Cần đẩy mạnh truyền thông về ASEAN trên môi trường số

Diễn đàn - Ngày đăng : 00:18, 31/08/2017

Đại biểu truyền thông của các nước ASEAN đã nhấn mạnh cần đẩy mạnh truyền thông về ASEAN trên môi trường số tại sự kiện Đối thoại ASEAN về Thông tin và Truyền thông (TTTT) (ASEAN Information and Media Dilogue) vừa được tổ chức cuối tháng 8/2017 tại trụ sở của Ban Thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesia.

Sự kiện được tổ chức thông qua sự hỗ trợ của Quỹ Văn hóa ASEAN (ACF) và Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN với sự tham gia của đại diện các cơ quan truyền thông các nước thành viên ASEAN.

Phó Tổng Thư ký ASEAN Vongthep Arthakaivalvatee phát biểu tại Đối thoại

Tại Đối thoại, Phó Tổng Thư ký ASEAN Vongthep Arthakaivalvatee đã nhấn mạnh TTTT đóng một vai trò quan trọng trong truyền thông các thông tin về ASEAN một cách hiệu quả, thông tin đến mọi người dân ASEAN là một “cộng đồng các cơ hội” (Community of opportunity) và ASEAN là một tổ chức “hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm” (people oriented, people-centred) và quảng bá bản sắc ASEAN, thúc đẩy sự đoàn kết giữa nhân dân các nước trong khu vực. TTTT góp phần hình thành nhận thức của người dân về ASEAN cũng như việc xây dựng cộng đồng thông qua những hành động cụ thể, như việc thực hiện các kế hoạch truyền thông khu vực và quốc gia. Các phương tiện truyền thông trong khu vực cũng tham gia vào việc quảng bá văn hóa, di sản và lịch sử của ASEAN. 

Trong tương lai, Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển thì sự hợp tác trong thông tin và phương tiện truyền thông ngày càng có vai trò quan trọng, mang lại những cơ hội mới cho người dân ASEAN và cộng đồng toàn cầu. 

Theo Phó Tổng thư ký, trong bối cảnh truyền thông liên tục thay đổi do sự thay đổi của công nghệ, sở thích của bạn đọc, khán thính giả và nhân khẩu học nên nội dung và truyền thông các câu chuyện ASEAN phải đáp ứng được các nhóm người đọc đa dạng trong xã hội để nâng cao nhận thức về các vấn đề khu vực. Phó Tổng thư ký nhấn mạnh truyền thông ASEAN cần đóng vai trò tích cực, chung tay nâng cao sự hiểu biết và hợp tác khu vực vì tương lai của ASEAN.

Đối thoại ASEAN về TTTT gồm 4 phiên thảo luận tập trung vào các nội dung: Tổng quan Kế hoạch chiến lược ASEAN về TTTT 2016 - 2025; Tổng quan về Thông tin và các dự án về Truyền thông ASEAN; Truyền thông và các vấn đề về quyền con người, về giới, thanh niên; Vai trò của truyền thông trong xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Theo ông Noel George Puiat, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cấp cao về thông tin ASEAN (SOMRI), Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2015 (ASEAN Socio-Cultural Community Blueprint) 2015 đã đề ra các chiến lược và các chương trình của cộng đồng ASEAN hướng về con người, thân thiện môi trường và phát triển bển vững. Xây dựng một bản sắc ASEAN là một trong những yếu tố cốt lõi của Kế hoạch tổng thể này và cùng với các yếu tố khác để thúc đẩy sự hiểu biết và nhận thức về cộng đồng. TTTT đóng vai trò quan trọng hình thành sự hiểu biết và xây dựng cộng đồng thông qua các hành động như triển khai các kế hoạch khu vực và quốc gia, thực hiện tài liệu đa phương tiện về ASEAN. Truyền thông trong khu vực cần đóng góp quảng bá văn hóa, di sản và lịch sử.

Kế hoạch tổng thể này đã đưa ra một Kế hoạch chiến lược cho TTTT giai đoạn 2016 – 2025. Đây là kế hoạch hướng dẫn sự phát triển và hợp tác của ngành TTTT khu vực, hướng tới việc hỗ trợ các trụ cột và các lĩnh vực khác của cộng đồng nhằm tuyên truyền, vận động cho các chính sách và sáng kiến được thực hiện bởi ASEAN thông qua các cơ chế khác nhau hướng tới các lợi ích của ASEAN. 

