Kinh tế số - Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 06:22, 26/09/2017
Thực trạng tại Việt Nam
Trong bối cảnh năm 2017 là Năm APEC được tổ chức tại Việt Nam, một trong những vấn đề quan tâm của các nền kinh tế thành viên là tăng cường phát triển nền kinh tế số. Tại phiên họp thứ 45 của Nhóm công tác Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Đặng Huy Đông khẳng định: APEC đã trở thành một khu vực phát triển năng động và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa có giá trị gia tăng lớn, hiệu quả kinh tế cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của các nền kinh tế APEC.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tính đến thời điểm cuối năm 2016, tổng số doanh nghiệp trên cả nước là khoảng 480.000 doanh nghiệp, tăng 8% so với năm 2015. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 đạt kỷ lục hơn 100.000 doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015. Trong số các doanh nghiệp, có đến 97% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cụ thể hơn 2% là doanh nghiệp vừa, khoảng 30% là doanh nghiệp nhỏ, còn lại khoảng 68% doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ (dưới 10 lao động).
Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nền kinh tế quốc dân. DNNVV là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động. Hàng năm, các DNNVV đã cung cấp việc làm cho trên 1 triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước. Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy, nhưng chỉ riêng trong năm 2016 có khoảng 40.000 DNNVV phải giải thể hoặc đóng cửa không thời hạn.
Mặc dù đã có mặt trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng so sánh với các nước lân cận có trình độ phát triển tương đương như Thái Lan, Indonesia thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam yếu hơn nhiều. Hạn chế này xuất phát từ năng lực quản trị kém, quy mô nhỏ, trình độ công nghệ và kỹ thuật lạc hậu làm giá thành cao mà chất lượng sản phẩm thấp, hàm lượng giá trị gia tăng không cao.
Thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Có thể thấy, các DNNVV là các đối tượng gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành và duy trì hoạt động kinh doanh. Các khó khăn có thể kể tới gồm thiếu khả năng quản lý; khó tiếp cận tài chính, tiếp cận về thị trường, về đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực. Đây cũng là các đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của thị trường. Ngoài ra, các quy định về pháp lý cũng đã tạo ra nhiều khó khăn và gánh nặng cho các DNNVV.

Cạnh tranh trong nước đã khó, khi mở cửa thị trường và tham gia các Hiệp định thương mại tự do, các DNNVV còn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp mạnh và tinh nhuệ trên thế giới. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cả cơ hội và thách thức cho các DNNVV. Hội nhập quốc tế giúp cánh cửa thị trường rộng mở cũng đồng nghĩa với tính cạnh tranh càng gay gắt hơn, dẫn đến 2 trường hợp: (1) có khả năng cạnh tranh quốc tế, có thể thu lợi từ quá trình hội nhập, (2) hội nhập yếu, nên cải tiến năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, cải tổ về mặt nhân sự để có thể tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Thực tế, do năng lực hạn chế nên các DNNVV khó tận dụng được những cơ hội từ quá trình hội nhập mà thường phải tập trung ứng phó với những thách thức lớn từ hội nhập. Đó là môi trường cạnh tranh khốc liệt, xuất phát từ những yêu cầu về kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn chất lượng của các nhà sản xuất nước ngoài, các nhà nhập khẩu trong mạng lưới sản xuất, những vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách thuế, rào cản kỹ thuật và môi trường kinh doanh nói chung.
Kinh tế số thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Kinh tế số mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nó tạo nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, đồng thời đem lại sự phát triển bình đẳng, bền vững cho các DNNVV. Tuy nhiên, các DNNVV cũng đang gặp khó khi muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế kỹ thuật số do những khó khăn về truy cập Internet, truyền dẫn băng thông rộng, tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân cũng như các kiến thức cơ bản về phát triển, hiện diện trực tuyến và chi phí đắt đỏ của các thiết bị công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các công nghệ, nền tảng số, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiến sâu vào các thị trường ngách, đổi mới sáng tạo sản phẩm, dịch vụ và dễ dàng đưa các sản phẩm, dịch vụ tiếp cận tới lượng khách hàng trong khu vực cũng như trên thế giới.
Khái niệm về kinh tế số, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới đã được thảo luận tại nhiều diễn đàn cấp cao, bao gồm Hội nghị các Bộ trưởng số G20, hay Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Cũng tại Diễn đàn APEC 2017, Ban tổ chức đã tổ chức cuộc thi giữa các nước trong khu vực APEC, với chủ đề xây dựng giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực xuất khẩu, cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các nền tảng số có thể dễ dàng tiếp cận được với thị trường trong khu vực.
Một số câu chuyện thành công tại Việt Nam
Dưới đây đưa ra ví dụ về thành công của cá nhân và các DNNVV tại Việt Nam.
Thứ nhất là trường hợp thành công của doanh nghiệp kinh doanh hộ gia đình cung cấp sản phẩm cá kho tại tỉnh Hà Nam. Với sự hỗ trợ của CNTT-TT, doanh số bán hàng của doanh nghiệp đã tăng vọt từ năm 2009 đến năm 2014 và không đủ hàng bán trong các dịp lễ tết.
Thứ hai là sản phẩm phần mềm học tiếng Anh ELSA thông qua nền tảng chợ ứng dụng di động đã tiếp cận được với nhiều người dùng tại các quốc gia trong đó có Nhật, Thái Lan, thậm chí là tại một số nước châu Âu.
Thứ ba là hiện tượng “Flappy Bird” của Nguyễn Hà Đông đã đạt được vị trí cao trên các bảng xếp hạng ứng dụng quốc tế. Với một trò chơi di động đơn giản, ứng dụng này đã thu về khoảng 50.000 USD một ngày nhờ quảng cáo.
Như vậy, chúng ta thấy tiềm năng của kinh tế số là rất lớn và thành công có thể đến từ những ý tưởng rất nhỏ. Các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm hữu hình hay các sản phẩm vô hình như trò chơi điện tử, nội dung số đều có thể tận dụng lợi thế của các công nghệ số để thành công.
Kết luận
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của nền kinh tế số, Việt Nam không thể đứng ngoài mà phải tận dụng cơ hội chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu mang lại nhưng cũng phải vượt qua nhiều thách thức. Muốn vậy, các DNNVV cần tăng cường quản lý hiệu quả, thúc đẩy đổi mới công nghệ, tiếp cận tài chính, tìm kiếm thị trường mới, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi… Ngoài ra, các DNNVV sẽ phải cần đến chính sách ưu đãi của Chính phủ để có thể sáng tạo, cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại và đưa sản phẩm đến được với người tiêu dùng trong nước.