14.100 giấy phép điện tử đã được Cục Tần số VTĐ cấp trong 6 tháng đầu năm 2017
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:30, 11/07/2017
Cụ thể, ông Tuấn cho biết 6 tháng đầu năm, Cục Tần số VTĐ đã giải quyết cấp phép hơn 19.200 giấy phép tần số, trong đó trên 14.100 giấy phép điện tử; cấp mới 167 chứng chỉ, cấp lại 09 chứng chỉ và gia hạn 412 chứng chỉ Vô tuyến điện viên hàng hải.
Về ứng dụng CNTT tại Cục, ông Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Cục Tần số VTĐ tập trung đảm bảo hoạt động ổn định cho hệ thống mạng, máy chủ ứng dụng, vận hành cổng thông tin điện tử Portal, thư điện tử, quản lý văn bản, ấn định tần số, cấp phép qua mạng, kiểm tra kiểm soát. Cục cũng thực hiện đảm bảo an toàn thông tin và cơ sở dữ liệu (CSDL), sao lưu dữ liệu tự động, định kỳ, sao lưu tại 2 địa điểm khác nhau và đảm bảo hệ thống đường truyền Internet, đường truyền số liệu tại trụ sở Cục.
Cục cũng đã xử lý cập nhật kịp thời các bản vá lỗi cho hệ điều hành Windows của các máy chủ và máy tính cá nhân nhằm ngăn chặn việc nhiễm virus WannaCry. CSDL chứng chỉ vô tuyến điện viên theo quy trình hiện tại đã được sửa đổi. Hệ thống cơ sở dữ liệu Ellipse lên SpectraDB đã được nâng cấp.
Cục đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TT&TT và Ban Quản lý tòa nhà Trụ sở để đảm bảo an toàn về cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu. Phối hợp với Trung tâm thông tin để triển khai tích hợp kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng thông tin của Bộ TT&TT.
Trong 6 tháng cuối năm 2017, ông Tuấn cho biết, Cục Tần số VTĐ sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tin học, sử dụng chữ ký số, hồ sơ điện tử kết hợp với cải cách hành chính (CCHC).
Được biết, năm 2016, Cục Tần số VTĐ là đơn vị đứng đầu về Chỉ số CCHC cấp Cục thuộc Bộ TT&TT. Trong năm 2016, Cục đã cấp và gia hạn 35.402 giấy phép các loại, trong đó bao gồm 1.200 giấy phép truyền thanh không dây, 3.318 giấy phép tàu cá; giấy phép điện tử chiếm trên 65% (23.167 giấy phép). Cục Tần số VTĐ đã chú trọng vào việc thúc đẩy các đối tượng khách hàng mới sử dụng bản khai điện tử, xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ điện tử và cấp tài khoản điện tử trực tuyến, cho mọi đối tượng khách hàng. Đối tượng khách hàng gửi hồ sơ theo đường điện tử đã mở rộng nhiều.
Bảng Chỉ số CCHC năm 2016 của các Cục trực thuộc Bộ TT&TT
Ứng dụng CNTT đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy CCHC. Chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy ứng dụng CNTT trong CCHC của Cục Tần số VTĐ tại Hội nghị công bố chỉ số CCHC năm 2016 của các Cục trực thuộc Bộ TT&TT hồi tháng 5/2017, bà Nguyễn Phương Anh, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho biết kết quả này góp phần động viên khích lệ để Cục tiếp tục làm tốt trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Trong những năm qua, Cục tập trung cải cách thể chế và đã hoàn thành cơ bản về việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Các quy hoạch về tần số VTĐ được xây dựng và ban hành sớm để đi đầu phục vụ sự phát triển nhanh của lĩnh vực tần số - VTĐ. Cục cũng tập trung truyền thông mạnh các quy định, đáp ứng triển khai các quy định này tại Việt Nam. Đặc biệt, khi Luật Tần số VTĐ có hiệu lực, nhiều thủ tục giấy tờ được cắt giảm tối đa (giảm 50% giấy tờ, giảm 30 – 50% thời gian cấp phép), 14/20 dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 3, 4, cấp phép 24.000 giấy phép điện tử, chiếm 70% tổng giấy phép được cấp.