Theo đó, TTTT giai đoạn 2016 - 2025 tập trung vào các chương trình hành động như: Tăng cường hợp tác và các thỏa thuận cấp ASEAN nhằm cung cấp các cơ chế khu vực để thúc đẩy tiếp cận thông tin; khuyến khích phát triển các chương trình và phổ biến thông tin về các lợi ích và cơ hội do cộng đồng ASEAN mang lại, thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau, đánh giá cao sự đa dạng của khu vực; phát huy hiệu quả của việc sử dụng thông tin và công nghệ truyền thông, đồng thời thu hút các chuyên gia truyền thông, nghiên cứu, kinh doanh và các tổ chức khác trong việc phát triển các hợp tác trong ASEAN.

Toàn cảnh đối thoại

Cũng tại đối thoại, vai trò của truyền thông trong xây dựng cộng đồng ASEAN đã được bàn thảo sâu qua các nội dung: Những thách thức trong việc truyền thông các câu chuyện về ASEAN để hấp dẫn, thu hút; cách thức hợp tác để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN với truyền thông nâng cao nhận thức ASEAN là “một cộng đồng các cơ hội”.

Theo các đại biểu truyền thông đến từ các nước trong khu vực, có một số thách thức trong truyền thông về ASEAN như nhiều nhà báo ASEAN có những giới hạn khi giao tiếp, tiếp cận thông tin ASEAN bằng tiếng Anh, giới hạn về công nghệ để thực hiện những nội dung báo chí cho hấp dẫn, chưa nhiều nội dung ASEAN bằng ngôn ngữ bản địa… ASEAN cần có định hướng trong các công tác truyền thông về quyền con người, về giới, đề xuất những câu chuyện điển hình về hội nhập ASEAN… ASEAN cũng cần có chiến lược TT&TT số, dành thêm không gian cho truyền thông tiếp cận thông tin, chia sẻ, tham chiếu dễ dàng, phát triển nội dung số trên di động… bởi nhiều người dân, đặc biệt giới trẻ tiếp cận thông tin ngày càng nhiều qua di động. Các nước cần cập nhật tin tức, hình ảnh về ASEAN không chỉ trên các mạng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter mà còn cả trên Instagram, thực hiện nhiều nội dung số cô đọng như làm Infographic, video clip… để thu hút bạn đọc đến với nội dung cần truyền tải.

Theo ông Jonni Mardizal, Thứ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cấp cao thanh niên ASEAN (SOMY) cho biết ASEAN có 630 triệu dân, 60% là người trẻ. Theo đó, các cơ quan truyền thông ASEAN có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau trong giới trẻ ở các quốc gia thành viên ASEAN. ASEAN cũng rất cần một sự hỗ trợ của các bên trong việc hình thành một không gian an toàn và khả thi cho giới trẻ ASEAN thể hiện các ý tưởng và chia sẻ các thông tin hữu ích. Điều quan trọng theo ông Jonny Mardizal, truyền thông cần nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong việc sử dụng các thông tin hữu ích và trao đổi kiến thức trên cả truyền thông xã hội. Nhóm công tác của các quan chức sẵn sàng hợp tác với Nhóm quan chức cao cấp ASEAN về thông tin để đảm bảo giới trẻ có được các không gian số an toàn, tránh bạo lực, xâm phạm, sự thù hằn.

Đại diện đoàn Việt Nam tham gia đối thoại, ông Mai Ánh Hồng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TTTT cho biết truyền thông Việt Nam đã thông tin tốt về các hoạt động của ASEAN và điều này giúp cho toàn thể người dân Việt Nam, từ thành phố đến vùng sâu, vùng xa, đều có thể biết rõ về các hoạt động của ASEAN trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2017 cũng như giai đoạn phát triển tiếp theo trong tương lai. Đoàn Việt Nam cũng kiến nghị ASEAN cần có những số liệu chính thức, kịp thời cung cấp cho truyền thông ASEAN, đồng thời chia sẻ, trao đổi các tin tức, những câu chuyện hội nhập ASEAN thành công giữa các nước thành viên.

Tại Đối thoại, Ban Thư ký ASEAN cũng đã giới thiệu các nội dung về giới và truyền thông, giới trẻ và TTTT. Đại diện của Nhật Bản đã giới thiệu chính sách phát thanh truyền hình Nhật Bản. Đại diện của Hàn Quốc chia sẽ sẵn sàng hỗ trợ các nước ASEAN trong công tác TTTT.

Các đại biểu tham dự Đối thoại TTTT ASEAN 2017

Đối thoại về TTTT ASEAN là một sáng kiến mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực TTTT ASEAN nhằm tăng cường sự tham gia của các đơn vị truyền thông, kể cả tư nhân ở cấp khu vực và quốc tế; và thảo luận các biện pháp để các phương tiện truyền thông có thể nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân, đặc biệt là các nội dung về quyền con người, về giới và giới trẻ.

Lan Phương