IPv6 bảo đảm cho sự phát triển của 4G/5G và IoT

Diễn đàn - Ngày đăng : 16:22, 28/07/2017

“IPv6 đã, đang và sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển của các công nghệ 4G/5G và IoT”, ông Nguyễn Trung Kiên, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), khẳng định tại Hội thảo quốc tế 4G LTE vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 27/7/2017.

Ông Nguyễn Trung Kiên phát biểu về vai trò của IPv6 đối với 4G/5G và IoT

Theo ông Kiên, IPv6 không còn là công nghệ mới, mà đã được hiện diện ở khắp mọi nơi, với số lượng người dùng, ứng dụng hỗ trợ IPv6 đang không ngừng tăng lên. Theo số liệu thống kê của trung tâm nghiên cứu thuộc APNIC (APNIC Labs), tính đến tháng 7/2017, tỷ lệ sử dụng IPv6 tại Việt Nam đã đạt 7,56%, đưa Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ triển khai IPv6 đứng thứ 31 thế giới, thứ 5 Châu Á. Đây là một điểm nhấn của Việt Nam trong triển khai IPv6 trong 1 năm qua.

Trên bình diện quốc tế, theo thống kê của Google, hiện tại có tới 17,81% tỷ lệ người dùng sử dụng IPv6. Các nhà mạng trên thế giới cũng đã và đang triển khai IPv6 rất mạnh mẽ, đặc biệt các nhà mạng Mỹ, trong đó có thể kể đến Verizon Wireless đạt 84,36%, T-Mobile 84,33%.

Các nhà mạng lớn trên thế giới triển khai IPv6 mạnh mẽ

Với sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ mới, số lượng thiết bị và kết nối ngày càng tăng cao, đặt ra các thách thức không nhỏ về mặt bảo đảm kết nối và định danh cho các thiết bị. Theo đó, với không gian địa chỉ IPv6 lên tới 128bit, cho phép có tới 3,4 x 1038 địa chỉ, bảo đảm khả năng mở rộng gần như không giới hạn, đảm bảo định danh cho từng thiết bị, tăng cường khả năng kết nối đầu cuối khi không cần sử dụng các công nghệ NAT (biên dịch địa chỉ).

Ngoài ra, khả năng tự động cấu hình trong IPv6 cũng sẽ rất có lợi trong 4G/5G & IoT, đồng thời vẫn có khả năng hỗ trợ cấp phát địa chỉ theo DHCPv6 tương tự như trong IPv4. Việc đơn giản hóa, cải tiến cấu trúc mào đầu cũng sẽ giúp IPv6 tăng cường khả năng định tuyến, điều khiển kết nối, đảm bảo chất lượng QoS.

Đặc biệt, IPv6 tăng cường khả năng bảo mật với việc mặc định tích hợp giao thức IPsec, nâng cấp khả năng tìm kiếm nút lân cận với giao thức NDP (Neighbor Discovery Protocol).

Ông Kiên cũng cho biết, đặc điểm của IPv6 là được chuẩn hóa và hoàn toàn tương thích với Internet. Vì thế các vấn đề chuẩn hóa giao thức trong IoT có thể được giải quyết triệt để. Với sự ra đời của giao thức 6LoWPAN có nhiều ưu điểm, giảm thiểu tối đa khả năng xử lý và mức độ tiêu tốn năng lượng của các thiết bị. Đặc điểm chuẩn hóa và tương thích với Internet sẽ càng được thể hiện rõ ràng hơn khi triển khai trong các hạ tầng mạng công nghệ mới, thuần IP như mạng 4G/5G.

Việc triển khai IPv6 là mặc định đối với các thiết bị khi triển khai 4G/LTE. Theo World IPv6 Launch, hiện nay có hơn 250 nhà mạng trên thế giới tham gia thử nghiệm và triển khai chuyển đổi IPv6 cho mạng băng rộng 4G/LTE. Tại Mỹ, 1/3 số thuê bao di động đã sử dụng IPv6 thông qua 4G/LTE. Số lượng thiết bị di động thông minh hỗ trợ IPv6 ngày càng tăng lên (hơn 75%). Các công nghệ hỗ trợ cho việc triển khai, kết nối IPv6 trên hạ tầng mạng 4G/LTE cũng được hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa, giúp cho các thiết bị kết nối IPv6 hoàn toàn có khả năng giao tiếp được với các hệ thống mạng sẵn có sử dụng nền tảng cũ IPv4.

Ông Kiên cũng cho biết việc triển khai IPv6 cho mạng 5G cũng là tất yếu bởi 5G sẽ là một bước tiến lớn về công nghệ, đáp ứng tốc độ cao, dung lượng truyền tải lớn. Thêm vào đó, mạng 5G sử dụng công nghệ tích hợp, hướng đến các ứng dụng thông minh, trí tuệ nhân tạo và IoT, tăng cường khả năng kết nối và truy cập điều khiển từ xa.

Lan Phương