Thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực
Diễn đàn - Ngày đăng : 08:09, 20/07/2017
Thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến những diễn biến kinh tế - thương mại đáng lưu ý, nổi bật là việc tương lai của Hiệp định TPP trở nên khó dự đoán. Trong khi đó, Đông Á vẫn tiếp tục là khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh và năng động trên thế giới với xu hướng hội nhập nhất quán. Trong bối cảnh đó, có thể thấy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất đang được đàm phán hiện nay.
Hiệp định RCEP đã và đang được các bên nỗ lực đàm phán với mong muốn tăng cường, mở rộng hội nhập kinh tế trên cơ sở quan hệ hợp tác tích cực hiện có giữa ASEAN và 6 nước đối tác Ốt-xtrây-lia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Niu Di-lân. Đến nay, RCEP đã trải qua 06 phiên họp cấp Bộ trưởng, 18 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên giữa kỳ. Trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới có động thái bảo hộ thương mại như hiện nay, việc kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP sẽ thúc đẩy chính sách mở cửa, tăng cường hội nhập kinh tế của các nước trong khu vực, góp phần tăng thêm sức hấp dẫn của nền kinh tế các nước RCEP.
RCEP được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ ổn định, thống nhất, tạo thuận lợi và thúc đẩy hơn nữa luồng lưu chuyển thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong khu vực. Đối với các doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ - chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong khu vực, Hiệp định RCEP sẽ giúp họ tiến hành các hoạt động thương mại thuận lợi hơn, tiếp cận được các nguồn lực mới từ bên ngoài, phát huy thế mạnh của từng doanh nghiệp, tăng cường tham gia vào các chuỗi giá trị trong khu vực.
Đối với Việt Nam, Hiệp định này cũng sẽ đem lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành, lĩnh vực. Cùng với các cơ hội cụ thể giành cho các doanh nghiệp trong nước trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể, thì hiệp định RCEP cũng sẽ đem lại các lợi ích “chung”, đặc biệt là từ cắt giảm và xóa bỏ thuế quan, qua đó: (i) tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các nước đối tác (gồm cả nước phát triển và đang phát triển) với sự đa dạng về nhu cầu hàng hóa và dịch vụ; (ii) mở cửa nhập khẩu hàng hóa giá rẻ, đặc biệt là đầu vào cho sản xuất (thép từ Trung Quốc, sản phẩm nhựa từ Hàn Quốc và Nhật Bản) và nhập khẩu máy móc thiết bị các công nghệ hiện đại phù hợp); (iii) Tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất ở khu vực và nâng cao hoạt động hợp tác kỹ thuật cũng như vị thế trong giải quyết tranh chấp; và (iv) Giảm chi phí giao dịch so với trường hợp các FTA chồng lấn nhau (hiệu ứng “bát mỳ Ý”), đặc biệt là chi phí liên quan đến RoO,và được hưởng môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ có sự hài hòa hóa các quy trình thủ tục trong các FTA ASEAN.
Tuy nhiên, việc đạt được một hiệp định thương mại tự do hiện đại, toàn diện, chất lượng, phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển của các bên là không hề dễ dàng. Với sự chênh lệch về trình độ phát triển, sự khác biệt về quy mô nền kinh tế cũng như những khó khăn, nhạy cảm mà mỗi nước có thể gặp phải, các bên tham gia cần có cách tiếp cận thực tế, linh hoạt để có thể tìm ra các giải pháp thỏa đáng.