Malaysia đẩy mạnh phát triển thành phố thông minh tại Cyberjaya
Chính phủ số - Ngày đăng : 08:26, 25/08/2017
Ngày càng có nhiều các thành phố ở châu Á tìm cách phát triển kinh tế địa phương bằng cách dựa vào tri thức. Một ví dụ về “thành phố tri thức” như vậy là một đặc khu kinh tế mang tên Multimedia Super Corridor (MSC) ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Chương trình phát triển tham vọng này là một bước hiện thực hóa chiến lược Tầm nhìn 2020 của Malaysia với mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Trong đó tập trung thiết lập và phát triển những khu đô thị trong MSC để làm trung tâm cho các lĩnh vực mũi nhọn. Cyberjaya là một đô thị như vậy, đóng vai trò một trung tâm công nghệ thông tin mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đây là không gian dành cho những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; cho sinh viên theo đuổi giấc mơ thay đổi cuộc sống bằng công nghệ; cho những gã khổng lồ công nghệ thực hiện những khám phá mới và cho các doanh nghiệp nhỏ muốn mở rộng ra thị trường quốc tế.
Mới đây nhất, một chương trình thí điểm dự kiến sẽ được triển khai trong quý III năm 2017 nhằm tạo điều kiện cần thiết cho Cyberjaya hiện thực hóa tham vọng trở thành một thành phố thông minh. Với sự hỗ trợ của hãng thanh toán điện tử Mastercard, chương trình sẽ kiểm thử nhiều ứng dụng, bao gồm thanh toán điện tử, đặt vé các phương tiện giao thông công cộng qua di động, chia sẻ xe đạp và sử dụng chatbot trong ngành thực phẩm và nước giải khát.
Đặc biệt, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Mastercard sẽ triển khai công nghệ Masterpass QR cho phép khách hàng thanh toán hàng hoá và dịch vụ qua điện thoại thông minh của mình bằng mã QR mà không cần thiết bị thanh toán đầu cuối PoS (Point-of-Sale). Các đại lý tham gia, như các cửa hàng thực phẩm và các cửa hàng cà phê tại Cyberjaya và gần Putrajaya, thủ đô hành chính của Malaysia, chỉ đòi hỏi hiển thị mã Masterpass QR tại POS để chấp nhận thanh toán điện tử. Tại các nhà hàng, người tiêu dùng có thể tạo các đơn đặt hàng thông qua các chatbot dựa trên trí tuệ nhân tạo và kiểm tra các đơn đặt hàng sử dụng Masterpass thông qua một cú nhấp chuột.
Theo ông Perry Ong, người phụ trách Mastercard tại Malaysia và Brunei, thanh toán điện tử là trọng tâm trong sức mạnh kinh tế của thành phố và việc tích hợp nó rất quan trọng để thúc đẩy một không gian thông minh hơn, toàn diện và bền vững hơn cho người dân, người đi làm và các doanh nghiệp địa phương. “Bằng cách tận dụng các kiến thức chuyên sâu về công nghiệp và chuyên môn kỹ thuật, chúng tôi sẽ làm việc hướng tới việc nâng cao hệ sinh thái thanh toán của Cyberjaya bằng một bộ giải pháp số toàn diện đơn giản, an toàn và thông minh”, ông cho biết thêm.
Thông qua mối quan hệ hợp tác giữa Mastercard và Masabi, một nhà cung cấp hệ thống bán vé qua điện thoại di động, những người đi làm tại Cyberjaya sẽ có cơ hội sử dụng ứng dụng JustRide của Masabi để mua vé xe buýt mà không cần phải xếp hàng và chờ đợi để mua vé giấy khi đi xe buýt.
Ông Gerald Wang, người đứng đầu bộ phận giáo dục và chính phủ của IDC khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Bằng cách làm việc với những người tham gia khác trong hệ sinh thái thành phố thông minh, Malaysia đã thu hút rất nhiều những đối tác khác nhau”. Theo ông, điều này sẽ cho phép Cyberjaya nhanh chóng khởi động các dự án thành phố thông minh của mình, đồng thời tránh được các thủ tục hành chính phức tạp đang gây cản trở cho sự phát triển của thành phố thông minh tại các quốc gia khác trên thế giới. Bước tiếp theo đối với Cyberjaya đó là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối cần thiết để thúc đẩy các dự án thành phố thông minh.
Ông cho biết thêm: “Khi Malaysia triển khai nhiều thiết bị cảm biến hơn, thậm chí có thể cần phải xây dựng một mạng riêng cho các thiết bị Internet, như Singapore đã làm, để đảm bảo an ninh và bảo mật dữ liệu”.
Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã và đang triển khai các dự án thành phố thông minh, trong đó những quốc gia có lợi thế vượt trội về hệ thống hạ tầng mới, hiện đại sẽ có cơ hội thành công cao lớn hơn.