Nhật Bản ứng dụng AI để giảm tắc nghẽn giao thông tại các điểm nóng du lịch
Diễn đàn - Ngày đăng : 04:11, 31/08/2017
Theo đó, dự án sẽ sử dụng dữ liệu về lưu lượng giao thông được thu thập thông qua một mạng các camera được lắp đặt trên các đường cao tốc, đường phố chính và các địa điểm khác để dự đoán những vị trí có thể xảy ra tắc nghẽn giao thông, nhằm giảm bớt hoặc thậm chí ngăn chặn tắc nghẽn. Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Vận tải và Du lịch Nhật Bản hy vọng việc khai thác dữ liệu để giúp các lái xe tránh bị ùn tắc giao thông sẽ thúc đẩy ngành du lịch và đem lại sức sống mới cho các khu vực địa phương.
Sau khi đánh giá các đề xuất từ các khu du lịch nổi tiếng trên toàn quốc, Bộ sẽ lựa chọn hai hoặc ba địa điểm để triển khai dự án vào tháng 9 tới. Dự án thí điểm sẽ được tiến hành trong một vài năm, sau đó hệ thống này sẽ được đưa vào triển khai và thực thi trên phạm vi toàn quốc.
Theo kế hoạch của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Vận tải và Du lịch Nhật Bản, một mạng lưới các camera sẽ được lắp đặt tại các nút giao cắt trên đường cao tốc, các trục đường chính và các địa điểm khác. Camera ghi lại dữ liệu một cách chi tiết như số lượng các phương tiện di chuyển theo những hướng nào tại những thời điểm và mùa nhất định. Dự án sẽ sử dụng hệ thống thu phí điện tử thế hệ kế tiếp (ETC 2.0) được lắp đặt trên các phương tiện để thu thập thông tin như lộ trình, tốc độ của phương tiện và những điểm mà người lái xe sử dụng phanh.
Hiện nay, việc dự báo tắc nghẽn chủ yếu tập trung vào các tuyến đường cao tốc và các tuyến quốc lộ, và bị giới hạn bởi ước tính dựa trên thông tin thu thập được trong quá khứ. Trong khi đó, các dự báo mới sẽ được đưa ra trên cơ sở tính toán dựa trên việc kết hợp dữ liệu chi tiết theo thời gian thực và tình trạng tắc nghẽn trong quá khứ. Hệ thống sẽ sử dụng khả năng học hỏi của AI để suy luận ra các công thức nhằm dự đoán những tình huống có thể xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Kết quả là có thể dự đoán tình trạng tắc nghẽn trước vài giờ cho các địa điểm, vị trí cụ thể, như một số điểm du lịch nhất định và các khu vực xung quanh.
Sau đó, các dự báo tắc nghẽn này sẽ được cung cấp cho các chính quyền địa phương và lực lượng cảnh sát có thẩm quyền. Trên những tuyến đường mà lưu lượng giao thông có khả năng tăng cao, chính quyền địa phương sẽ thực hiện các bước như tăng thời gian tín hiệu đèn giao thông màu xanh và điều tiết giao thông bằng cách hạn chế luồng phương tiện vào.
Ngoài ra, thông tin này cũng sẽ được gửi tới các ứng dụng smartphone và các hệ thống định vị để giúp người lái xe tránh đi vào các tuyến đường có tắc nghẽn. Nó cũng sẽ khuyến khích việc sử dụng các bãi đỗ xe trung chuyển (park and ride), theo đó các phương tiện đỗ tại bãi đỗ xe và các vị trí cách xa trung tâm thành phố, sau đó hành khách đi đến đích bằng các phương tiện công cộng như tàu hoả hoặc xe buýt.
Theo một cuộc khảo sát của Bộ Đất đai, Hạ tầng Cơ sở, Giao thông và Du lịch Nhật Bản hiện có khoảng 9.000 địa điểm trên khắp cả nước có xu hướng thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Trong số đó, khoảng 20% nằm trong hoặc gần các địa điểm du lịch phổ biến. Bộ hy vọng ứng dụng dự báo thực tế mới sẽ giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn mà đang cản trở sự phát triển của ngành du lịch nước này.
ETC 2.0 Đây là một hệ thống thu phí điện tử không dừng thế hệ kế tiếp, đã được giới thiệu vào tháng 8/2015. Hệ thống có thể thu thập khối lượng lớn dữ liệu như thông tin vị trí và tốc độ của phương tiện thông qua giao tiếp hai chiều giữa các thiết bị được lắp đặt dọc theo hai bên đường cao tốc và các đường quốc lộ với các bộ liên lạc trên xe (onboard unit) và hệ thống dẫn đường xe. Bộ Đất đai, Hạ tầng Cơ sở, Giao thông và Du lịch sẽ sử dụng dữ liệu thu thập được cho các mục đích bao gồm giảm bớt tắc nghẽn giao thông và ngăn ngừa tai nạn xe cộ. Tính đến cuối tháng 7/2017, khoảng 1,94 triệu xe được trang bị bộ liên lạc trên xe, chiếm hơn 2% trong tổng số khoảng 81 triệu xe tại Nhật Bản. |