Hạ tầng ICT đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Chính phủ số - Ngày đăng : 15:05, 21/08/2017

Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là một động lực quan trọng và cơ bản cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ được hiện thực tiễn hóa toàn diện.

LI Yong, Giám đốc của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã có bài viết trên ITU News/itu.int chia sẻ về tầm quan trọng của hạ tầng ICT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Theo Giám đốc UNIDO Li Yong, chúng ta đang bước vào giai đoạn khởi đầu mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc cách mạng khác biệt rất lớn với các cuộc cách mạng trước đó. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ 1784) diễn ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ 1870)  được xây dựng khi loài người phát hiện ra động cơ điện. Cuộc cách mạng lần thứ ba (từ 1969) dựa trên công nghiệp điện tử và CNTT.

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - phức tạp hơn, được xác định bởi xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong các công nghệ sản xuất. Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là một động lực quan trọng và cơ bản cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ được thực tiễn hóa toàn diện.

Các cuộc cách mạng công nghiệp

Ở nhiều nước phát triển, công nghiệp 4.0 và việc ứng dụng ICT đã khá tiến bộ. Các công ty đã ứng dụng nhiều giải pháp sáng tạo, ví dụ thông qua các công nghệ IoT, điện toán đám mây, cơ khí hóa và in 3D. Các giải pháp này cho phép tương tác cao hơn, các quá trình công nghiệp linh hoạt hơn, và sản xuất thông minh và tự động hóa. Hơn nữa, các cấu phần vật lý của sản xuất công nghiệp đang được chuyển đổi thành các hệ thống vật lý mạng nhờ kết nối mạng số, thông minh cho phép quản trị thời gian thực các quy trình sản xuất ở các khoảng cách xa và các sản phẩm lớn.

Phản hồi của chính phủ

Chính phủ ở nhiều quốc gia phát triển đã công bố các chiến lược trung và dài hạn để đáp ứng các xu hướng phát triển này. Ví dụ, chính phủ Đức đã luật hóa cam kết của nước này về công nghiệp 4.0 bằng cách thiết lập một nền tảng, nhóm các đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp, khoa học và thương mại thành 5 nhóm công tác. Bộ Kinh tế Mexico cũng đã xây dựng một lộ trình quốc gia cho công nghiệp 4.0, nêu rõ các cơ hội và các thách thức, và lập danh sách các bước hành động. Nỗ lực tương tự ở cấp chính sách cũng đang diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có Chiến lược công nghiệp số hóa châu Âu của Ủy ban châu Âu (EC) và Chiến lược robot mới của Nhật Bản.

Cơ hội cho các nước đang phát triển

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng mang lại nhiều cơ hội quan trọng cho các nước kém phát triển. Các quá trình sản xuất tiên tiến có thể đưa tới việc sản xuất và tiêu thụ bền vững hơn, do đó đóng góp vào Chương trình phát triển bền vững 2030 và đạt các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG). Điều này liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững thứ 9 của Liên hợp quốc là Xây dựng hạ tầng linh hoạt, thúc đẩy công nghiệp hóa bền vững và tổng quát và thúc đẩy sáng tạo - là trọng tâm công tác của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO). Hơn nữa, các nước đang phát triển có thể hưởng lợi từ các kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến hơn ở cấp doanh nghiệp và chính sách, và để đi tắt đón đầu Công nghiệp 4.0.

Trang bị thêm thiết bị sản xuất sẽ mang lại cơ hội cho các nước đang phát triển để đạt sản xuất bền vững với chi phí thấp.

Một bước đi quan trọng hướng tới triển khai toàn diện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là số hóa (digitalization). Số hóa sẽ làm luồng thông tin toàn cầu rẻ hơn và dễ dàng tiếp cận hơn. Các công nghệ số có thể nâng cao hiệu suất và cạnh tranh, cũng như nâng cao nguồn lực và hiệu quả năng lượng, do đó tạo ra các cơ hội việc làm và kinh doanh mới cùng với việc bảo vệ môi trường.

Số hóa, thương mại điện tử và tiếp thị trực tuyến có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua các thách thức logistic và khoảng cách địa lý, tăng cường khả năng tiếp cận các thị trường của doanh nghiệp.

Tác động của số hóa cũng có thể đóng góp vào việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (circular economy - một nền kinh tế mà các nguồn lực được duy trì sử dụng lâu dài thông qua việc tái sử dụng tái sản xuất và tái chế.

Vượt qua các thách thức số hóa

Rõ ràng việc tích hợp các công nghệ số đặt áp lực lên các doanh nghiệp và chính phủ các nước phải điều chỉnh mô hình kinh doanh và khung pháp lý. Các thách thức khác cũng cần phải đối mặt, đó là việc thiếu dữ liệu, các kỹ năng không còn phù hợp, thiếu cơ sở hạ tầng vật lý và số, kết nối hạn chế. Điều này đặc biệt đúng ở các nước và các nền kinh tế đang phát triển đang trong quá trình chuyển đổi.

Cần thiết phải có nhiều bước đi ở cấp chính sách và doanh nghiệp để phản hồi các thách thức này, thúc đẩy hoạt động công nghiệp bền vững và tổng quát để mang lại nhiều việc làm hơn nhằm phát triển kinh tế.

Các bước đi bao gồm:

Hạ tầng vật lý và số tin cậy cần được xây dựng để được tiếp cận rộng rãi. Hiện tại có 3,9 tỷ người, chiếm gần một nửa dân số - chưa thể hoặc rất ít tiếp cận Internet. Khoảng cách số lớn giữa các khu vực đang phát triển và phát triển cần phải được giải quyết để đạt được các lợi ích toàn diện của cuộc cách mạng 4.0.

Cả doanh nghiệp nhỏ và lớn cần phải tìm ra các cách thức mới, sáng tạo hơn trong tổ chức các quy trình sản xuất truyền thống. Các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi sản xuất từ “tập trung hóa” sang “phân quyền” nhiều hơn, mà ở đó một sản phẩm có thể sử dụng máy móc thông minh để giao tiếp những gì cần được hoàn thiện, thay cho đơn giản là sẽ “được xử lý”.

Hạ tầng ICT cần một loạt kỹ năng mới, ví dụ trong các lĩnh vực cơ điện tử, nông nghiệp chính xác, dược phẩm số, thiết kế robot, và thiết kế lưới thông minh, cũng như quản trị. Các kỹ năng này không thể được hình thành trong một đêm và cần phải có những thay đổi trong giáo dục và dạy nghề.

Các doanh nghiệp và chính phủ các nước cần phải điều chỉnh theo một thực tiễn mới, mà ở đó người lao động cộng tác, cùng tồn tại với máy móc (đồng nghiệp) trong các ngành công nghiệp mới, như dược phẩm số và nông nghiệp chính xác...

Một sự thống nhất về các tiêu chuẩn mới cho trao đổi dữ liệu liên quan đến Công nghiệp 4.0 cần phải đạt được. Khách hàng và nhiều bên khác có thể cần các tiêu chuẩn này. Chúng có thể liên quan đến trao đổi và lưu trữ dữ liệu lớn, an ninh và sự riêng tư, cũng như các quy định hướng dẫn mối quan hệ giữa máy móc và lực lượng lao động.

UNIDO sẵn sàng hợp tác với các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, các doanh nghiệp để vượt qua các thách thức này và hiện thực hóa tiềm năng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ICT để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. UNIDO và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) gần đây đã cam kết củng cố sự hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hạ tầng băng rộng, phát triển các tiêu chuẩn ICT quốc tế để kết nối những vùng chưa được kết nối và cho phép mọi người trên toàn thế giới hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Lan Phương