Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế số

Hội nhập - Ngày đăng : 03:29, 14/09/2017

Tại Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017, các nền kinh tế đã chia sẻ kinh nghiệm, các sáng kiến và công cụ hỗ trợ khởi nghiệp, nhằm hình thành một cộng đồng khởi nghiệp APEC kết nối, năng động và sáng tạo.

Ngày 12/9/2017, Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017, do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cuộc họp liên quan,  đã chính thức khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh.  

Diễn đàn tập trung thảo luận những nội dung nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp như: tạo điều kiện cho các MSMEs đổi mới, sáng tạo, xây dựng các cơ hội để hội nhập khu vực và quốc tế, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu ngay từ khi khởi nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội một cách bền vững và thân thiện với môi trường.

Trong đó, việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là tiền đề quan trọng để tinh thần kinh doanh ngày càng phát triển, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả. Hệ sinh thái khởi nghiệp cần được xây dựng có tầm nhìn dài nhằm đảm bảo tính bền vững. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về định hướng và các hoạt động của các nền kinh tế để cùng nhau xây dựng sinh thái khởi nghiệp kết nối, năng động và sáng tạo trong khu vực.

Vấn đề đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được đưa ra trao đổi với 4 nội dung chính là: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số; Giáo dục, đào tạo về khởi nghiệp, tăng cường kỹ năng nghề cho giới trẻ; Dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và Khởi nghiệp bền vững.

Có thể thấy, trong một thế giới biến đổi không ngừng, một kỷ nguyên mới của tăng trưởng dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu các nền kinh tế không có sự thích ứng kịp thời trong việc hoạch định chính sách để nắm bắt, sẽ bỏ qua nhiều cơ hội để phát triển. Vì thế, phát triển nền kinh tế số hoá đang là xu hướng bắt buộc trong khu vực APEC và thế giới. 

Phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo của công nghệ, và cũng làm thay đổi cách nhìn về thế giới. Hoạt động để thúc đẩy đổi mới sáng tạo với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển lĩnh vực trọng tâm dựa trên lợi thế cạnh tranh, ứng dụng công nghệ và liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các chuỗi giá trị ngành có lợi thế của các nền kinh tế: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, văn hoá, giải trí, logistics, và sản xuất chế biến.

Nhìn chung, để thúc đẩy khởi nghiệp, các đại biểu khuyến nghị cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ; kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và DN. Đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, chú trọng đầu tư vào đổi mới sản phẩm đối với thị trường và tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều quan trọng là cải thiện độ mở của thị trường nội địa và các quy định gia nhập thị trường, từ đó thúc đẩy phát triển các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Việc giáo dục, đào tạo về khởi nghiệp, tăng cường kỹ năng nghề cho giới trẻcũng là một trong yếu tố quan trọng để hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả.

 Trong phiên thảo luận, các sáng kiến để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo khởi nghiệp; các kinh nghiệm và bài học thực tiễn về đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển chuỗi cung ứng xanh, thực hiện trách nhiệm xã hội đã được chia sẻ giữa các nền kinh tế APEC.

Dự kiến, các sáng kiến và nội dung của Diễn đàn Khởi nghiệp APEC được thảo luận sẽ được đưa ra thành tuyên bố chung về thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC.

TH