AEM 49 tập trung thảo luận các ưu tiên thương mại và đầu tư
Diễn đàn - Ngày đăng : 06:17, 09/09/2017
Ngày 7/9/2017, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 49 và các hội nghị liên quan đã chính thức khai mạc tại thành phố Pasay, Philippines với sự tham gia của các quan chức kinh tế hàng đầu từ 10 quốc gia thành viên ASEAN, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez.
Với chủ đề “Đối tác cho sự thay đổi, hội nhập với thế giới”, Philippines - nước Chủ tịch ASEAN 2017 - đã đưa ra thông điệp Cộng đồng Kinh tế ASEAN “Tăng trưởng toàn diện và đổi mới”. Hội nghị AEM 49 sẽ thảo luận về tình hình kinh tế ASEAN và những nhiệm vụ kinh tế ưu tiên trong năm nay,, thực thi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các vấn đề trong quan hệ kinh tế đối ngoại với các đối tác ngoài khối của ASEAN. Ngoài Hội nghị AEM 49, các hội nghị quan trọng khác diễn ra từ ngày 7 – 11/9/2017 bao gồm Hội nghị thương mại tự do khu vẹc ASEAN (AFTA) lần thứ 31, Hội nghị Hội đồng Đầu tư khu vực ASEAN (AIA) lần thứ 20, Hội nghị tham vấn của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với các đối tác đối thoại và Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 5.
“Với tầm nhìn chung và hợp tác để thúc đẩy một cộng đồng hội nhập, hoà bình và ổn định, chúng ta đã tiến tới một khối kinh tế khu vực sử dụng mô hình hội nhập và hợp tác kinh tế thành công trong khuôn khổ AEC”, ông Ramon Lopez, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines và Chủ tịch AEM năm 2017 cho biết.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 49
Hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Để tăng cường thực thi Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC (AEC Blueprint 2025), Hội nghị AEM lần thứ 49 đã đưa ra những sáng kiến chính sách và các chương trình nhằm giúp khu vực hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, tăng cường thương mại và đầu tư cũng như tạo việc làm.
Tháng 2/2017, Kế hoạch Hành động chiến lược thống nhất của AEC đến năm 2025 (CSAP - Consolidated Strategic Action Plan) đã được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thông qua tại Manila để bổ sung vào bản Kế hoạch AEC Blueprint 2025. Đây là tài liệu tham chiếu công khai về những dòng hành động chủ chốt, từ các kế hoạch làm việc chuyên ngành. Trong đó, những ưu tiên hàng đầu của AEC bao gồm thương mại hàng hoá và thuận lợi hóa thương mại, thương mại dịch vụ và đầu tư để góp phần tăng trưởng kinh tế khu vực nói chung.
Trọng tâm của Hội nghị AEM lần thứ 49 là giải quyết các vấn đề giữa các quốc gia thành viên ASEAN nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp lớn và nhỏ, đồng thời đảm bảo sự phát triển công bằng giữa tất cả các khu vực cũng như các dân tộc trong ASEAN. Hội nghị cũng sẽ khẳng định lại cam kết của ASEAN về chủ nghĩa khu vực mở (open regionalism) và chương trình nghị sự AEC 2025, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến, xu hướng gia tăng bảo hộ và các nền kinh tế lớn đều có những điều chỉnh về chính sách.
Theo thỏa thuận của các Bộ trưởng vào tháng 3/2017 về việc cắt giảm chi phí giao dịch 10% vào năm 2020 và mục tiêu tăng gấp đôi thương mại nội khối ASEAN vào năm 2025, ASEAN đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để thực hiện các mục tiêu của mình.
Hội nghị AFTA lần thứ 31 sẽ tập trung vào việc tự do hóa thuế quan và giảm thiểu các rào cản phi thuế trong ASEAN đối với thương mại, vận hành Cơ chế Một cửa ASEAN, đồng thời thông qua Kế hoạch hành động chiến lược thuận lợi hóa thương mại ASEAN (ASEAN Trade Facilitation Strategic Action Plan) giai đoạn 2017 - 2025, nhằm tạo điều kiện cho thương mại xuyên biên giới, tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy các hoạt động thương mại.
Những tiến triển đáng kể trong lĩnh vực đầu tư đã được thực thi để hỗ trợ Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025. Hội nghị Hội đồng AIA lần thứ 20 nhằm mở cửa và khiến cho khu vực ASEAN trở nên hấp dẫn hơn đối với khoản đầu tư thông qua việc hoàn tất ký kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA - ASEAN Comprehensive Investment Agreement) và hoàn thiện Nghị định thư thứ ba để chuẩn bị ký kết. Những tiến triển này giúp các nước thành viên thực thi cải cách và từng bước cắt giảm, xóa bỏ các hạn chế đầu tư nhằm đạt được chế độ đầu tư tự do và cởi mở.
Tham vấn với các đối tác đối thoại
AEM 49 sẽ tiến hành các cuộc họp tham vấn nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với các đối tác đối thoại và các Hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN 1 hiện có với Úc và New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đồng thời, AEM cũng có các cuộc đối thoại với các nước đối tác như Canada, Nga, Hồng Kông và Hoa Kỳ để tăng cường các sáng kiến hợp tác về kinh tế và kỹ thuật.
Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 5 sẽ đưa ra định hướng chiến lược hướng tới mục tiêu kết thúc cơ bản đàm phán giữa 10 nước thành viên ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và các đối tác FTA (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Các Bộ trưởng khẳng định lại tiềm năng to lớn của RCEP trong việc tạo ra một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi sẽ giúp thúc đẩy khả năng cạnh tranh và năng suất, tạo việc làm và các cơ hội thị trường.
Với sự năng động và triển vọng tăng trưởng của ASEAN, khu vực này đang nổi lên như là một đối tác FTA chiến lược và hấp dẫn. Canada và Nga đã tiếp cận ASEAN thông qua các FTA có thể có. Ngoài ra, các Bộ trưởng sẽ thảo luận việc khởi động đàm phán một hiệp định thương mại tự do tương lai giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU).
Các nhiệm vụ kinh tế ưu tiên
Các Bộ trưởng cũng sẽ thông qua và hoan nghênh việc thực thi các nhiệm vụ kinh tế ưu tiên do Philippines đề xuất để trình lên xem xét tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 vào diễn ra vào tháng 11 tới. Trong số những nhiệm vụ đó bao gồm tiến trình thực hiện Chương trình hành động chiến lược và trọng tâm về đầu tư, với hoạt động “Liên kết các MSME ASEAN với các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) ASEAN và toàn cầu” dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19/10 tới.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được mức độ hội nhập sâu sắc hơn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, cũng như tiến triển đàm phán thương mại Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) để có thể kết thúc vào cuối năm 2017.
Trong lĩnh vực thuận lợi hóa thương mại, Bộ Chỉ số về thuận lợi hóa thương mại ASEAN (ASTFI - ASEAN Seamless Trade Facilitation Indicators) đã được xây dựng nhằm đo lường và giám sát mức độ thực thi thuận lợi hóa thương mại trong khu vực thông qua các hiệp định ASEAN như ATIGA, Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT) và các kế hoạch làm việc khác liên quan đến thuận lợi hóa thương mại.
Các Bộ trưởng cũng sẽ thông qua Khung Kinh doanh cùng người có thu nhập thấp (IB - Inclusive Business) ASEAN để tăng cường môi trường chính sách về IB tại các nước thành viên ASEAN, nhất trí đề xuất Chương trình hành động về trao quyền kinh tế cho phụ nữ (WEE - Women Economic Empowerment) trong AEC, thông qua Chương trình làm việc về Thương mại Điện tử giai đoạn năm 2017 – 2025 của ASEAN và hỗ trợ việc thông qua Tuyên bố ASEAN về đổi mới của các Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN.
Có thể thấy, để ASEAN tiến về phía trước, 10 nước thành viên trong Hiệp hội cần phải chung tay. Trách nhiệm đẩy mạnh hội nhập kinh tế không chỉ của nước Chủ tịch mà mỗi nước thành viên trong ASEAN cần chia sẻ trách nhiệm thúc đẩy tiến trình này cũng như hỗ trợ tất cả các kế hoạch công tác đã được thông qua.