Nhật Bản đầu tư lớn cho phát triển chip AI
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 09:00, 23/08/2017
Lo ngại ngành công nghiệp trong nước bị bỏ lại phía sau, Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ để phát triển chất bán dẫn (semiconductor) phục vụ cho trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới khác. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản xem việc phát triển AI là yêu cầu cấp bách để phát triển các lĩnh vực sản xuất mới, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.
Nhật Bản đã từng đổ khoản tiền lớn để phát triển chip, thậm chí cả trong giai đoạn thử nghiệm. Điều đó cho thấy lĩnh vực này đã được các công ty Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Hiện Bộ Kinh tế, Thương Mại và Công nghiệp Nhật Bản dự kiến sẽ hỗ trợ tài chính để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này mua phần mềm và thiết bị cần thiết. Bộ này hy vọng việc này sẽ thiết lập nền tảng cơ bản cho phát triển các công nghệ tiên tiến và thu hút tài năng có thể tham gia cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Để bước vào kỷ nguyên AI, phần mềm và các chip phù hợp có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng lớn dữ liệu. Ngành chip AI vẫn đang ở vào giai đoạn đầu, nhưng sự cạnh tranh đang gia tăng nhanh chóng. Google và Intel đã và đang phát triển công nghệ này, gần đây Microsoft cũng gia nhập cuộc đua.
Ngành công nghiệp Nhật Bản đang có sự dịch chuyển đáng kể từ sản xuất sang dịch vụ. Cụ thể, AI và công nghệ IoT được cho là sẽ được chấp nhận trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng thiếu chip hiệu quả có chi phí thấp và phù hợp, thì toàn bộ quá trình này có thể không thành công.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tin tưởng không giống như thị trường cho các chip truyền thống đa năng trước đây, cuộc cạnh tranh toàn cầu về chip cho AI và các công nghệ mới chỉ mới bắt đầu. Do đó, các nhà phát triển Nhật Bản cần sự hỗ trợ của nhà nước.
Preferred Networks có trụ sở tại Tokyo là một trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp đang chạy đua phát triển các chip mới cùng với các tập đoàn, nhưng đây là một công việc tốn kém.
Chi phí thử nghiệm một nguyên mẫu tốn khá nhiều chi phí, khoảng 3 tỷ yên
Các nhà phát triển thường phải chi khoảng 500 triệu yên đến 1 tỷ yên cho phí cấp phép phần mềm cần thiết để thiết kế chip. Sau đó sẽ cần thêm 1 tỷ yên nữa hoặc trên dưới mức tương đương như thế để thiết kế thiết bị thử nghiệm. Để tạo ra một chip đầu tiên dựa trên thiết kế này cần khoảng 500 triệu yên và để làm ra một nguyên mẫu sẽ mất khoảng vài trăm triệu yên nữa. Như vậy tổng cộng sẽ mất vải tỷ yên, quá trình này quả là tốn kém.
Theo chương trình mới, nhà nước sẽ hỗ trợ giảm chi phí đầu tư ban đầu bằng cách mua phần mềm và thiết bị cần thiết cho các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu sử dụng. Hạ tầng do nhà nước đầu tư đã sẵn sàng tại Viện Khoa học và Công nghệ công nghiệp tiên tiến quốc gia (AIST), các cơ sở nghiên cứu của chính phủ và các trường đại học.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ lập kế hoạch đề nghị các nhà sản xuất chip hàng đầu trong nước hỗ trợ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Kể từ năm 2015, chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực hỗ trợ các nghiên cứu AI thông qua các biện pháp như thiết lập các cơ sở nghiên cứu tại AIST và Riken, viện nghiên cứu khác thuộc chính phủ. Cũng theo Bộ này, cuộc đua lớn này đã được khởi động nhờ sự phổ biến của AI và các công nghệ IoT. Trong điện toán đám mây, Google và Amazon đã thiết lập một vị trí thống trị cho chính họ. Trong lĩnh vực ô tô tự lái, nhà máy thông minh và các lĩnh vực xử lý dữ liệu khác, vẫn còn chỗ cho các công ty Nhật Bản tham gia.
Để có tiền đầu tư cho chương trình, Bộ này sẽ lên kế hoạch tìm kiếm hơn 10 tỷ yên từ ngân sách của năm tài chính 2018, và cũng sẽ hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu cơ bản về bán dẫn thế hệ kế tiếp.