APEC 2017: Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Diễn đàn - Ngày đăng : 15:34, 18/07/2017

Trong xu thế của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế khu vực, việc phát triển bền vững và mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ không những tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mà còn góp phần củng cố nội lực của một nền kinh tế.

Một trong những trụ cột ưu tiên và xuyên suốt của APEC thời gian qua cũng như APEC 2017 là tập trung thúc đẩy liên kết và hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn, tạo đà và động lực cho các nền kinh tế thành viên hội nhập sâu sắc hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất, giá trị khu vực và toàn cầu, tăng cường tính kết nối giữa các thể chế kinh tế khu vực cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho phát triển kinh tế của từng thành viên. Đây là một trong những lựa chọn chiến lược của nhiều nền kinh tế thành viên APEC, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, với nhu cầu sản xuất ngày càng gia tăng.

Theo đó, các hoạt động của APEC ngày càng đi vào cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên như thiết lập chuỗi cung ứng tin cậy (cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng thêm 10% vào năm 2015), tạo điều kiện cho doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên; các hoạt động xây dựng năng lực, chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

Tại Việt Nam, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Để góp phần vào thành công chung trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành những chính sách quan trọng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngày 03/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, theo đó, có rất nhiều hỗ trợ và ưu đãi dành cho các doanh nghiệp.

Các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam

Theo đó, các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam bao gồm các chính sách hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển; Chính sách về hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ; Chính sách hỗ trợ để phát triển nguồn nhân lực; Chính sách hỗ trợ trong hợp tác quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và Chính sách hỗ trợ phát triển thị trường.

Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách cụ thể như  xây dựng hệ thống Trung tâm phát triển CNHT nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hay chương trình phát triển CNHT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị sản xuất, tạo dựng thị trường,...

Các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ

Các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng được quy định rõ, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế. Ví dụ, doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Đặc biệt, về tín dụng, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước; Được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ. Ngoài ra, doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo năm, khai tạm tính theo quý.

Riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp này được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định. Đồng thời được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Riêng đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các ưu đãi đầu tư theo địa bàn. Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tiếp cận dễ dàng với các chính sách ưu đãi của nhà nước, từng bước nâng cao năng lực doanh nghiệp và được nhà nước hỗ trợ tham gia vào chuỗi sản xuất phụ tùng linh kiện của các Tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp phát triển có định hướng thông qua Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 và Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2017 về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các ưu đãi được nêu rõ ở các nhóm ngành cụ thể:

Lĩnh vực linh kiện phụ tùng

Phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đến năm 2025, cung ứng được 55% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày

Phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao

Phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.

Trên thực tế, mỗi nền kinh tế với quy mô, trình độ phát triển khác nhau có thể định nghĩa ngành công nghiệp hỗ trợ khác nhau để phù hợp với điều kiện phát triển cụ thể. Phát triển một cách bền vững và mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ không những tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mà còn góp phần củng cố nội lực của một nền kinh tế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài, là một trong những lựa chọn chiến lược của nhiều nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, với nhu cầu sản xuất ngày càng gia tăng.

TH