Ấn Độ - ASEAN đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dệt may

Hội nhập - Ngày đăng : 11:03, 02/08/2017

Có nhiều cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN trong lĩnh vực dệt may

Ấn Độ là một trong những nước có ngành dệt lâu đời và phát triển trên thế giới. Ngành công nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ấn Độ. Sự phát triển của ngành luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ với nhiều chính sách hỗ trợ và các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Theo kế hoạch, đến năm 2021, ngành dệt may Ấn Độ sẽ đạt trị giá 141 tỷ USD, xuất khẩu đạt 82 tỷ USD.

Phát biểu tại “Hội thảo về Hợp tác ASEAN - Ấn Độ” diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Dệt Ấn Độ 2017 tại Gandhinagar hồi đầu tháng 7/2017, bà Smriti Irani,  Bộ trưởng Bộ Dệt Liên bang, cho biết: “Ấn Độ là nước sản xuất bông và đay lớn nhất và là nhà sản xuất sợi nhân tạo lớn thứ hai thế giới, có tiềm năng trở thành đối tác tin cậy của ASEAN”. Sự kiện kéo dài ba ngày này đã thu hút khoảng 1000 công ty quốc tế và trong nước tham gia triển lãm, và khoảng 2.500 khách nhập khẩu từ các quốc gia tới thăm triển làm. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp  giao lưu trực tiếp và tìm hiểu đầu tư, quan hệ kỹ thuật cho những lãnh vực của chuỗi giá trị dệt.

Ngoài ra, theo bà Smriti Irani, còn có rất nhiều cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN trong việc xây dựng năng lực, chia sẻ kiến thức và công nghệ, và hỗ trợ lẫn nhau trong giáo dục, nghiên cứu và phát triển. “Tăng cường kết nối số và cơ sở hạ tầng với các nước ASEAN là một ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ”, bà cho biết thêm.

Hiện nay, sản phẩm của ngành dệt Ấn Độ rất đa dạng, phong phú bao gồm xơ, sợi vải cotton; xơ, sợi tổng hợp; xơ, sợi len; lụa; đay; thảm dệt. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cho trên 1,2 tỷ dân, hàng năm nước này đã xuất khẩu một lượng lớn hàng dệt may các loại. Theo bà Irani, về quan hệ thương mại, năm 2016 xuất khẩu lĩnh vực dệt may của Ấn Độ sang các nước ASEAN là 1203 triệu USD,  chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ.

Đối với Việt Nam, Ấn Độ xác định dệt may là một trong những ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu, cần đẩy mạnh hợp tác thông qua xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Ấn Độ sang Việt Nam trong những năm gần đây tăng trung bình khoảng 20%/năm.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Myanmar U Khin Maung Cho đã chỉ ra những cơ hội đối với ngành dệt may Ấn Độ tại Myanmar, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp dệt may Ấn Độ.  Cũng tại đây, các Bộ trưởng đã chia sẻ suy nghĩ của mình về các chiến lược để chuyển đổi ngành dệt may của đất nước. Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Nirmala Sitharaman, ngành công nghiệp này cần khai thác các cơ hội tại cả thị trường trong nước cũng như quốc tế. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm lãi suất trong việc giảm chi phí vốn cho ngành. 

TH