Các yếu tố quan trọng để Cục đạt được các kết quả này là nhờ có tinh thần công tác tăng cường hậu kiểm, thủ tục hành chính phải đơn giản, hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại, liên thông CSDL tần số VTĐ, khách hàng, tuân thủ các quy định tổ chức bộ máy, áp dụng các quy trình ISO vào tiêu chuẩn tuyển dụng cán bộ, hiện đại hóa hành chính...
Đặc biệt, bà Nguyễn Phương Anh cho biết thêm, có được kết quả này nhờ sự nhận thức, tư duy đúng đắn về CCHC, quyết tâm của lãnh đạo Cục trong chỉ đạo và thúc đẩy CCHC ở tất cả các mảng công tác. Quá trình thúc đẩy CCHC là cả một quá trình liên tục.
Cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công của Cục Tần số VTĐ
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cũng đã từng nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai công tác của Cục Tần số VTĐ năm 2016, đo là lãnh đạo Cục Tần số VTĐ cực kỳ quyết tâm về cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cấp phép điện tử và có đầu tư kinh phí để thực hiện kế hoạch, điều mà nhiều cơ quan nhà nước (CQNN) còn vướng. Cục Tần số VTĐ cần tiên phong trở thành mô hình mẫu cho các đơn vị cấp Cục trên toàn quốc về mô hình Cục điện tử, ông Phúc đã đề nghị.
Qua theo dõi tình hình ứng dụng CNTT trên cả nước, ông Phúc cho biết, rất ít đơn vị trong một năm vừa qua giải quyết cấp phép tổng số hơn 31.400 giấy phép các loại, trong đó 22.147 giấy phép điện tử. Đa số các đơn vị cấp Cục đạt ở mức thấp. riêng Cục Tần số VTĐ có lẽ là đơn vị đầu tiên trên cả nước tuyên bố hoàn thành kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2011 - 2015.
Ông Phúc khẳng định Cục Tần số VTĐ cũng là niềm tự hào của Bộ TT&TT về ứng dụng CNTT. Cục Tần số VTĐ cùng với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) là những đơn vị quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong CCHC, phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
Về công tác ứng dụng CNTT trong thời gian tới, ông Phúc cũng cho biết trong chương trình ứng dụng CNTT trong CQNN giai đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015, trong 4 hoạt động trọng tâm của Chương trình có một hoạt động là phát triển ứng dụng CNTT trong nội bộ CQNN theo hướng phát triển hệ thống thông tin tổng thể tiến tới xây dựng cơ quan điện tử, tức là mỗi ứng dụng có thể “nói chuyện” với nhau, trên nền tảng một kiến trúc để tiến tới xây dựng cơ quan điện tử.
Chương trình ứng dụng CNTT trong CQNN giai đoạn 2016 - 2020 nhằm cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Ứng dụng CNTT để giảm thời gian, số lần mà người dân, DN phải đến trực tiếp CQNN thực hiện các thủ tục hành chính.
Cụ thể trên toàn quốc hiện nay, 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; 95% hồ sơ khai thuế của DN được nộp qua mạng; 90% số DN thực hiện nộp thuế qua mạng; 50% số hộ, cá nhân kinh doanh kê khai nghĩa vụ thuế phát sinh qua mạng từ việc cho thuê tài sản và lệ phí trước bạ khi đăng kí ô tô, xe máy. Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Cổng dịch vụ công Quốc gia được tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng đề ra ứng dụng CNTT hiệu quả, toàn diện tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, tăng cường trao đổi, xử lý hồ sơ qua mạng. Phát triển các hệ thống thông tin thiết yếu cho công tác ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN tại các địa phương; bảo đảm triển khai đồng bộ với việc phát triển các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, đồng thời, nâng cao nhận thức, năng lực và hỗ trợ người dân và DN sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.