truy cập in-tơ-nét tốc độ cao vào các mục đích giải trí như chơi trò chơi điện tử, xem phim, nghe nhạc...
Tuy nhiên cũng từ đây, mối nghi ngại về khả năng kích cầu 4G bằng sim rác bắt đầu trở thành hiện thực, nhất là khi quảng cáo bán sim 4G xuất hiện ồ ạt trên một số trang thương mại điện tử. Lợi dụng chính sách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng dịch vụ di động mới, một số đối tượng đã liên tục đăng tải tin nhắn rác, đường dẫn quảng cáo dưới nhiều hình thức, trong đó nổi bật là việc đăng tải các video livestream (truyền tải video trực tiếp), ảnh động để thu hút người xem kèm theo nội dung quảng cáo. Phần lớn các video này đều chứa những nội dung phản cảm, không lành mạnh hoặc vi phạm bản quyền. Thậm chí, một số đường dẫn còn chứa virus (vi-rút) cũng như các mã độc hại, do đó chỉ cần người sử dụng kích hoạt vào những đường dẫn này thì sự bảo mật thông tin lập tức bị đe dọa.
Sự bùng phát của sim rác, thư rác, tin nhắn rác và một số hình thức "spam" (gửi thư hàng loạt) khác cho thấy phần nào ý thức bảo mật thông tin của người sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam chưa cao. Thực tế không ít người khá dễ dãi trong việc cung cấp số điện thoại của mình, vô tình tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng. Một thí dụ đơn giản: kẻ gian chỉ việc đăng lên mạng xã hội một thông tin, hình ảnh hấp dẫn cùng ghi chú kêu gọi mọi người ấn nút "like", "share" và để lại số điện thoại, e-mail để liên lạc, ngay lập tức không ít người sẽ "tự giao nộp" thông tin cá nhân của mình cho các đối tượng trục lợi. Sau khi thu thập danh sách, kẻ gian sử dụng hoặc bán lại cho các đối tượng có mục đích nhắn tin rác, cuộc gọi rác. Cũng đã có trường hợp một số cửa hàng, doanh nghiệp "bán đứng" sự tin tưởng của khách hàng khi "sang nhượng" thông tin và số điện thoại từ các "thượng đế" của mình cho những công ty khác.
Tiết lộ, mua bán và trao đổi thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông là sai phạm nghiêm trọng và hoàn toàn có thể bị xử lý theo pháp luật. Mục a-b khoản 5, Ðiều 66 Nghị định 174/2013/NÐ-CP (ngày 13-11-2013) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng với các hành vi: "Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông; giả mạo tên hoặc giả mạo địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn". Tuy nhiên, để đưa những đối tượng có các hành vi sai phạm ra trước pháp luật là tương đối khó khăn, phức tạp. Do đó, để bảo vệ bản thân, mỗi người cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân (số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ gia đình và người thân...) khi tham gia mạng xã hội và các giao dịch trong cuộc sống hằng ngày.
Tại cuộc họp giao ban quản lý Nhà nước tổ chức ngày 11-9 vừa qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tiếp tục khẳng định quyết tâm của Bộ trong việc đẩy mạnh việc ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác quay trở lại. Báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông như VNPT và MobiFone một lần nữa khẳng định số lượng tin nhắn rác giảm mạnh nhờ khả năng ngăn chặn thành công của các phần mềm mà hai đơn vị này sử dụng. Ðây là nỗ lực đáng khích lệ của các doanh nghiệp viễn thông nhằm bảo vệ lợi ích của khách hàng. Tuy nhiên, mức độ phức tạp và biến tướng của tin nhắn rác trong thời gian gần đây cho thấy "cuộc chiến" chống sim rác, tin nhắn rác… còn nhiều phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các nhà mạng, các cơ quan quản lý, cũng như đòi hỏi người sử dụng cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin.