Bắc Kinh - Thành phố đứng đầu Trung Quốc về đổi mới sáng tạo

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 11:58, 04/09/2017

Bắc Kinh đã vượt lên Thượng Hải để trở thành phố lý tưởng nhất cho nghiên cứu khoa học và đổi mới trong năm 2017 tại Trung Quốc, trong khi các tỉnh miền Trung và Tây Nam đang nhanh chóng bắt kịp.

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã đưa ra hai báo cáo về tình hình đổi mới sáng tạo của Trung Quốc trong năm 2016 và 2017. Trong đó, một báo cáo đánh giá về khả năng đổi mới tổng thể, và một báo cáo xếp hạng chi tiết và phân tích các điều kiện cũng như nguồn lực đổi mới của từng tỉnh, từ nguồn vốn tới thị trường.

Theo báo cáo năm nay, 5 tỉnh và khu tự trị được xếp hạng đổi mới sáng tạo nhất là Bắc Kinh (85 điểm); Thượng Hải (84 điểm); Thiên Tân (80 điểm); tỉnh Quảng Đông (77 điểm) và Giang Tô (76 điểm). Năm ngoái, Thượng Hải đứng đầu danh sách với 84,57 điểm.

Các điểm trên được tính dựa trên chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của tỉnh, năng suất công nghiệp, khả năng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, cơ cấu kinh tế, tài năng, số bằng sáng chế, môi trường và các yếu tố khác ảnh hưởng đến khoa học và đổi mới.

Năm khu vực được xếp hạng thấp nhất là các tỉnh Thanh Hải (42 điểm); Vân Nam (41 điểm), Quý Châu (40,83 điểm); tỉnh Tân Cương (40,75 điểm); và các khu tự trị Tây Tạng (31 điểm). Chỉ số đổi mới năm 2017 trung bình của tất cả các tỉnh là 67,57, tăng 1,08 điểm so với năm trước.

Theo ông Xu Jing, Giám đốc Văn phòng Phát triển và Đổi mới sáng tạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhìn chung năng lực đổi mới của cả nước đã được cải thiện đáng kể trong 5 năm qua. Ông cho biết thêm: "Trung bình cả nước đã tăng 7,3 điểm trong 5 năm qua". Trong đó, các tỉnh ven biển chiếm hơn một nửa kết quả đổi mới của Trung Quốc, còn các tỉnh miền trung và phía tây đang nhanh chóng bắt kịp tốc độ. Một số ví dụ điển hình là các tỉnh Hubei (đứng thứ 7); thành phố tự trị Trùng Khánh (thứ 8); và tỉnh An Huy (thứ 15), tất cả đều nhảy lên vài hạng trong 5 năm qua

Đối với các tỉnh phía tây như Tứ Xuyên và Thiểm Tây, “khả năng đổi mới sáng tạo tổng thể của họ đang tăng với tốc độ chóng mặt, nhưng họ vẫn còn tụt hậu so với các tỉnh phát triển khác”, ông Xu Jing cho biết. "Những đổi mới sáng tạo từ các tỉnh phía tây cũng gắn kết chặt chẽ với Sáng kiến Vành đai và Con đường, một cơ hội phát triển độc đáo và hiệu quả".

Phó Giám đốc Học viện Phát triển Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Wu Yishan cho biết:” Để hỗ trợ các tỉnh phía tây bắt kịp, chính quyền địa phương đã tăng ngân sách cho nghiên cứu cơ bản và thương mại hóa các công nghệ”.

Trong 5 năm qua, các tỉnh phía tây đã có mức tăng trưởng ngân sách 68,6%, cao hơn một chút so với các tỉnh phía đông 67,3 %. Đồng thời, khu tự trị Choang ở Quảng Tây đã tăng gấp bốn lần số lượng sáng chế, trong khi các khu vực tự trị như Tây Tạng, Ninh Hạ và Tân Cương và Thanh Hải tăng gấp đôi.

Mặc dù các kết quả đổi mới sáng tạo cũng như số lượng sáng chế của Trung Quốc đang tăng lên, các báo cáo cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, ví dụ mức lương trung bình cho các nhà nghiên cứu tại 24 trong số 31 tỉnh được điều tra hiện vẫn nằm dưới mức giới hạn quốc gia.

Đồng thời, kinh phí từ chính quyền các tỉnh và các công ty bắt đầu có dấu hiệu chậm lại vào năm 2017, và ô nhiễm tại nhiều tỉnh vẫn vượt mức tiêu chuẩn quốc gia.

TH