Bộ TT&TT xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản
Diễn đàn - Ngày đăng : 07:56, 24/05/2017
Toàn cảnh cuộc họp
Theo báo cáo của Ban soạn thảo, Nghị định thay thế Nghị định 159/2013/NĐ-CP do các điều, khoản cần sửa đổi, bổ sung chiếm tỷ lệ lớn (chiếm 90% Nghị định cũ), do đó, việc ban hành Nghị định thay thế sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng trong quá trình triển khai thực hiện. Nghị định thay thế chuyển nội dung các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin điện tử từ Nghị định số 174/2013/NĐ-CP sang Nghị định thay thế Nghị định 159/2013/NĐ-CP.
Trong quá trình xây dựng, Thanh tra Bộ đã làm việc với các cơ quan chuyên môn để rà soát, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 159/2013/NĐ-CP. Những nội dung cần hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung phù hợp với các văn bản luật mới được ban hành. Trên cơ sở ý kiến góp ý của cơ quan chuyên môn, Ban soạn thảo đã hoàn thiện dự thảo của Nghị định thay thế Nghị định 159/2013/NĐ-CP.
Ban soạn thảo cũng cho biết, một số hành vi giữ nguyên mức phạt trong lĩnh vực báo chí là: sử dụng thẻ nhà báo của người khác hoặc sử dụng thẻ nhà báo giả để hoạt động báo chí; sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa, hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí; Phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam mà không có thẻ phóng viên nước ngoài hợp lệ do Bộ Ngoại giao cấp; Không lưu giữ toàn bộ chương trình đã truyền dẫn, phát sóng hoặc lưu giữ không đúng quy định về thời gian đối với báo chí, báo hình, không lưu giữ nguyên vẹn nội dung thông tin đã đăng, phát hoặc lưu giữ không đúng quy định về thời gian đối với báo điện tử. Bên cạnh đó, các hành vi ở Nghị định mới cũng được giảm mức phạt so với Nghị định 159/2013/NĐ-CP, đó là: Sử dụng ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện để chuyển thành bài phỏng vấn khi chưa được sự đồng ý của người phát biểu; Thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh...
Đối với lĩnh vực xuất bản, 100% các điều, điểm đều có sự chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung phù hợp, bổ sung 80 hành vi mới, trong đó tập trung vào các hành vi vi phạm liên quan đến nội dung thông tin trên xuất bản phẩm, sản phẩm in. Ngoài ra, Nghị định mới còn bổ sung 12 hành vi liên quan đến xuất bản và phát hành điện tử trên cơ sở quy định tại Nghị định 195/2013/NĐ-CP (Nghị định này được ban hành sau khi ban hành Nghị định 159/2013/NĐ-CP). Đồng thời, hủy bỏ 23 hành vi liên quan đến trình tự thủ tục, không phù hợp với thực tiễn hoặc chưa rõ nghĩa hoặc đã có quy định mới thay thế.
Bên cạnh đó, một điểm mới của Nghị định thay thế là sẽ có các chương riêng về từng lĩnh vực, trong đó Chương II quy định về các hành vi, vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, có bổ sung thêm 02 điều. Chương III quy định về các hành vi, vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản, có bổ sung thêm 03 điều mới, trong đó lĩnh vực in bổ sung 02 điều liên quan đến giấy phép, điều kiện hoạt động in và thủ tục, hồ sơ nhận in, lĩnh vực phát hành bổ sung 01 điều về điều kiện hoạt động phát hành, tổ chức triển lãm, hội chợ. Chương IV quy định về hành vi, vi phạm hành chính về chế độ thông tin, báo cáo.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị chức năng liên quan, các thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập đã đóng góp nhiều ý kiến trao đổi, về các hành vi vi phạm trong nội dung của Nghị định thay thế, xem xét có nên tách riêng hay gộp phần dịch vụ phát thanh, truyền hình. Cân nhắc xem xét về vấn đề xử phạt hành chính và xử phạt về chính quyền Đảng trong vi phạm về hoạt động báo chí, xuất bản.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, Nghị định thay thế Nghị định 159/2013/NĐ-CP về nguyên tắc xây dựng phải phù hợp với pháp luật, quy định mới, không được bỏ sót hành vi vi phạm và các hành vi vi phạm của Nghị định không được trùng lặp với Nghị định cũ.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chỉ đạo Cục Báo chí, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cần phải rà soát kỹ các nội dung liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của đơn vị mình, cần có đối chiếu với các văn bản pháp luật có liên quan, như Bộ luật Hình sự để tránh trùng lặp về các nội dung, hành vi vi phạm hoặc không còn phù hợp.
Vụ Pháp chế - Bộ TT&TT phối hợp và hỗ trợ cho tổ biên tập rà soát lại tính pháp lý, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tổng hợp nội dung xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan./.