Công nghiệp CNTT, điện tử cần sự hỗ trợ thực chất hơn từ Nhà nước
Chính phủ số - Ngày đăng : 14:59, 21/08/2017
Tại Tọa đàm "Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới" được Bộ TT&TT tổ chức mới đây, lĩnh vực công nghiệp CNTT - điện tử đã được các đại biểu tham dự mong muốn có sự hỗ trợ về chính sách, ưu đãi để ngành phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ông Đỗ Vũ Anh, Thành viên HĐTV Tập đoàn VNPT đã đóng góp một số ý kiến đáng chú ý. Theo ông Đỗ Vũ Anh, có một số vấn đề cần quan tâm, đó là các Nghị định, văn bản, chính sách rất quan trọng, giúp định hướng cho các doanh nghiệp (DN), nhất là với các DN nhà nước, giúp DN có thể nắm bắt được các cơ hội, thách thức; lên được kế hoạch để có thể sẵn sàng đáp ứng được những yêu cầu của thị trường. VNPT đang triển khai rất nhiều dự án về chính quyền điện tử, cổng thông tin hành chính một cửa… Trong quá trình thực hiện các dự án phục vụ cho các cấp chính quyền, có nhiều tỉnh làm rất tốt, nhẹ nhàng nhưng nhiều tỉnh triển khai còn gặp khó khăn.
Ông Đỗ Vũ Anh, Thành viên Hội đồng Thành viên VNPT
Cụ thể, ông Đỗ Vũ Anh nêu: Cổng thông tin hành chính một cửa với 4 cấp độ, xuống đến các cấp độ phía dưới gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như về quản lý đất, liên quan đến sổ đỏ và nhiều vấn đề khác… Sổ đỏ có 3 người, 1 trong 3 người đi vắng, rất khó để giải quyết. Đây là thực tế, cũng không phải là không giải quyết được nhưng không giải quyết nhanh như DN kỳ vọng.
Vấn đề cụ thể liên quan đến văn bản, chính sách, ông Đỗ Vũ Anh cho biết tại Điều 48 của Luật CNTT về chính sách phát triển công nghiệp CNTT có nêu: “Nhà nước có chính sách ưu đãi, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp CNTT, đặc biệt chú trọng công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung để trở thành một ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân”, nhưng tới năm 2016, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam. Như vậy là từ Luật cho đến Nghị định hướng dẫn cũng có “độ trễ” nhất định.
Một dẫn chứng khác là điều 74 của Luật CNTT quy định một số nội dung khuyến khích hỗ trợ người tàn tật có ghi: “Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và ưu đãi khác cho hoạt động: Nghiên cứu - phát triển các công cụ và ứng dụng nhằm nâng cao khả năng của người tàn tật trong việc truy nhập, sử dụng các nguồn thông tin và tri thức thông qua sử dụng máy tính và cơ sở hạ tầng thông tin; Sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, dịch vụ, ứng dụng CNTT và nội dung thông tin số đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người tàn tật”. Bên cạnh đó, Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng có quy định “Nhà nước có chính sách miễn, giảm thuế cho cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, trợ giúp sinh hoạt, học tập và lao động cho người khuyết tật”.
Tuy nhiên, triển khai thực tế những quy định trên chưa có hướng dẫn, theo đó, ông Đỗ Vũ Anh kiến nghị: “Với những Luật ban hành ra cần sớm có hướng dẫn để quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả hơn”.
Để phát triển lĩnh vực phát triển công nghiệp CNTT mạnh mẽ hơn nữa, ông Trần Hữu Quyền, Tổng Giám đốc VNPT Technology cho biết không nên phân biệt DN trong nước và nước ngoài thuộc lĩnh vực này.
Ông Trần Hữu Quyền, Tổng Giám đốc VNPT Tech
“DN trong nước đang bị “phân biệt” so với FDI, đặc biệt là về CNTT. Chúng tôi chưa dám xin được ưu đãi hơn và chỉ xin được bình đẳng như FDI. Còn giữa DN tư nhân và nhà nước, chúng tôi cũng xin DN nhà nước được đối xử như DN tư nhân. DN tư nhân chỉ hoạt động theo Luật DN, trong khi đó DN nhà nước ngoài Luật DN còn phải thực hiện có một số chế tài khác", ông Quyền cho hay.
