Cuộc sống đô thị ASEAN trên lộ trình phát triển bền vững
Diễn đàn - Ngày đăng : 11:15, 02/08/2017
Đô thị hóa đã là một xu hướng ở châu Âu và Bắc Mỹ nhưng ở châu Á và châu Phi mới chỉ bắt đầu. Dự kiến đến năm 2050, dân số đô thị ở hai lục địa này sẽ tăng 90%. Sự chuyển dịch này sẽ đặt ra nhiều áp lực và các nước ASEAN đang nỗ lực để chuẩn bị cho việc này.
Mới đây, ASEAN đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đông Á về các thành phố bền vững ở Chiang Rai, Thái Lan với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc. Cùng với Hội thảo Phát triển đô thị bền vững và nhà ở do Liên Qợp Quốc tổ chức cuối năm 2016, một chương trình nghị sự về đô thị mới (New Urban Agenda), một kế hoạch để xuất nhằm đạt được sự phát triển đô thị và nhà ở bền vững cho hai thập kỷ tới đã được thông qua với sự nỗ lực của cả khu vực công và tư.
Đánh giá tác động của môi trường
Theo đánh giá của Hội nghị tại Thái Lan, biến đổi khí hậu toàn cầu là mối quan tâm chính. Đối với các nước ASEAN, tiếp tục phát triển và đô thị hóa bền vững là một thách thức lớn. Để đối mặt với thách thức này tại 25 thành phố đang phát triển nhanh chóng, ASEAN đã đưa ra Sáng kiến ASEAN về các thành phố bền vững về môi trường (Environmentally Sustainable Cities - ESC). ESC ưu tiên các công nghệ carbon thấp và khuyến khích các thành phố giảm carbon. ESC cũng khuyến khích sử dụng hiệu quả các nguồn lực tự nhiên và các sáng kiến tiết kiệm năng lượng.
Các công ty tư nhân và chính quyền các thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo. Ở Thái Lan, rác thải được lựa chọn, tái sử dụng để sáng tạo nghệ thuật. Nếu các thành phố Đông Nam Á hướng tới thực hiện đô thị hóa bền vững, các doanh nghiệp, công dân và chính quyền sẽ phải tiếp tục hợp tác để đưa ra các giải pháp sáng tạo.
Đánh giá tác động kinh tế
Đô thị hóa thường đi cùng tăng trưởng kinh tế và tầng lớp trung lưu. Có một số lo ngại là làn sóng đô thị hóa mới có thể không đi cùng với sự phát triển kinh tế thông thường. Một phân tích cho thấy trong khi các nền kinh tế ASEAN thường tăng trưởng cùng với sự đô thị hóa. Singapore là một ví dụ, Singapore là thành phố tiên tiến nhất thứ 4 trên thế giới với thu nhập 66.864 USD/người. Trong khi đó, thu nhập đầu người tại thủ đô Jakarta Indonesia chỉ đạt 9.984 USD/người, con số này còn vẫn còn cao hơn các khu vực còn lại.
Một công ty bất động sản lớn ở Đông Nam Á là CapitaLand thông báo doanh thu của công ty này đã tăng đáng kể trong năm 2016. Tuy nhiên, phần lớn tăng trưởng doanh thu đến từ kinh doanh nhà cửa cho hộ dân, trong khi thuê văn phòng, doanh nghiệp không nhiều. Điều này là mối lo ngại của công ty về một tương lai còn chưa chắc chắn.
Mặc dù đô thị hóa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN, nhưng tăng trưởng này cũng không đều trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế thường kéo theo những thách thức riêng, như khí thải carbon gia tăng.
Đánh giá về hạ tầng
Việc tăng dân số ở đô thị dẫn tới nhu cầu lớn về hạ tầng tại đây. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền các thành phố về mặt kinh phí. Nhiều hạ tầng còn tạo ra các vấn nạn về môi trường.
Jakarta và nhiều thành phố ASEAN khác gần đây đã bắt đầu phát triển các hệ thống vận tải công cộng phù hợp. Điều này được thực hiện phần lớn nhờ sự hỗ trợ từ các nước và các tổ chức tài chính. Các hệ thống vận tải khá tốn kém. Kế hoạch phát triển bền vững của Jakarta cho hệ thống metro tốn khoảng 52 tỷ USD. Kế hoạch này khá tham vọng và sẽ mang lại các lợi ích to lớn cho công dân của thành phố này, bao gồm giảm tắc nghẽn giao thông, giảm khí thải và cải thiện điều kiện sống.
Đây cũng là lý do ngày càng nhiều các quốc gia Đông Nam Á quyết định thể chế hóa chia sẻ việc đi chung. Chính sách hỗ trợ của chính phủ khuyến khích việc đi chung như là một cách để giảm tiêu thụ năng lượng. Chi phí sở hữu ô tô cao và thời gian đi lại kéo dài, cùng với tỷ lệ sở hữu smartphone đang tăng lên trong khu vực được cho là sẽ làm cho thị trường chia sẻ đi chung hứa hẹn đầy tiềm năng phát triển.
Mặt khác, các vấn đề về môi trường cũng tạo thêm những thách thức cho phát triển hạ tầng. Ví dụ, như sụt lún đất do khai thác nước ngầm và các vật liệu khác đã gây ra những đe dọa cho hạ tầng và các công trình cũng như gây ra lụt lội. Khi dân số các thành phố gia tăng kéo theo nhu cầu hạ tầng tăng cao. Đây là sự đầu tư đắt đỏ nhưng là cần thiết mà các thành phố mới phát triển cần phải thực hiện.
Đánh giá về nhà ở
Một vấn đề lớn khác đối với các đô thị đang phát triển nhanh là nhà ở. Chương trình nghị sự đô thị mới của Liên Hợp Quốc là nỗ lực nhằm giải quyết nhu cầu này bằng khuyến khích sở hữu nhà ở, cũng như các lựa chọn thuê nhà hay đồng sở hữu nhà. Các chính sách nhà ở, theo NUA, nên dựa trên sự kết hợp bảo vệ môi trường và tính hiệu quả kinh tế. Theo đó, các khu vực công và tư cần bắt tay hợp tác để bảo đảm nhà ở phù hợp. Vai trò của chính phủ là dỡ bỏ các rào cản cung ứng, như các quy định đất đai mơ hồ hay thiếu nhà cửa.
Ngoài ra, các quốc gia ASEAN cần phát triển các chính sách nhà ở thực tiễn và trách nhiệm nếu muốn tận dụng lợi thế của đô thị hóa trong khi phát triển bền vững. Các giải pháp phải bảo đảm việc cung cấp đất đai và nhà cửa phù hợp cũng như đảm bảo sự an toàn và ý thức bảo vệ môi trường.
Những thay đổi xã hội
Một tác động cũng khá cụ thể của đô thị hóa là thay đổi xã hội. Cuộc sống của những người dân đô thị và văn hóa quốc gia nói chung sẽ thay đổi bởi sự chuyển dịch này. Khi đô thị hóa tiếp tục diễn ra ở Đông Nam Á, các thành phố ASEAN sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn trong việc hoàn thành sự chuyển đổi một cách bền vững. Vẫn còn chưa rõ sự chuyển dịch này sẽ có tác động như thế nào, nhưng kết quả sẽ vô cùng quan trọng đối với dân số và môi trường thế giới.