Thực thi các biện pháp phi thuế quan trong điều kiện kinh doanh của ASEAN
Diễn đàn - Ngày đăng : 23:32, 06/08/2017
Theo ông Izuru Kobayashi, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), ASEAN cần phải tạo ra một cơ chế để quản lý các rào cản thương mại được dựng lên do thực hiện các biện pháp phi thuế quan (non-tariff measures – NTMs) trong khu vực. Ý kiến này được đưa ra tại Hội thảo Hội nhập kinh tế sâu hơn thông qua việc hiểu rõ hơn và thực hiện tốt hơn các biện pháp phi thuế quan, được tổ chức tại Jakarta vào ngày 27 tháng 7 năm 2017.
Mặc dù số lượng các dòng thuế đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, nhưng số NTMs vẫn tiếp tục gia tăng, tạo thêm những rào cản thương mại trong khu vực và làm suy giảm hội nhập kinh tế của ASEAN.
Để hỗ trợ các nước thành viên ASEAN (AMS) trong việc giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu quốc gia của ASEAN nhánh 1.5, ERIA và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã phối hợp làm việc và hoàn thành cơ sở dữ liệu NTMs của ASEAN tại địa chỉ http://asean.i-tip.org. Cơ sở dữ liệu này là một nền tảng mà các bên liên quan trong AMS có thể xác định danh sách các NTMs khi tiến hành xuất khẩu hoặc nhập khẩu một số sản phẩm nhất định sang các nước ASEAN khác.
Theo chuyên gia cao cấp của ERIA, Tiến sỹ Rebecca Fatima Sta Maria, AMS có thể sử dụng cơ sở dữ liệu để xác định cách thức tăng cường tính minh bạch trong thương mại và tạo điều kiện cho các thương nhân cũng như các công ty kinh doanh trong ASEAN dễ dàng hơn.
"Nếu ASEAN có thể hợp lý hóa được các NTMs, thì đây sẽ là khu vực đầu tiên làm như vậy. Điều đó thực là rất tham vọng, nhưng cũng rất đáng để cố gắng. ERIA sẽ hỗ trợ tối đa cho việc này ", Tiến sĩ Rebecca nói.
Tiến sĩ Ralf Peters, Trưởng phòng Thông tin Thương mại của UNCTAD, cho biết nhu cầu về các sản phẩm thân thiện với môi trường đảm bảo sự an toàn của khách hàng đang làm gia tăng số NTMs. Nhưng điều này trở thành vấn đề lớn khi các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quyết định không giao dịch thương mại do không có khả năng thực hiện các yêu cầu của những NTMs nhất định. Nói cách khác, những ý định tốt (bảo vệ môi trường và an toàn của người tiêu dùng) dẫn đến hậu quả ngoài ý muốn, đó là ngăn chặn thương mại.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của ERIA, Tiến sỹ Lili Yan Ing, cho biết ba điểm chính là nền tảng của vấn đề này: (1) sự thiếu minh bạch và thiếu thông tin về NTMs, (2) thiếu kiến thức về chính sách khuyến khích và cách xây dựng các quy định dựa trên thị trường; và (3) Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan/bộ ngành trong và giữa các nước ASEAN.
Tiến sỹ Ing trích lời cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy trong lời giới thiệu báo cáo của WTO về NTMs, trong đó ông tuyên bố rằng các NTM đang chuyển từ bảo hộ (của các nhà sản xuất trong nước) sang phòng vệ. Bà nói rằng "không giống như thuế quan, NTMs có thể đóng vai trò kiểm tra và cân bằng đối với chất lượng hàng hoá". Sau đó bà nhắc nhở những người tham gia rằng nhiệm vụ của họ không phải là để loại bỏ NTM, mà là thiết kế các NTM tốt để chúng có thể được thực hiện tốt trong tương lai.
Theo Tiến sỹ Peters mặc dù các bằng chứng cho thấy NTMs là rào cản thương mại đáng kể, song việc loại bỏ NTMs không phải là một lựa chọn tốt vì đa số các NTMs là các biện pháp kỹ thuật bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và môi trường. Ông cũng cho rằng hiện đang có những nỗ lực để hài hòa các quy định nhằm duy trì việc bảo vệ người tiêu dùng và để giảm thiểu tác động tiêu cực đến thương mại. Tiến sỹ Peters nói: "Nếu các quốc gia áp dụng các quy định tương tự nhau, thì thương mại giữa họ sẽ đạt được một cách dễ dàng”.