Ông Quyền cũng nêu một kiến nghị với giới truyền thông giúp, định hướng truyền thông, tôn vinh cho sản phẩm Việt như của Bkav, VNPT... Việt Nam chưa có công nghệ bán dẫn nên sản phẩm Việt phải dùng công nghệ bán dẫn nước ngoài. Tuy nhiên, sản phẩm Việt cần được tôn vinh bởi ý tưởng tạo ra sản phẩm của người Việt, do người Việt phát triển... "Nếu bị “vùi dập”, bị chê là từ nước khác thì nền công nghiệp nói chung, công nghiệp CNTT Việt Nam sẽ chết yểu sớm”, ông Quyền cho hay.
Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT
Trong khi đó, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT kiến nghị về đào tạo cho lĩnh vực CNTT nói chung và công nghiệp CNTT. Ông Ngọc cho biết trong lĩnh vực phần mềm dịch vụ, FPT tham gia nhiều, doanh thu từ phần mềm của FPT vượt tất cả tất cả lĩnh vực kinh doanh khác. Phần mềm dịch vụ là ngành cần nguồn nhân lực cao, nhưng chính sách đào tạo nhân lực cho ngành đang có vấn đề. Chương trình đào tạo trong các trường thiếu công nghệ mới và thiếu kỹ năng làm việc công nghiệp, quản trị dự án. Mỗi năm FPT thiếu 3.000 - 4.000 nhân viên mới, nhưng ví dụ như Đại học Bách khoa chỉ cho ra trường khoảng 300 - 400 sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ cấp hạn mức như vậy. Do đó, ông Ngọc kiến nghị Bộ GD&ĐT cần bỏ khái niệm “quota” đi, để cho các trường đào tạo theo nhu cầu thị trường.
Ông Ngọc cũng cho rằng nên cho phép hoán đổi Bằng 2 cho những người có bằng tốt nghiệp đại học ngành khác nhưng đi học về CNTT. Nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm cực kỳ thiếu, cho IoT (Internet of Things) càng thiếu nhiều hơn vì cơ sở của IoT là trí tuệ nhân tạo đòi hỏi những người giỏi toán, có trình độ trí tuệ cao để tham gia làm.
Một ý kiến khác được ông Ngọc nêu thêm là để ngành dịch vụ phần mềm phát triển, cần có chính sách tối đa hóa tất cả giao dịch điện tử, giảm tối đa giấy tờ, giảm thanh toán bằng tiền mặt. Nhà nước phải thể chế hóa để bắt buộc các đơn vị phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thậm chí cần có luật bắt buộc cho cả khu vực tư nhân ứng dụng CNTT...
Về việc giao dự án CNTT, ông Ngọc nêu nên chăng cần tìm cách ưu tiên cho Việt Nam, khuyến khích các nhà thầu Việt Nam tham gia các dự án của nhà nước như Hàn Quốc trong một thời gian dài các nhà thầu nước ngoài không vào được và Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc về CNTT. Theo đó, ông Ngọc cũng kiến nghị nhà nước có biện pháp hạn chế sự trợ giá không lành mạnh.
Tiếp ý kiến của ông Bùi Quang Ngọc, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC thẳng thắn đề nghị “cấm luôn hành vi trợ giá không lành mạnh”. Luật Cạnh tranh đã có quy định rõ về hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị nghiêm cấm, do đó lĩnh vực CNTT cũng nên áp dụng. Bộ TT&TT nên cấm DN bán dưới giá thành. Một điểm lưu ý nữa là nhiều dịch vụ mà DN nhà nước độc quyền thì lại đang đề nghị tăng giá, ví dụ vấn đề chia sẻ lại hạ tầng đang bị tình trạng mỗi địa phương xử một kiểu. Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM mỗi nơi một kiểu. Nhà nước cần quản lý giá dịch vụ CNTT, phối hợp với Bộ Công Thương để ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh, hỗ trợ các DN nhỏ, mới ra thị trường. Nếu không, những DN còn non nớt vừa ra thị trường đã bị các "ông lớn" đánh bại, làm sao phát triển được.
