Bưu điện Việt Nam – 10 năm chặng đường đổi mới và phát triển

Diễn đàn - Ngày đăng : 07:52, 06/06/2017

Sau gần 10 năm thực hiện chia tách bưu chính – viễn thông, bằng sự nỗ lực, đoàn kết, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, tổ chức điều hành sản xuất kinh doanh, vị thế và uy tín của Bưu điện Việt Nam ngày càng được nâng cao. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh đã có nhiều khởi sắc.

Những dấu mốc lịch sử

Ngày 15/6/2007, Bộ Bưu chính Viễn thông đã ban hành Quyết định 16/2007/QĐ-BCVT về việc thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost). Với hơn 4 vạn người Bưu điện đây sẽ mãi là mốc son lịch sử không thể nào quên. Từ đây dù vẫn nằm trong Tập đoàn nhưng VNPost đã có pháp nhân riêng, thực hiện tổ chức sản xuất và hạch toán độc lập với khối viễn thông. Việc chia tách bưu chính và viễn thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cả VNPT và VNPost cùng đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn.

Tiếp đó, ngày 15/11/2007, Hội đồng quản trị VNPT đã ra Quyết định 496/QĐ-TCCB/HĐQT phê duyệt phương án chia tách bưu chính – viễn thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Đến ngày 16/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1746/QĐ-TTg chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VNPost từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT&TT. Cùng với đó, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam được đổi tên là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – tên truyền thống của ngành Bưu điện. Đây là bước cuối cùng hoàn tất lộ trình chia tách bưu chính với viễn thông tại Việt Nam, sau 10 năm khởi động.

10 năm chặng đường đổi mới và phát triển

Đối với người Bưu điện, năm 2008 là một trong những thời điểm khó khăn nhất. Lực lượng lao động của bưu chính chiếm xấp xỉ 50% tổng số nhân viên, nhưng doanh thu chỉ đạt gần 10% của Tập đoàn VNPT... Song nhờ sự hỗ trợ và tạo điều kiện về vốn sản xuất, phát triển mạng lưới, cơ sở vật chất, tiền lương, khen thưởng, đào tạo... đặc biệt là các chính sách ưu đãi trong kinh doanh dịch vụ viễn thông và CNTT, thu cước thuê bao viễn thông của Tập đoàn nên việc chia tách trên toàn mạng lưới cơ bản diễn ra thuận lợi.

Không chỉ dừng lại ở các dịch vụ bưu chính truyền thống, những năm qua Tổng công ty đã mạnh dạn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai hàng loạt các dịch vụ mới thuộc 3 trụ cột chính: Bưu chính chuyển phát, Tài chính bưu chính và Phân phối - truyền thông, nhằm cung cấp những dịch vụ phổ cập tới mọi người dân.

Tổng công ty đã tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh các dịch vụ bưu chính chuyển phát theo hướng đáp ứng nhu cầu chuyển phát chất lượng cao, phục vụ xu hướng phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử, logistic. Phát triển các dịch vụ tài chính bưu chính như: thu hộ, chi hộ, đại lý bảo hiểm, đại lý bán vé, dịch vụ ngân hàng bán lẻ, các dịch vụ công như chi trả lương hưu, BHXH, chi trả trợ cấp xã hội. Tăng cường hợp tác với PTI, ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Cùng với đó, các dịch vụ phân phối truyền thông cũng được mở rộng kinh doanh nhằm tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng mạng lưới của Tổng công ty. Có thể nói, đây là một “cuộc cách mạng” của Bưu điện Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò doanh nghiệp bưu chính hàng đầu của Việt Nam.

Một trong những điểm nổi bật nhất chính là việc tham gia vào các dịch vụ hành chính công của Nhà nước. Điển hình là mô hình chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) qua mạng lưới bưu điện. Từ phạm vi thí điểm ban đầu chỉ ở 4 tỉnh thành vào năm 2011, đến nay 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc chi trả này qua Bưu điện. Từ thực tế và kinh nghiệm chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, thời gian qua Bưu điện Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước cùng các Bộ, ngành, địa phương đồng ý và tạo điều kiện mở rộng triển khai các dịch vụ hành chính công khác như: chi trả bảo trợ xã hội, chi trả người có công, thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán, thu nộp hộ tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm giao thông, thu lệ phí và chuyển phát hồ sơ xét tuyển Đại học, Cao đẳng, thu phí bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, cước thuê bao điện thoại, thu tiền điện, tiền nước sinh hoạt, đại lý dịch vụ ngân hàng, chuyển phát chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, kết quả xét nghiệm của các bệnh viện... Có thể thấy, Bưu điện Việt Nam đã thực sự trở thành “cánh tay nối dài” trong thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam còn luôn chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ. Đặc biệt, việc cải tiến, hợp lý hoá hành trình khai thác, rút ngắn đáng kể thời gian chuyển phát công văn, thư, báo, bưu kiện, bưu phẩm tới tay người nhận... đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Để xây dựng và định hình thương hiệu riêng của mình, từ cuối năm 2012, lần đầu tiên Bưu điện Việt Nam đã có riêng bộ nhận diện thương hiệu của chính mình. “Vietnam Post - Delivering more” Bưu Điện Việt Nam - gửi trọn niềm tin cũng là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong chiến lược phát triển thương hiệu của Tổng công ty thời gian qua.

Đi đúng hướng, cộng với sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của toàn mạng lưới nên doanh thu và lợi nhuận cùng thu nhập của người lao động năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ chỗ phải nhận trợ cấp của Nhà nước thì từ năm 2014 đến nay Tổng công ty đã không còn nhận tiền trợ cấp nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ bưu chính công ích, đẩy mạnh kinh doanh, đem lại lợi nhuận cao. Nếu so với mức lợi nhuận âm 1.285 tỷ đồng tại thời điểm mới thành lập, con số 175 tỷ đồng của năm 2016 mang ý nghĩa rất đặc biệt, bởi nó đã thể hiện được tất cả nỗ lực, ý chí, quyết tâm, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn của người Bưu điện trong suốt 10 năm qua. Vị thế và uy tín của Bưu điện Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Phát triển đồng bộ ba trụ cột kinh doanh

Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện, phát triển đồng bộ ba trụ cột kinh doanh: bưu chính, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông. Qua đó khẳng định vai trò chủ đạo trong lĩnh vực bưu chính tại Việt Nam và đến năm 2020 trở thành doanh nghiệp bưu chính quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tổng công ty phấn đấu đến năm 2020 doanh thu đạt 21.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 20%/năm. Tổng lợi nhuận năm 2020 phấn đầu đạt 600 tỷ đồng, tăng bình quân 38%/năm. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu nhà nước đạt 6,3%, tăng trưởng 44%/năm.

Để thực hiện được mục tiêu này, Bưu điện Việt Nam đã chủ động xây dựng một tầm nhìn, hướng đi riêng theo hướng tạo dựng nền sản xuất bưu chính hiện đại, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, tạo sự cách biệt và khác biệt tuyệt đối trên thị trường.

Với sự sáng tạo, đổi mới cùng các giải pháp, chiến lược hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, chắc chắn những nỗ lực của 4 vạn cán bộ công nhân viên sẽ tiếp tục cho ra những “quả ngọt” bằng những chỉ số quan trọng để hoàn thành xuất sắc mục tiêu doanh thu đạt 1 tỷ USD vào năm 2020 và trở thành doanh nghiệp bưu chính hàng đầu trong khu vực. Đây cũng sẽ là nền tảng thúc đẩy Tổng công ty “chinh phục” những mục tiêu cao hơn đến năm 2030 và xa hơn nữa.

TH