Báo động hệ lụy từ những trò “câu like”

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 15:33, 28/07/2017

Những vụ đánh người, phá hoại tài sản nghiêm trọng chỉ vì sự nghi ngờ bắt cóc trẻ em hay thôi miên lừa đảo đã xuất hiện liên tục trong thời gian qua. Bên cạnh hệ lụy nguy hiểm từ tâm lý đám đông, những trò “câu like” với mục đích xấu cũng đã góp phần không nhỏ tạo ra những hiệu ứng thiếu lành mạnh đối với xã hội.

Chiếc xe Fortuner bị các đối tượng quá khích thiêu rụi tại Hải Dương chỉ vì tin đồn "thôi miên" (Ảnh: vietnamnet)

Từ tin đồn bắt cóc, tống tiền, đánh ghen, đòi nợ, trộm chó, rồi cả... máy bay rơi, không gì có thể thoát khỏi trí tưởng tượng vô cùng phong phú của các Facebooker. Chính những trò “câu like” rẻ tiền với mục đích bán hàng online, hay đơn giản chỉ là một trò đùa để nổi tiếng đã khiến các câu chuyện hoang đường trở nên đầy giật gân trên mạng xã hội. Gần đây, các cơ quan chức năng đã có những xử lý mạnh tay với tình trạng này. Tuy vậy, không thể phủ nhận trong một thời gian dài, sự buông lỏng quản lý và thiếu định hướng dư luận của chính quyền cũng như báo chí đã khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Trước những luồng thông tin gây bão như... thật, không ít người đã “nhìn gà hóa cuốc”, “thần hồn nát thần tính” để rồi tạo ra tai họa cho người khác. Màn tra khảo và đánh đập tàn nhẫn của đám đông tại Sóc Sơn với 2 phụ nữ lớn tuổi mới đây, hay cả vụ việc hành hung, đốt xe ôtô tại Hải Dương sẽ là bài học lớn với nhiều người. Nhưng nguy hiểm hơn, những vụ việc xảy ra tại những làng quê yên bình lại cho thấy những tiềm ẩn đáng báo động khác. Đó là hình ảnh những trai làng hung hãn và độc ác. Là sự kích động quá dễ dàng đối với một đám đông. Thậm chí, còn có cả sự hả hê khi cái ác trong trí tưởng tượng bị phán xử trực tiếp theo kiểu “thay trời hành đạo”. Những vụ hung thủ trộm chó, trộm gà bị đánh đến chết đã không còn là chuyện hiếm gặp. Những màn đánh ghen kinh hoàng bất chấp pháp luật cũng đã được nhiều người chứng kiến. Sự xuống cấp phần nào về văn hóa là có thật. Nhưng ảnh hưởng rất lớn từ mạng xã hội cùng sự nhiễu loạn thông tin phi chính thống cũng là nguyên nhân không thể bỏ qua trong những trường hợp này.

Ở góc độ khoa học và tâm lý học, việc lây lan cảm xúc dẫn đến thiếu kiểm soát về hành vi có liên quan tới quá trình được xây dựng qua các nguồn thông tin. Chỉ một thông tin được đọc ở đâu đó trên mạng, khi gặp câu chuyện tương tự ngoài đời thực, người ta sẽ dễ bị lôi kéo vào tâm lý đám đông. Khi sự hung dữ và phẫn nộ của cả một biển người bị đẩy lên cao trào, ngay cả các lực lượng thực thi pháp luật cũng khó kiểm soát tình hình. Những bản án nơi công đường chỉ là phương pháp giải quyết phần ngọn. Cái gốc của vấn đề vẫn là nhận thức của người dân và vai trò hướng dẫn, tuyên truyền, xử lý từ các cơ quan chức năng.

Không ít những người vô tội đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ từ những trò “câu like” và những câu chuyện theo "thuyết âm mưu" từ mạng xã hội. Những sự thêu dệt vô căn cứ cũng góp phần khiến các vụ án hình sự cũng trở nên rắc rối và bị gây nhiễu. Sự phát triển bùng nổ của internet toàn cầu đang là thách thức lớn với nỗ lực quản lý thông tin, khiến thế giới ảo trở nên gần gũi hơn, nhưng cũng tác động nguy hiểm hơn với cuộc sống thường nhật. Bạo lực học đường, bạo lực đường phố, sự vô cảm trước cái ác cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn nếu các thông tin trái chiều được sử dụng như một công cụ thu hút công chúng. Đó là sự thật không thể chối cãi trong thời điểm hiện tại, dĩ nhiên, không chỉ ở Việt Nam!

Từ các thành phố lớn cho tới những làng quê, chỉ cần một thông tin thất thiệt, sự hoang mang sẽ nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng thông qua mạng xã hội. Những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi cố tình đưa thông tin sai lệch là cấp thiết. Nhưng bên cạnh đó, việc giáo dục và các biện pháp định hướng truyền thông cũng không thể xem nhẹ.

Khó, nhưng không phải chúng ta không thể làm được. Để người sử dụng mạng xã hội dần loại bỏ những yếu tố tiêu cực để hướng tới tiện ích lành mạnh. Để những nguy cơ hiển hiện không trở thành thảm kịch, khi mọi hành động ngăn chặn đã quá muộn màng./.

HC