Đề cập đến phát triển lĩnh vực điện tử, ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho biết trong lĩnh vực sản xuất thiết bị (phần cứng) các DN điện tử trong nước sản xuất là chính. Chúng tôi hoàn toàn có trình độ công nghệ để có thể sản xuất thiết bị. Vấn đề chỉ là thị trường. Nếu nhà nước ưu tiên sản xuất thiết bị điện tử, CNTT gì thì cũng nên có chính sách, từ đó, khuyến khích tiêu thụ và bảo vệ thị trường tiêu thụ đó. Thế nhưng, theo ông Long, hiện tại, đa phần lại không có thị trường tiêu thụ cho các thiết bị điện tử, CNTT.
Ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội DN điện tử Việt Nam
Về vấn đề thuế, ông Long nêu trước kia chúng ta miễn thuế cho các sản phẩm gia công trong nước và xuất khẩu, nhưng gần đây chúng ta chỉ miễn thuế cho các DN xuất khẩu trực tiếp, còn DN xuất khẩu gián tiếp thì không được ưu đãi. Do đó, các DN sản xuất phụ trợ lại hoàn toàn không được miễn thuế. “Như vậy là chúng ta khuyến khích nhập khẩu linh kiện chứ không phải khuyến khích sản xuất trong nước”, ông Long cho hay.
Còn một vấn đề nữa trong quản lý nhà nước, ông Long cho rằng nên chăng cần quan tâm, chú trọng hơn và có các chính sách cho lĩnh vực sản xuất điện tử bởi hiện tại có rất ít các văn bản quản lý Nhà nước về lĩnh vực này dù đây là lĩnh vực quan trọng và mang lại nguồn thu khá lớn. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu về lĩnh vực điện tử tính cả FDI năm 2017 có thể lên đến trên 50 tỷ USD, đóng góp GDP không hề nhỏ. Ngoài kim ngạch xuất khẩu lớn thì lĩnh vực sản xuất điện tử cũng thu hút khoảng 60.000 lao động, nhiều nhất trong các ngành sản xuất công nghiệp hiện nay.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, mục tiêu khi tổng kết việc thi hành Luật CNTT cũng là dịp để xác định những rào cản, vấn đề mà Nhà nước, Quốc hội thấy có thể giải quyết để đưa CNTT lên một tầm cao mới như mong đợi ngành CNTT là làm ngành hạ tầng của hạ tầng, giúp Chính phủ trở thành một chính phủ kiến tạo.
Những nội dung quan trọng trong tổng kết Luật CNTT hiện nay cần được quan tâm là sự chồng chéo trong Luật, trong quản lý Nhà nước. Cụ thể, chúng ta mong muốn sự thông thoáng trong đầu tư CNTT, nhưng nội dung này lại bị điều tiết bởi các quy định pháp luật khác. Sự chồng chéo còn thể hiện trong vấn đề cạnh tranh. Có thể nói, tất cả các nội dung cạnh tranh đều đã được quy định trong Luật Cạnh tranh, thế nhưng rất khó điều tiết các nội dung cạnh tranh bởi Luật Cạnh tranh áp theo chiều ngang và có thể được áp dụng cho các ngành, nhưng lại không thể quy định cho các nội dung, hoặc điều tiết một số trường hợp cụ thể và đặc trưng trong lĩnh vực viễn thông hay CNTT, Thứ trưởng trao đổi.
Liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện tử, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, đây còn là vấn đề lúng túng giữa Bộ Công Thương và Bộ TT&TT. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ có những đề xuất cụ thể về quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện tử bởi hiện nay còn sự chồng chéo, giao thoa giữa hai Bộ. Nhà nước phải tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để tránh chồng chéo, một lĩnh vực phải chịu nhiều sự quản lý.