Tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Diễn đàn - Ngày đăng : 08:35, 30/05/2017

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang là vấn đề được quan tâm hiện nay.

Ngày 29/5/2017, Bộ TT&TT đã tổ chức giao ban cung cấp thông tin đối ngoại định kỳ cho báo chí. Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đã chủ trì buổi giao ban.

Toàn cảnh buổi giao ban

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết tháng 6/2017 được lấy làm tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” nhằm tiếp tục phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để trẻ em được sống trong môi trường an toàn và phát triển toàn diện. Tháng hành động vì trẻ em năm nay trùng với thời điểm Luật trẻ em có hiệu lực, bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, đặc biệt là quy định về bảo vệ trẻ em.

Ngày 9/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định quy định chi tiết thi hành các điều khoản được giao trong Luật trẻ em, bao gồm: khoản 2 Điều 10 (Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt); khoản 4 Điều 52 (hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo tố giác hành vi xâm hại trẻ em); khoản 3 Điều 54 (trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng); khoản 5 Điều 56 và khoản 3 Điều 67 (quy trình, thủ tục đăng ký và chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế); khoản 3 Điều 78 (trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc bảo đảm trẻ em được tham gia vào các vấn đề trẻ em).

Sử dụng mạng Internet, trẻ em được tiếp cận kho dữ liệu, thông tin khổng lồ, đa dạng, phong phú cho phép tìm kiếm mọi thông tin thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp trẻ em học tập, trao đổi, chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, Internet cũng mang đến không ít rủi ro cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em có thể bị xúc phạm danh dự, lừa đảo hoặc xâm hại qua mạng từ việc chia sẻ các thông tin cá nhân. Mặt khác, do không bị hạn chế về nội dung khi truy cập Internet, trẻ em dễ dàng truy cập vào các trang web xấu. Điều này dẫn đến việc trẻ em bị ảnh hưởng về tâm lý, bị lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động không lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật. Nghị định quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng từ Điều 33 – 37. Trẻ em bị xâm hạm trên môi trường mạng phải được phát hiện và hỗ trợ kịp thời; quy định trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh các cơ quan báo chí trong tháng 6 cần tuyên truyền cao điểm về Luật Trẻ em, các nội dung của Nghị định số 156/NĐ-CP, cần thường xuyên tuyên truyền về Luật trẻ em, có phóng sự chuyên sâu thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này. Các báo cũng cần lưu ý về kỹ năng, nghiệp vụ đưa tin bài về trẻ em, tránh gây tổn hại cho trẻ em, giật tít gây tò mò và cần chủ động tích cực trao đổi với các cơ quan chuyên ngành về lĩnh vực này để có những bài viết sâu, kỹ lưỡng. Thứ trưởng cũng chỉ đạo các Bộ ngành cần tiếp tục phối hợp tập huấn cho các phóng viên biên tập viên về mảng đề tài này.

Đưa thông tin trẻ em lên mạng phải được sự đồng ý

Nghị định quy định rõ, cơ quan, tổ chức, DN cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em. Cơ quan, tổ chức, DN cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Nghị định quy định cơ quan quản lý nhà nước về TT&TT và quản lý nhà nước về trẻ em; tổ chức, DN hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới; công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em. Cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Quy định nhiệm vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

Bà Nga cũng cho biết một điểm mới nữa của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP là đã quy định nhiệm vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giá hành vi xâm hại trẻ em; quy định cơ chế hoạt động, cơ chế phối hợp can thiệp của Tổng đài với các cơ quan, tổ chức liên quan.

Việc thành lập Tổng đài điện thoại quốc gia để phát huy hơn nữa vai trò của đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻm em 18001567 từ tháng 5/2014 trong việc kết nối, chuyển tuyến, điều phối dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em liên ngành, tham gia vào các hoạt động hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại. Tổng đài dự kiến được đặt tại 3 miền, hoàn toàn miễn phí. Hiện nay, tổng đài tiếp nhận 300.000 cuộc gọi đến, tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người chưa biết đến số đường dây này.

Lan Phương